Xứ người giông gió - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

03/07/2016 05:18 GMT+7

1. Dì Sáu cựa mình thức dậy, nheo mắt nhìn đồng hồ. Mới bốn giờ hơn nhưng muốn ngủ thêm cũng không được nữa.

Dì xỏ áo ấm, rón rén bước xuống giường, vén màn, chầm chậm tới toilet để đi vệ sinh, rồi với tay, khe khẽ bấm nước chứ cũng hổng dám xả cái ào, sợ ổng với tụi nhỏ thức dậy. Dì quay lại nệm, he hé tấm rèm cửa nhìn ra ngoài cửa sổ, ngó quanh ngó quẩn, chờ ngày lên.

Nhưng khác với mấy bữa trước, hôm nay mặt trời có lẽ sẽ không lên, khi những trận gió lốc ghê người thổi đám tuyết bay mịt mù che hết tầm nhìn trước mặt. Hôm qua đi làm về, Hạnh chở một đống nước lạnh, mì gói, bánh tráng, nước mắm, trứng gà và mực mặn chất đầy phòng. Cô la to. Bão tuyết đang tràn về bang mình nhen ba má. Trận này lớn lắm, nghe đâu dữ nhất trong vòng trăm năm nay. Đài báo tuyết sẽ rơi hai ngày đêm không dứt. Dày cả ba phít (*) chứ chẳng chơi. Con xếp hàng ngoài chợ cả tiếng mà chỉ mua được có nhiêu đây thôi. Mai trường thằng Henry đóng cửa, tiệm con cũng nghỉ mấy ngày. Kiểu này ở nhà nhai mì gói thay cơm. Chứ không đói rã họng.
Qua Mỹ mấy tháng, đã chứng kiến ba bốn trận rồi, nhưng lần này đúng là đáng sợ thiệt. Tuyết rơi từ đầu hôm tới giờ mà vẫn mịt mù không dứt. Ngày một mạnh thêm. Thường thường khi nó rơi, cả bầu trời rực sáng một màu trắng xóa đẹp vô cùng. Vậy mà giờ, mấy cây đèn cố rọi hết ánh sáng vàng vọt xuống mặt đường cũng không xóa nổi màn đêm vần vũ.
Đang miên man với cảm giác đợi chờ cái gì không rõ rệt, chợt nghe tiếng ho nhè nhẹ của chồng. Dì quay qua, thấy dượng cười móm mém.
- Bộ tui làm ba Hợp thức hả?
- Ờ.
- Thôi ráng nằm xuống ngủ thêm xíu đi. Còn sớm quá mà.
- Ghẹo bà thôi chớ có ngủ nghê gì được đâu. Dậy từ khuya rồi.
- Ôn dịch hông? Vậy mà tưởng tại tui nên ông mới dậy chớ.
- Coi mòi con Hạnh nói đúng bà heng. Trận này dữ quá.
- Chắc tuyết ngập tới bản họng tui. Cha mẹ ơi, trở mình xương cốt cứ kêu răng rắc.
- Đó. Cho bà sáng mắt. Còn ham lãng mạn ngồi ngắm tuyết rơi nữa hông?
- Cha già dịch. Ghẹo tui hoài. Uống cái gì không tui pha?
- Gì cũng được. Má Hợp cho gì tui uống nấy!
- Thì ông phải nói tui mới biết chớ. Trà lài, cà phê, hay trà gừng? Có ai mới cho con Hạnh bịch cà phê chồn thơm lắm, để tui chế cho ông một ly. Mà thôi trời đang lạnh. Uống trà gừng với mật ong tăng sức đề kháng nghen.
Dượng nhìn vợ, nheo nheo mắt rồi nhún vai. Có muốn cũng được đâu. Bả toàn quyết định. Nói vậy thôi, chứ cũng cả mấy tiếng sau mới có cái mà nhâm nhi. Bữa nào cũng phải chờ tụi nó dậy hết mới dám vô bếp lục đục nấu nướng. Chứ giờ mà khua mâm động chén, tụi nó dậy sớm thì khổ.
