Văn hóa Triều Tiên thay đổi như thế nào dưới thời ông Kim Jong Un?

25/02/2019 10:36 GMT+7

Cho đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên vẫn là một quốc gia khép kín, đóng cửa với xung quanh. Thế nhưng kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, văn hóa giải trí và tiêu dùng nơi đây đang có những chuyển biến tích cực.

Triều Tiên được xem là đất nước có nền kinh tế bao cấp. Dù vậy trong những năm gần đây, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang từng bước khuyến khích quá trình đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường các chủng loại hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Đến thăm phòng trưng bày sản phẩm của xưởng giày Ryuwon, bất cứ ai cũng sẽ choáng ngợp khi nhận thấy nơi đây có vô số kiểu giày thể thao phục vụ cho mục đích chạy bộ, bóng rổ, tennis... đa dạng cả về mẫu mã lẫn công năng. Nhân viên xưởng giày cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là sản xuất mặt hàng phù hợp với thị hiếu mọi người. Chủ tịch Kim Jong Un đã hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu kỹ các mẫu giày trên thế giới và lấy đó làm ví dụ học hỏi".
Người dân ở Triều Tiên cũng dần quen thuộc với các sản phẩm cao cấp của Dior hay Sony được bày bán trong các cửa hàng ở thủ đô Bình Nhưỡng, hay đồ rẻ tiền từ Trung Quốc rất phổ biến tại những khu chợ trên khắp đất nước.
Không dừng lại ở sự đa dạng trong mặt hàng tiêu dùng, thay đổi rõ rệt nhất còn thể hiện ở hệ thống chương trình truyền hình. Trước giờ, khán giả Triều Tiên chỉ có thể xem TV trên kênh truyền hình trung ương. Hệ thống chương trình đều mang tính chất tuyên truyền, ca ngợi lãnh đạo, thế nhưng chất lượng giải trí của chúng đã dần cải thiện dưới thời ông Kim Jong Un. Gần đây, bộ phim lịch sử Những người hái nhân sâm trong cuộc chiến Imjin đang khá nổi. Bộ phim kể về cuộc kháng chiến chống Nhật cuối thế kỷ 16, sở hữu cốt truyện hấp dẫn cùng diễn xuất lôi cuốn, trang phục và bối cảnh được đầu tư hơn hẳn những dự án truyền hình trước đây.
Nhóm nhạc Hàn Quốc Red Velvet gặp gỡ ông Kim Jong Un Ảnh: Getty Images
Vào năm 2015, loạt phim hoạt hình Cậu bé đại tướng xoay quanh cuộc chiến chống ngoại xâm Trung Quốc cũng tạo được tiếng vang nhất định, khiến nhiều người phải thu xếp công việc để theo dõi tập mới nhất. Sức hút của loạt phim nằm ở phần kỹ xảo đẹp mắt, công nghệ vi tính có thể sánh ngang với một số phim hoạt hình hàng đầu thế giới.
Phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc vẫn bị cấm. Nhưng nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài vẫn tìm được đường vào Triều Tiên. Như phim Bollywood rất nổi tiếng tại những rạp chiếu quốc gia, đặc biệt là bộ phim Ba chàng ngốc. Kênh truyền hình giáo dục bắt đầu chiếu những phim tài liệu nước ngoài. Bộ sách Harry Potter lại rất được yêu thích tại các thư viện Triều Tiên.
Nhà sáng lập Geoffrey See của tổ chức phi lợi nhuận Choson Exchange cho rằng Triều Tiên đang hiện đại hóa nhằm cung cấp những sản phẩm hấp dẫn và có tính cạnh tranh, hướng đến thế hệ trẻ vốn không còn hứng thú với sản phẩm lỗi thời.
Nhóm nhạc nữ Moranbong Ảnh: Getty Images
Trong quá trình tại nhiệm, ông Kim Jong Un đã ra lệnh thành lập ban nhạc nữ Moranbong, đại diện cho một khía cạnh mềm mại hơn của Triều Tiên. Dù phục vụ trong quân ngũ, họ đều cắt tóc và mặc váy ngắn. Họ đã ra mắt nhiều ca khúc, góp mặt trên sóng truyền hình và thực hiện các chuyến lưu diễn.
Tháng 2 năm ngoái, Triều Tiên cử một số nghệ sĩ hàng đầu đến biểu diễn tại Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc. Hai tháng sau, Chủ tịch Kim Jong Un xem nhóm nhạc Red Velvet biểu diễn trong show Kpop đầu tiên tổ chức tại Triều Tiên. Sau đó, ông tiếp tục cử nghệ sĩ đi đến Bắc Kinh (Trung Quốc) để biểu diễn.
Dù vậy, Triều Tiên không hề có ý định tách rời nghệ thuật khỏi chính trị. Những sản phẩm đậm tính tuyên truyền vẫn là trụ cột trong nền nghệ thuật quốc gia. Chủ tịch Kim Jong Un luôn khuyến khích các nhóm nhạc Triều Tiên tiếp tục đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của đảng và thực hiện hoạt động nghệ thuật phục vụ cho tư tưởng đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.