4 lý do tranh Việt lép vế

24/10/2008 23:18 GMT+7

Tham gia cùng họa sĩ Bùi Thanh Phương phát hiện hãng đấu giá danh tiếng Sotheby,s bán tranh Phái giả, nhà sưu tập người Pháp gốc Việt Gerard Chapuis chia sẻ với Thanh Niên cách nhìn về thị trường tranh quốc tế.

*Là một nhà sưu tập tranh ở Pháp, anh nhìn nhận ra sao về các danh phẩm Việt Nam trên trường quốc tế?

- Danh phẩm Việt khó vào những tiệm buôn lớn nếu không có “tay trong, tay ngoài”, vì người giám định đã có “nguồn” cung cấp, và khi sưu tập gia không chuyên nghiệp cần bán gì đó, anh ta sẽ gặp khó khăn. Có rất ít các danh phẩm Việt trên trường quốc tế, giá bán tranh Việt bên Pháp cũng không cao vì 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, người sưu tập rất sợ tranh Việt, trong thâm tâm ai cũng nghĩ ta có thói quen bán đồ giả, cộng thêm việc thiếu thông tin. Hai, khi bỏ tiền ra đầu tư, người ta sẽ phải phân vân giữa việc tranh Việt (khó biết thật giả), và tranh nơi mình đang sống (hiểu rõ). Thường là họ quay lưng với tranh Việt. Thứ ba, chúng ta rất yếu về cách tự quảng cáo cho chính mình. Cuối cùng, trong khi nhà sưu tập ngần ngại thì bọn "họa tặc" lại coi đây là một cách kiếm lợi nhuận dễ dàng và nhảy vào gây loạn.

Sinh năm 1961 tại Việt Nam, Gerard Chapuis sang Pháp định cư khi đang học lớp 11. Anh đỗ bác sĩ đa khoa, cùng 4 tấm bằng khác (châm cứu, thủy châm huyệt hệ thống hóa...). Tự nhận mình là "người gác đền Bùi Xuân Phái", Gerard đam mê tranh Phái ngay khi còn là sinh viên qua tranh ảnh, báo chí. Chapuis quan tâm tới sưu tập bưu họa (philately) trước, và bắt đầu đến với việc sưu tập tranh hơn 10 năm nay.

*Hiểu một cách đơn giản thì họa sĩ muốn bán tranh phải tổ chức triển lãm, còn các nhà sưu tập lại tìm đến với các buổi đấu giá để bán?

- Mỗi người một việc, họa sĩ vẽ tranh, người môi giới bày triển lãm và gallery bán tranh cho người am hiểu nghệ thuật. Riêng các nhà sưu tập, họ không kiên nhẫn chờ họa sĩ trẻ thành công, mà mua luôn tranh của các bậc thầy, đó mới là thế giới của các nhà buôn tầm cỡ, làm môi giới giữa người bán và nhà sưu tập. Việc mua tranh của một thương hiệu nổi tiếng vừa đảm bảo nguồn gốc, vừa có độ tin cậy. Sự kiện mới đây với nhà buôn Hồng Kông cho thấy người sưu tập tranh phải có bản lĩnh và kinh nghiệm, để không bao giờ phải trả hơn 100.000 USD tiền thật để mua tranh giả về gắn vào bộ sưu tập.

*Hoạt động của các nhà đấu giá Hồng Kông, Singapore dựa trên nền tảng nào?

- Họ vốn là “chi nhánh” của các nhà buôn mẹ đóng tại các thành phố lớn. Từ 4 tới 7 lần/năm, nhà buôn lớn sẽ đăng quảng cáo trong “La gazette de Drouot” - một cuốn sách kinh điển của giới chuyên nghiệp về bất cứ bộ sưu tập nào, với tên và điện thoại của các “chi nhánh”. Trong khi đó, các “chi nhánh” sẽ thu gom, chọn lọc, với món đồ nào không có tầm cỡ quốc tế sẽ được bán ở tỉnh lẻ. Tiếp đó, người của nhà buôn mẹ tiếp tục tuyển chọn lần thứ 2 để gửi lên Paris. Bắt đầu từ đây, tranh Á châu luân chuyển. Đây là những chuyến buôn lớn theo vụ: xuân, hè, cuối năm, kèm theo là các "trận càn quét" lớn.

*Các phiên đấu giá quốc tế luôn có chuyên gia thẩm định, tại sao vẫn có tình trạng tranh giả xuất hiện?

- Chuyên gia giám định trong các phiên đấu giá quốc tế không có một bằng cấp nào khẳng định rõ trình độ chuyên ngành của họ, tất cả chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân họ. Thử hỏi liệu họ có biết một cách sâu sắc từ Miến Điện đến Việt Nam? Trường Mỹ thuật Đông Dương có hơn 17 khóa học, hỏi bao nhiêu người thành công? Đáng lẽ ra cần phải tiếp thu ý kiến của gia đình họa sĩ hoặc nhà sưu tập chuyên nghiệp. Sự kiện vừa qua, hãng buôn đã phạm lỗi lớn là thiếu khiêm tốn.

*Ngoài Việt Nam, còn quốc gia nào cũng bị làm giả tranh?

- Tất cả các quốc gia đang phát triển đều bị nạn tranh giả hoành hành. Đây là bài học vỡ lòng, coi như ta đóng một khoản phí không nhỏ để được quyền vào chơi trên sân quốc tế. Hơn thế nữa, họa sĩ Việt lại tự tôn quá, họ không chịu tìm cách tự quảng bá mình. 

* Chuyện làm giả, làm nhái tranh và đem bán đó, anh nhận thấy là xuất phát từ điều gì, do ai chủ động làm?

- Có thể người sưu tập khi biết mình mua lầm tranh giả liền bán cho người yếu tay nghề hơn. Cũng có thể ta đang đứng trước những tập đoàn lớn có đầy đủ hệ thống “chuyên gia vẽ giả”, “chuyên gia sưu tập giả” bắt tay với các giám định viên bù nhìn, bán trong phiên chợ quốc tế thật, thu ngoại tệ thật.

Ngọc Lương (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.