20 năm nghĩa tình giữa bạt ngàn rừng đước

09/06/2021 07:00 GMT+7

Giữa bạt ngàn rừng đước, tại xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ, TP.HCM có một gia đình nuôi sinh viên tình nguyện từ năm 1996.

Cái tình cái nghĩa thấm đượm đến nỗi có một bài hát riêng của các bạn sáng tác dành tặng cho xã đảo từ nghĩa tình này và cả những chuyến trở về mặt trận tình nguyện xưa với chiều dài 20 năm đong đầy cảm xúc.

Cuộc gặp 'không báo trước' sau 20 năm 

Là một người yêu thích hoạt động tình nguyện, năm 2013, người viết tình cờ biết đến chú Tư Đặng (Phạm Văn Đặng) - người đã nuôi sinh viên tình nguyện từ chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1996 đến những năm gần đây tại xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ. Với quyết tâm tìm gặp chú, người viết đi theo đường Rừng Sác về thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ và đón chuyến đò ra đảo Thạnh An. Khi gặp, chú nhắc nhiều về đội hình tình nguyện trường Đại học Mở bán công năm 1996 và đặc biệt là anh Lê Xuân Sinh - người “chỉ huy” đội hình năm xưa.

Mọi người cùng quây quần bên mâm cơm ấm lòng...

Ảnh: TGCC

Trở về đất liền, với mong muốn tạo nên cuộc gặp bất ngờ giữa chú Tư và anh Sinh, người viết đã tìm cách liên hệ anh Sinh và làm nên câu chuyện kết nối nghĩa tình. Năm 2016, trên chiếc xe máy cũ, khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, chúng tôi một lần nữa vượt đường xa về thăm lại mặt trận xã đảo.
Trên con đò ra đảo mất 45 phút, chúng tôi trò chuyện về kỷ niệm tình nguyện, lòng rộn ràng và khấp khởi mong ngày gặp lại gia đình chú Tư mà không báo trước để giây phút hội ngộ bất ngờ, tự nhiên như con nước lên xuống hàng ngày.
Đò cập bến, chưa bước vào nhà đã có người nhận ra anh Sinh và về “báo” cho chú Tư. Ngôi nhà nhỏ cách đò chưa đầy ba phút đi bộ nên chúng tôi nhanh chóng đến nhà trong sự ngạc nhiên của cô chú Tư. Chú Tư đã ngoài 50 tuổi nhưng dáng người vẫn mặn mòi khí chất rắn rỏi của dân miền biển. Hai người đàn ông cố kìm nén cảm xúc ôm chầm lấy nhau, tay run run, nụ cười hạnh phúc kéo nếp nhăn trên trán như hằn rõ vết thời gian sâu đậm. Hai mươi năm hội ngộ đong đầy nghĩa tình trong câu chuyện tình nguyện giữa lòng thành phố.

20 năm nghĩa tình với sinh viên tình nguyện

Năm 1996, 18 sinh viên tình nguyện trường Đại học Mở bán công hăng hái về đảo Thạnh An. Công tác xóa mù chữ được đặt lên hàng đầu. Việc vận động trẻ em đi học đã khó, để các anh chị, cô chú đến lớp lại càng khó hơn. Không phải ai cũng sắp xếp được thời gian sau cả ngày đánh cá mệt nhọc để học chữ và ở độ tuổi không còn dễ tiếp thu mà tối lại đi học có vẻ như không khả thi. Vậy mà lớp học vẫn mở, có cái ngại ngùng ban đầu, cái khó trong xưng hô nhưng rồi đâu cũng vào đấy, thậm chí con chữ ê a trong đêm từ những ngôi nhà cạnh biển bỗng trở nên thân thuộc với bà con. Chưa dừng lại đó, các bạn còn lên ghe dạy học cho bà con trong ánh đèn dầu leo lét và chòng chành con sóng mỗi tối. Cô Tư là một trong những người đăng ký học và học rất nhanh. Từ khi biết một số chữ cái, cô đã dần quen với cách viết và đọc liền mạch một đoạn văn. Bút tích của cô vẫn còn trong trang nhật ký về Mùa hè xanh với bao câu chuyện và “biệt danh” của từng sinh viên tình nguyện năm ấy.

Anh Sinh (trái) và chú Tư gặp lại nhau trên chiếc ghe cũ - phương tiện mưu sinh cho cả gia đình chú

Ảnh: TGCC

Cô Tư nhớ lại câu chuyện cảm động khi sinh viên đi hơn nửa cây số để gánh nước ngọt về sinh hoạt vì nhà cô chú không có lu chứa đủ nước cho một lần ghe máy tiếp nước ngọt từ đất liền. “Nhìn thương lắm! Đi làm về cực khổ mà phải lo cả chuyện nước nôi, ăn uống, cô quyết định mua đồ rồi nấu ăn luôn cho các bạn”, cô chia sẻ.
“Giữa một vùng đất khi ấy còn nhiều khó khăn mà anh chị Tư vẫn chăm lo chu đáo cho sinh viên và từ đó đến nay đã 20 năm mà tình cảm vẫn vậy, nhiều khi tôi tự đặt ra câu hỏi vì sao giữa những khó khăn như vậy mà anh chị Tư vẫn nhận người về ở trong một tháng. Là nhiệt huyết, thói quen hay là tình cảm đã đi vào máu”, anh Sinh tâm sự.
Chú Tư nhìn ra chiếc ghe đánh cá cũ của mình, chiếc ghe hằng ngày là phương tiện mưu sinh cho cả gia đình, rồi nói: “Mấy cháu sinh viên này mùa hè cũng có thể về với gia đình, sao lại đi xa cho cực khổ. Người ta đến đây nghĩa là người ta có một tình cảm trong đó và mình giúp mấy cháu thì sau này con cái mình đi đâu cũng mong sẽ có người thương lại như vậy. Chỉ nghĩ đến điều này thôi mà năm nào chú cũng nuôi “sấp nhỏ” trong nhà”.
Cảm mến tình cảm của cô chú Tư và người dân xã đảo qua nhiều năm, anh Nguyễn Tùng (sinh viên tình nguyện trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật năm 2001) đã sáng tác bài Dấu chân qua đảo với giai điệu tha thiết, mặn nồng: “Qua đảo Thạnh An đi qua hai chuyến đò.... Lên đò nhấp nhô qua biển rộng... Lấp lánh nắng vàng đưa tôi về Thạnh An... Qua Thạnh Bình. Qua Thạnh Hòa. Qua Thiềng Liềng. Em có nhớ về ai?”.
Hai mươi năm dài, từ lúc được sinh viên gọi là “anh, chị”, bây giờ sinh viên mới về gọi là “cô, chú”, “tía, má” cũng đủ làm cho câu chuyện tình nguyện dày thêm tình cảm.
Đêm Thạnh An lồng lộng gió biển, chúng tôi cảm nhận sự ấm áp của những chia sẻ rất đỗi thân tình từ gia đình chú Tư Đặng và anh Sinh. Dập dềnh con sóng biển, suy nghĩ của người viết cứ miên man gọi tên câu chuyện của "người tình nguyện không tuổi” tại xã đảo trong niềm cảm xúc: Tình người mênh mang giữa bạt ngàn rừng đước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.