Dì Sáu bỏ dép, lấy tất dày mang thêm vô chân cho ấm. Miệng liên tục càm ràm, lạnh chi mà lạnh dữ không biết. Kiểu này hoài, thân nào chịu cho thấu. Dì quay qua với tay lấy rổ trầu. Lục đi lục lại một hồi, sực nhớ ra đang lục cái rổ không. Những lúc miệng mồm lạt nhách như vầy, có xấp trầu, têm một lá, quết tí vôi, xắt miếng cau, lấy thêm cọng dún, ngồi nhai nhóp nhép, chừng vài trạo là ấm hết cả người. Ăn trầu mấy chục năm nay, quen miệng rồi, vậy mà đành đoạn bỏ. Bên này cau trầu tươi khó kiếm quá, toàn ba cái đồ đông lạnh chát ngắt, chả ngon lành gì. Với lại sợ bữa nào quen miệng, dì nhổ cái bẹt đầy nhà, tụi nhỏ gớm chết. Hạnh kể, có bà kia, con cái đi làm bỏ bà ở nhà một mình. Buồn quá, cầm lòng hổng đặng, bà ra trước sân ngó ngược ngó xuôi, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Người đi đường thấy miệng bà đỏ lòm, tưởng bị ai đánh… ói máu nên lật đật kêu cảnh sát tới. Tiếng Anh tiếng u không rành, phải trái chẳng biết phân trần, họ sợ bà chết nên hú còi chở thẳng vô bệnh viện cấp cứu. Khi cảnh sát liên lạc được với đứa con, mới biết đó là thói quen ăn trầu của người Việt. Họ cười một bữa muốn khùng. Riêng bà già sợ, từ đó về sau không dám ra trước sân ăn trầu nữa.
Thiệt hư chưa tỏ nhưng nghe xong dì cũng đổ bỏ ăn trầu từ dạo ấy.
2.
Mới đó mà đã hơn nửa năm hai vợ chồng rời quê, xa xứ, bỏ lại những ngày bình dị quê nhà, qua cái xứ buồn bã này để đoàn tụ với lũ con. Đã hơn hai trăm ngày, dì và dượng thẫn thờ ngồi ngắm mặt trời lên, nhìn mặt trời lặn, ngó mưa gió bão giông qua khung cửa sổ khu chung cư cũ kỹ. Mùa hè, mới năm giờ, ánh sáng đã chan hòa khắp nơi, như một gã thanh niên sỗ sàng, sòng sọc rọi chiếu vào phòng khách đánh thức mọi người ngồi dậy. Buổi chiều, chín mười giờ tối trời vẫn sáng rực như ban ngày. Chả bù cho mùa đông, tám giờ sáng, tụi nhỏ dậy đi học, đi làm hết rồi, mà bóng tối vẫn cứ mịt mù bao phủ. Nhưng mới bốn giờ chiều, trời đã tối hù như đêm trừ tịch ba mươi. Bữa nào Hạnh rảnh, cô lái xe cả tiếng chở hai vợ chồng tới khu buôn bán Việt Nam để nghe tiếng… người, rồi vô nhà hàng ăn tô bún mắm, bún bò, mua thêm ít bánh bèo, bột lọc, bánh nậm về ăn dần cho đỡ nhớ. Mà cả tháng Hạnh rảnh chắc được một ngày, nên hai vợ chồng toàn thui thủi trong nhà đối diện cùng nhau mãi. Buồn buồn hổng biết làm gì, ông nhìn bà, bà quay lại ngó ông. Vui thì kể cho nhau nghe chuyện hồi hai người mới quen nhau, đêm nào cũng nhấc ghế ra trước cửa nhà, dưới cây trứng cá xum xuê, rủ rì rù rì trong ánh mắt dò xét của ông già (vợ). Chán thì lôi ba cái chuyện chẳng đâu vào đâu ra cãi cọ, rồi giận lẫy hổng thèm nhìn mặt. Đâu chừng nửa buổi, lại khều khều bắt chuyện lại với nhau.
