Văn hóa người Đà Lạt

23/06/2022 04:45 GMT+7

Ngày 21.6 vừa qua kỷ niệm 129 năm ngày bác sĩ, nhà thám hiểm Alexander Yersin lần đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên, nhờ đó hình thành nên TP.Đà Lạt du lịch hôm nay.

Từ xa xưa, Đà Lạt là miền đất sinh sống của tộc người Cơ Ho (K’Ho) và là nơi hội tụ cư dân khắp mọi miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp. Do đó, văn hóa của dân tộc bản địa, văn hóa của các cộng đồng dân cư ở châu thổ sông Hồng, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ… và sự giao lưu văn hóa phương Tây đã tạo nên những nét đặc trưng văn hóa Đà Lạt.

Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ban tặng cho Đà Lạt khí hậu quanh năm mát lạnh, cảnh quan thơ mộng, đã hình thành nên người Đà Lạt với phong cách “sống chậm”, từ tốn, hiền lành, thân thiện, chan hòa, vui vẻ... Vậy nên, văn hóa Đà Lạt rất được nhiều người chú ý, là đề tài luôn hấp dẫn các nhà khoa học xã hội, giới nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, giới văn nghệ sĩ…

Nhằm góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của phong cách, văn hóa người Đà Lạt, UBND TP.Đà Lạt vừa ban hành “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt”. Bộ quy tắc với 10 điều quy định cách ứng xử của người dân Đà Lạt và các tổ chức, cá nhân đang công tác, học tập, làm việc, tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn Đà Lạt.

Ngoài quy tắc ứng xử chung, yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật, bộ quy tắc này quy định cách ứng xử hiền hòa, thanh lịch và mến khách. Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, giới tính trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội. Sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với đặc trưng văn hóa, khí hậu của Đà Lạt… Bộ quy tắc còn có những quy định đối với từng nhóm đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức; học sinh, sinh viên; quy tắc ứng xử đối với người bán hàng; cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; dịch vụ nhà hàng ăn uống; quy tắc ứng xử đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình và khách du lịch.

Đáng chú ý, đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khi giao tiếp với khách hàng phải thể hiện sự “thanh lịch, hiền hòa và mến khách”; không phân biệt đối xử giữa người địa phương và khách du lịch; không chèo kéo gây mất trật tự; cầu thị lắng nghe góp ý từ khách hàng; không được chửi bới, lăng mạ, xúc phạm khách hàng.

Với các gia đình và cộng đồng dân cư phải tôn trọng, chỉ dẫn giúp đỡ du khách khi có yêu cầu chính đáng, “nói lời hay, cử chỉ đẹp”, phát huy phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống địa phương.

Bộ quy tắc ứng xử còn quy định khách du lịch không được hái hoa, bẻ cành, giẫm đạp lên hoa; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa dân tộc và địa phương…

Bộ quy tắc ứng xử văn hóa này, nói như lãnh đạo TP.Đà Lạt, sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi người dân và du khách cùng phát huy phong cách hiền hòa, thanh lịch, góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố đáng sống; góp phần nâng cao hình ảnh và sự hấp dẫn của Đà Lạt đối với du khách trong nước và quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.