385 năm “Xứ Đàng Trong”

30/01/2006 17:17 GMT+7

Cristophoro Borri, nhà truyền giáo người Ý đã đến ở xứ Đàng Trong, mà chủ yếu là Quảng Nam - Bình Định trong vòng 20 năm. Năm 1621 ông đã viết một bản báo cáo dưới dạng một bút ký, về nơi ở của mình gửi về La Mã. Ông không chỉ đề cập đến một vùng đất giàu tiềm năng mà còn giới thiệu về con người, những món ăn, nghề trồng lúa, việc dạy học, phong tục tập quán…

Đặc biệt, từ hồi đó C.Borri đã đánh giá rất cao lợi thế sông ngòi, cửa biển của Hội An và một phần Đà Nẵng với những chính sách thoáng mở về ngoại thương của Chúa Nguyễn… Ông cũng hiểu biết nhiều và rất có thiện cảm với con người của miền đất này… Năm nay, đúng 375 năm ngày cuốn sách ra đời lần đầu tiên tại Ý (1631) và 385 năm ngày Borri bắt đầu bản thảo trên, chúng tôi đã đọc lại những điều ông viết…

C.Borri cũng được xem như một trong những người đầu tiên phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh để sử dụng vào việc truyền  giáo…

- Hải cảng và kinh tế thị trường:

Dưới cái nhìn của Borri, kinh tế thị trường rộng mở, đa phương được ghi nhận là nét chủ yếu trong hoạt động thương mại của Đàng Trong. Ông viết: “Người dân xứ này… dễ dàng cho người ngoại quốc vào hải cảng của họ và họ thích thú thấy người ta đến buôn bán trong lãnh thổ của họ. Không những từ những nước và tỉnh lân cận mà từ những xứ rất xa. Họ không cần những mánh lới gì lớn, nhưng người ngoại quốc đủ quyến rũ bởi đất đai phì nhiêu và thèm muốn những của cải tràn đầy trong xứ họ. Không những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia, Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến buôn bán, mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Ma Cao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc đến xứ  Đàng Trong để đem hàng hóa của xứ này về. Thực ra không phải là mua hàng hóa mà là trao đổi với cùng một thứ bạc kể như hàng hóa, lúc cao lúc hạ tùy theo có nhiều hay ít bạc, nhiều hay ít tơ lụa và những mặt hàng khác…”. Borri cũng có nhận xét, đưới tác động của việc mua bán phồn thịnh mà mỗi phiên chợ kéo dài đến 4 tháng ở Hội An, người dân cũng có khuynh hướng chạy theo “hàng ngoại” và đôi khi tiêu tiền xả láng, thiếu tiết kiệm!

“Còn về hải cảng thì thật lạ lùng” - Borri  nhận xét. Ông mô tả rằng chỉ trong vòng một trăm dặm đã có hơn 60 cảng thuận tiện cho việc bốc dỡ hàng hóa và giao lưu với nội địa. “Hải cảng đẹp nhất nơi mà tất cả những người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi tổ chức các hội chợ danh tiếng, chính là hải cảng thuộc Quảng Nam. Người ta cập cảng bằng  hai cửa, một là Touron( Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Cù Lao Chàm). Hai cửa này cách nhau chừng 3 đến 4 dặm đi sâu  vào đất liền chừng 7-8 dặm như 2 con sông tách rời nhau rồi gặp nhau và đổ vào con sông lớn để đón tàu bè lui tới…”. Việc mô tả này cho thấy hồi đó, tàu bè vào Hội An từ hai cửa Đà Nẵng và cửa Đại và nhận hàng từ các địa phương giàu có nông lâm thổ sản, tơ lụa… dọc sông Thu Bồn, Trường Giang, Vĩnh Điện chở tới theo từng phiên chợ…

Nhưng để có được một hoạt động thương mại hiệu quả đến nỗi “Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu và cả nước đều kiếm được rất nhiều mối lợi không thể tả hết” như nhận xét của Borri, là có nguyên cớ từ một chính sách…

- Một chính sách thương mại tự do

Theo C.Borri: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa với bất cứ một quốc gia nào. Người để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ…”. Tác giả cho rằng, sau khi Chúa Nguyễn để cho người Nhật và người Hoa chọn các địa điểm thuận lợi để buôn bán và xây dựng nên các khu phố ở Faifo, kế tiếp còn có người Hà Lan và Macao… Và mặc dù trong cạnh tranh trên thương trường, có lúc người Bồ tỏ ra ganh tỵ với người Hà Lan đã tìm các thủ đoạn tác động đến Chúa Nguyễn để ngăn cản người Hà Lan, nhưng vẫn không có mấy thành công. Vì “Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với nước láng giềng Trung Hoa, họ đã đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và đến buôn bán…”. Chính vì cảm nhận được một chính sách thoáng mở đó, Borri đã vượt qua chức phận của một nhà truyền giáo và đã đề nghị Chính phủ nước mình nên “sớm xây cất ở đó một thành phố tốt đẹp để làm nơi an toàn và cư trú…” và cả bảo vệ hàng hải cho tàu bè qua lại. Bởi trước đó, theo Borri, Chúa Nguyễn đã rất đặc biệt ưu ái người Bồ đến buôn bán và đã mấy lần cấp đất tại bốn địa điểm nơi phì nhiêu và phong phú nhất ở hải cảng Touron (Đà Nẵng) để họ xây cất thành phố như người Nhật và Hoa đã làm ở Hội An trước đó.

Không chỉ với nhà cầm quyền và chính sách của họ trong ngoại thương, Borri cũng đặc biệt có cảm tình với người Đàng Trong. “Đó là một lãnh thổ có dân cư dễ giao du, có tình và rất mực quảng đại. Người ta có thể tiếp xúc với họ và sống an toàn không những vì giá trị và đức can trường lớn lao của người Đàng Trong được các nước lân cận công nhận… mà còn vì chính thiên nhiên như đã bảo vệ họ, bao bọc họ… Người bản xứ thông minh đĩnh ngộ, họ dễ dàng và sẵn sàng đón tiếp hết các người ngoại quốc đến xứ họ và rất dễ dàng để cho mỗi người sống theo luật lệ của mình”.
 
“Người Đàng Trong có đến chùa, họ cúng tế và rước kiệu. Họ tin có hình phạt đời đời cho kẻ dữ và hạnh phúc trường cửu cho người lành”. Borri kết luận bản tường trình.

Nhà văn Sơn Nam, nhân đọc toàn văn của tường trình này cho rằng đây là một  tư liệu tham khảo rất tốt. Đọc để thấy rằng thế giới  này từ thế kỷ 17 đã có nhiều nước, nhiều cách sống khác ta. Vua chúa nhà Nguyễn đã phải tiếp cận với phương Tây nhưng đã phản xạ quá chậm, quá thụ động, quá bảo thủ, kém tự tin; đồng loã là một số hũ nho cao ngạo… làm cho nền kinh tế thị trường mới nảy nở đã lụi tàn. Cũng như Sơn Nam, nhà văn-nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân đã cho rằng ngay trong thế kỷ 17, Hội An đã là… một khu kinh tế mở, một cảng biển tự do! Và qua những chi tiết thú vị từ tường trình của C.Borri về một xứ Đàng Trong, một Hội An sinh động càng làm cho chúng ta tự hào và tiếc nuối hơn.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.