Dì dượng có hai mụn con, tặn tiện bao năm cũng được của dư của để, cho Hợp sang Mỹ du học mấy năm trời. Nó gặp con Nét (Janet), rồi ở lại lập nghiệp, sinh con đẻ cái. Mấy năm trước Hợp làm mai một thằng Việt kiều cao ráo, đẹp trai về cưới Hạnh qua. Gần bảy chục tuổi, tưởng đâu sẽ thong thả an hưởng tuổi già với ruộng đồng, vườn tược. Đùng một cái, Hợp gọi về năn nỉ, bảo tụi con giờ ở bên này hết rồi, để ba má ở quê thấy hổng yên tâm. Ba má khỏe mạnh không sao, lỡ trái gió trở trời, xa xôi quá tụi con đâu thể bỏ công ăn việc làm chạy về mà chăm sóc. Nhiều lúc thấy số bên nhà gọi qua, tim con cứ như nhảy ra khỏi lồng ngực. Nếu ba má có mệnh hệ nào, chắc hai đứa con ân hận cả đời quá. Với lại vợ con mới sanh thêm đứa nữa. Bên này hổng có ai lo. Thôi con làm thủ tục bảo lãnh ba má, sẵn qua giúp tụi con chăm cháu luôn nhen.
Ngay tháng đầu tiên ở Chicago, thời tiết thay đổi đột ngột. Trời đang nắng nóng như lò lửa khổng lồ, độ ẩm không khí quá cao. Vừa thò mặt ra đường, mồ hôi mồ kê túa ra, ngộp thở. Vậy mà sau một trận mưa, không khí lạnh tràn về, toàn thân run lẩy bẩy. Dì không hợp thổ nhưỡng, ho lên ho xuống, bỏ ăn bỏ uống gần nửa tháng trời. Một bữa ho ra máu ngay trên giường. Tụi nó lật đật gọi 911 chở vô bệnh viện. Dì bị viêm phổi nặng. Căn bệnh xuất huyết bao tử tái phát. Nằm viện mê man cả tuần. Con trai cuống cuồng. Sáng đi làm, chiều vô ngồi với má. Con gái lái xe chạy lên chạy xuống được mấy bữa thì đuối, đổ bệnh luôn. Tội ông già, nghe không hiểu, nói hổng rành, mà ngày nào cũng nằng nặc đòi vô viện nắm chặt tay cho bà đỡ sợ. Mấy mươi năm hương lửa, lỡ bà có chuyện gì chắc tui cũng nhắm mắt đi theo luôn.
Rồi dì cũng được xuất viện. Không bảo hiểm bảo hiếc, bill gửi về gần bốn chục ngàn đô. Dì té xỉu khi nghe con báo.
Những ngày kế tiếp, không khí gia đình như một đám tang. Hợp hầu như trốn biệt không chịu về nhà. Bữa cơm dì nấu đợi con, sáng nào cũng nguội lạnh. Con Nét đi ra gặp dì lắc đầu chán nản. Đi vô gặp dượng thườn thượt thở dài. Riết hai ông bà ở trong phòng, hổng dám bước chân ra khỏi cửa.
Tối hôm ấy, Hợp về. Mặt trơ trơ không cảm xúc. Dì dượng đứng ngay cửa, nghe Nét lơ lớ nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh than trời, trách đất. Tưởng you bảo lãnh ổng bả qua coi con coi cháu đỡ phần nào, ai dè chưa gì đã báo đời báo kiếp. Bốn chục ngàn đô đó, you ăn cho hết. Không có tiền trả thì nó tới kéo xe, kéo nhà, lúc đó ra đường mà ở. Như khổng như không vác thêm hai cục nợ lên người. Me đã cản từ phút đầu mà you không nghe. Giờ sáng mắt you chưa?
Dượng không nói không rằng, lẳng lặng tới giường, ôm đầu chán nản. Dượng nghe có hàng ngàn, hàng triệu con rắn hổ mang cắn xé thịt da, để lại những vết sẹo chằng chịt không hình thù rõ dạng. Hai chân dì lảo đảo. Tay run run bấu chặt cánh cửa phòng. Lời nói của con dâu chẳng khác nào hàng vạn vết chích của ong vò vẽ, mang nọc độc chạy khắp cùng thân thể. Dượng không thể khóc. Dì không thể khóc. Hai ông bà không thể khóc. Nước mắt nghẹn đắng ngay cuống họng. Bảy mươi mấy năm lăn lộn với đời, đi qua bao biến cố đau thương thời cuộc, của những lần tiễn biệt, chia ly, nhưng chưa bao giờ dì dượng thấy xót đau như lần này hết cả.
Hạnh gọi. Có chuyện gì mà ảnh kêu con lên chở ba má về gấp vậy? Dì lắp bắp, lên… lên… liền nhen con. Chớ không tao với ổng chết… chết mất.
Chiều hôm sau, Hạnh lái xe hơn nửa ngày đường lên tới Chicago. Đó là lần đầu tiên dì thấy tuyết, cái thứ quá xa xỉ bên Việt Nam. Già rồi nhưng vẫn như con nít mới lớn. Lần nào coi phim Hàn Quốc, là dì lại nói với chồng, mai sau có dịp ngồi trong nhà ngắm từng bông tuyết rơi nhẹ nhàng, đảo chao trong không khí, rồi đậu lên cành cây khô khốc. Lãng mạn biết là bao. Vậy mà khi những bông tuyết rơi trên mái tóc bạc phơ, rớt xuống đôi tay nhăn nheo, thì ruột gan dì như đứt từng đoạn một.
Hạnh nhìn Hợp, uất ức. Anh đối xử với cha mẹ mình vậy mà coi cho được? Không sợ trời trả báo sao? Tiền viện anh không trả được thì để tui trả góp dần dần. Con này nghèo chứ không có hèn và bạc như anh đâu.
Cô chầm chậm lái xe ra khỏi nhà. Đường trơn như đổ mỡ. Mém chút nữa thì mất lái, để xe quay mòng mòng như vụ. Dì quay mặt ra sau nhìn con lần cuối. Hợp thất thần quay mặt, không dám đối diện với ánh mắt của mẹ mình.
Về với Hạnh, dì mới biết con vất vả đến dường này. Hồi ở quê, biết xứ người không sung sướng gì cho cam, nên mỗi tháng con tiện tặn gửi về cho ít trăm đô ăn bánh với thuốc thang, dì cứ để dành trong tủ. Hỏi con bên đó sống khỏe không? Chả bao giờ Hạnh hé miệng nửa lời kể về cuộc sống bươn chải bên này hết cả. Căn hộ thuê hơn ngàn bạc, nhỏ xíu xiu. Chỉ có một phòng nên Hạnh phải che màn, bỏ thêm hai tấm nệm ngoài phòng khách cho ba má ngủ. Linh thất nghiệp. Công ty dọn qua Mexico để giảm chi phí nhân công. Anh chẳng chịu đi làm tóc, làm nail, bảo đó là cái nghề mạt hạng. Kỹ sư như anh không thể đi ôm chân Mỹ đen mà dũa. Hạnh quần quật một mình gồng gánh nuôi con, giờ lo thêm ba má. Linh bỏ đi biền biệt. Năm bảy bữa mới lạng về nhà một lần, rồi tiếp tục đi “làm ăn” xứ nào biệt tích. Chồng không thấy mặt vợ. Con không thấy mặt cha. Nhưng hễ đi vắng thì thôi, chứ Linh về được nửa ngày, nói qua nói lại đôi câu, hai đứa cãi nhau thiếu điều đánh lộn. Thằng nhỏ co ro, ôm ông ôm bà hoảng sợ. Hàng xóm gọi báo police mấy lần. Nhưng đâu vẫn vào đấy. Riết ông bà cũng ngán, chẳng can ngăn. Thiên hạ cũng chả thèm quan tâm. Muốn làm gì thì làm. Mỏi miệng tụi mày tự nín.
3.
Dượng tới góc bếp, xé tờ lịch cũ, rồi lầm bầm trong miệng. Dì ngồi đằng xa, ngó thấy, day qua buột miệng hỏi.
- Bữa nay ngày mấy rồi ông?
- Bà muốn hỏi âm hay dương?
- Âm. Chứ hỏi dương làm cái giống gì.
- Qua đây rồi mà còn mê lịch âm chi hổng biết. Đầu tháng chạp rồi đó.
- Mau ghê…
Nghe hai từ tháng chạp tự nhiên dì thấy chạnh lòng. Vậy là sắp tết. Hổng biết mùa lụt rồi nước bạc về có nhiều không? Bùn non có đóng lớp dày để trái cây tươi tốt. Mớ ổi mớ xoài năm nay có trúng mùa kĩu kịt? Mấy cây mít có trĩu cành, mỗi lần chín mùi thơm bay khắp cùng làng xóm? Không biết lũ cháu có nhớ lời chăm lo cửa nhà cẩn thận? Chứ mai mốt về thấy mọi thứ tan hoang, chắc dì khóc mất.
Giờ này bên nhà, chắc người ta đang chộn rộn lo tết nhất. Mấy năm ở bển, chỉ có hai vợ chồng, nhưng dì cũng ráng làm ít mứt dừa, mứt gừng, thẩu đầu heo ngâm mắm. Dượng lăng xăng dọn mạng nhện, quét vôi tường, xin khế, hốt tro, kỳ cọ chân đèn sáng bóng. Dì cắp giỏ ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt, không để được lâu. Ghé qua hàng con Năm mua thêm ký kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua, thêm đu đủ với cà rốt thành dưa món. Hồi xưa còn sức, dì ngồi cả ngày lựa lá, rọc dây, ngâm nếp, đãi đậu, ướp thịt mỡ gói ít đòn bánh tét. Sau này xương cốt mỏi nhừ, ngồi chút xíu đã mỏi lưng, nên thôi đặt người ta làm cho nhẹ. Tụi nhỏ thích mấy món này lắm. Năm nào làm xong, dì cũng thầm mong lũ con phiêu bạt trở về, ăn với hai vợ chồng ít hột cơm trong ba ngày tư, ngày tết.
Sang đây, hai vợ chồng thấy mình như con cá đồng vảy bạc bị lôi ra khỏi sông hồ, kênh rạch. Như cây đước, cây bần bị đem ra khỏi rừng ngập mặn quanh năm tươi tốt, xum xuê.
- Má Hợp nè!
- Gì?
- Bữa trước thằng Lũ có gọi tui?
- Lũ nào?
- Thằng Lũ con chú thím Bảy Còn.
- Ờ, nhớ rồi. Cũng chục năm nay không nghe tin tức gì của thảy nên thình lình tui không nhớ là ai. Thảy gọi có chuyện gì hông?
- Chú ấy nói, nếu trên này lạnh lẽo, buồn quá thì hai vợ chồng dọn xuống Florida nắng ấm với gia đình chú. Thời tiết y chang miền biển xứ mình. Vợ chồng chú có cái siêu thị nhỏ. Tụi mình vô đó phụ làm, kiếm đồng ra đồng vô. Rồi chú mua bảo hiểm, lỡ bệnh tật còn có chỗ mà điều trị.
- Dữ ác hông? Thảy gọi mấy bữa rồi mà giờ mới nói tui. Sao không giấu luôn đi cho sình bụng ra.
- Nói với bà có ích lợi gì đâu?
- Ờ. Con già này vô dụng lắm mà.
- Mệt bà quá đi!
- Ông nói gì với con Hạnh chưa?
- Chưa. Hổng biết mở lời từ đâu. Mà nói ra chắc gì nó đồng ý. Tui chỉ sợ con suy nghĩ này nọ, buồn bã, mất ăn mất ngủ, đi làm hổng được má Hợp à.
Dì bỏ chân lên nệm, dựa lưng vô tường, mắt đục mờ nhìn xa thẳm đâu đâu.
Nhiều lần dì muốn nói với chồng, thôi bỏ hết chuyện buồn xứ Mỹ. Tụi mình tay xách nách mang, gom mớ tiền tiết kiệm, mua hai cái vé máy bay về lại quê xưa. Nhà cửa còn đó. Ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Già cả hết rồi, có ăn uống nhiều nhỏi chi đâu. Sống nay chết mai, ai biết ngày sau sẽ ra sao, mắc gì cứ ngồi đây bó gối nhìn cuộc đời qua màn gương mờ ảo. Ở Mỹ có mấy tháng, tui bệnh lên bệnh xuống, yếu đuối không nói gì, còn ba Hợp, già đi thấy rõ. Mớ tóc hồi mới qua còn lấm tấm muối tiêu, giờ thành bạc trắng. Hồi ở quê, ruộng nương, vườn tược một tay ổng lo. Sáng nào, dì cũng đủng đỉnh cầm rổ ra hái mớ rau tập tàng, lụm mớ trứng vịt đẻ trong gốc chuối. Hái mớ xoài, mớ ổi, quảy ra chợ trước nhà đưa cho tụi cháu bán, mua thêm ít cá thịt về nấu bữa trưa. Vậy mà qua đây mới mấy tháng lẩn quẩn trong nhà, đi qua nửa mùa đông lạnh buốt thịt xương, hai chân dượng yếu dần. Đi bộ một chút lại than mệt, than đau, kêu dì lấy rượu đòn bóp thoa cho đỡ mỏi. Tui với ông về với xóm làng. Cảm mạo thì hái sống đời hay bồ ngót giã nát, nước uống, lá đắp lên trán hạ sốt. Đau bụng thì nhổ gừng, giã nhuyễn, lấy nước pha với rượu uống cho ấm dạ. Ê nhức thì có rượu thuốc gia truyền thoa bóp tay chân… Còn nặng quá thì kêu hàng xóm chở ra trạm xá, không thì vô bệnh viện nằm ít bữa chắc hổng sao.
Nhưng suy đi, nghĩ lại vẫn chưa về được. Giận con chín xe mười vàng nhưng bỏ nó sao đành. Nằm đêm nhớ mấy lời vợ chồng nó xầm xì, dì khóc ướt hết gối. Con mình rứt ruột đẻ ra, ghét sao cho đành đoạn. Nhiều lúc nhớ Hợp quá, muốn bắt điện thoại, nói với con, lỗi lầm gì ba má cũng bỏ qua. Hổng có giận dỗi gì đâu. Bữa nào rảnh thì ghé thăm tao với ổng. Con Hạnh nói vậy thôi, chứ bây với nó máu mủ ruột rà, giận mãi sao đa? Nghĩ tới cảnh về quê, bà con lối xóm tới nhà hỏi này hỏi nọ. Sợ nhiều bữa không kín miệng thế là kể hết sự tình. Người dân quê hiền lành, suốt đời trọng mỗi chữ tình, ghét cái phường bội bạc. Lỡ mai sau con cháu nhớ xứ, về thăm lại quê xưa, người ta nói ra nói vô, tụi nó làm sao sống được với bia miệng ngàn năm còn mãi?
4.
Dì quay qua bên kia giường, thấy chồng nhắm mắt, dựa lưng vô tường, hình như đang ngủ gật.
- Ba Hợp nằm xuống ngủ thêm chút nữa đi cho khỏe.
- Ngủ chi mà ngủ hoài, cho mục mắt hả? Bà nói tui thì giỏi lắm. Lo cho thân mình đi. Ráng ngủ nghê cho đủ giấc, uống thuốc đều đặn. Chứ lỡ có chuyện gì, lại báo cháu báo con.
Tự nhiên mấy lời đay nghiến của con Nét vụt qua trong đầu. Dì thấy nhói cả lòng. Rơm rớm, vén áo chùi nước mắt.
Nhận ra mình lỡ lời, dượng lật đật qua bên cạnh, khều khều vai, ra chiều âu yếm.
- Tui lỡ miệng, má Hợp đừng giận tui nhen.
Vợ chồng ăn đời ở kiếp, hiểu rõ tánh nết của nhau, hơi sức đâu mà giận hờn cho nặng bụng. Nhưng như khổng như không mà to tiếng với mình. Tui im tới chiều luôn cho biết mặt.
Năn nỉ cả buổi mà thấy vợ im im, dượng đâm bực. Già rồi mà mỗi chút mỗi giận. Mệt ghê! Dượng phủi đít đứng dậy tới đứng gần cửa sổ. Bảy giờ sáng mà tuyết vẫn chưa có dấu hiệu ngừng rơi. Những bông tuyết cuộn mình trong gió xoáy, quay mòng mòng, len qua những khe hở tòa nhà, như tiếng oán hờn trách móc. Dãy xe cộ dưới sân ngập ngụa trong tuyết trắng. Con đường bữa nào giờ này xe bus cũng tới bóp còi ầm ĩ đón tụi nhỏ tới trường, giờ phủ đầy một màu trắng bạc. Gió từ xa thổi tới, đập mạnh vào cửa kính, làm căn hộ cũ oằn mình, rung rinh nghe lạnh cả sống lưng.
Chợt nghĩ ra điều gì hay ho, dượng cười cười, chầm chậm tới bên dì, thì thầm dụ dỗ.
- Má Hợp nè, khi nào tuyết ngưng, tui mặc đồ ấm, mang bao tay ra ngoài xây cho bà con người tuyết mũi dài nhen.
Nghe mấy lời chồng nói như rót mật vào tai. Dẫu ngoài mặt vẫn còn nhăn nhăn, nhưng thiệt tình trong lòng, dì rất khoái.
(Maryland, 23.1.2016, khi trận bão tuyết Jonas đang tàn phá các tiểu bang miền Đông Bắc nước Mỹ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.