Thợ săn

16/03/2014 03:00 GMT+7

Cái nghề cực nhọc này không phải nghề “truyền thống” từ dòng họ, không bắt đầu từ đời ông, cha, chỉ là duyên nợ mình tôi.

Tôi là thợ săn.

Cái nghề cực nhọc này không phải nghề “truyền thống” từ dòng họ, không bắt đầu từ đời ông, cha, chỉ là duyên nợ mình tôi. 


Minh họa: Tuấn Anh 

Con Bút nhà hàng xóm mỗi lần nhìn thấy tôi là nó đuổi. Bất kể ngày hay đêm, bất kể tôi đi bộ hay xe đạp, xe máy nó đều đuổi tôi mà sủa, mà gầm gừ, thậm chí có lần nó đã hung hãn táp vào cẳng chân tôi bằng sự hằn học.

Gia chủ của con Bút là thằng thanh niên kém tôi mấy tuổi song chúng tôi gắn bó với nhau từ tấm bé nên chẳng xưng anh em gì cả. Tôi chẳng buồn lòng vì điều đó. Tôi và hắn có xuất phát điểm khác nhau, có thể nói hắn là con nhà nòi về việc học hành. Tôi là con nhà nông dân mắt toét mấy chục đời. Vì thế mà lối sống khác nhau nhưng chúng tôi không hề ghét bỏ nhau. Hắn vẫn hay bảo tôi mỗi lần bị con Bút đuổi, rằng “Tại người mày toàn mùi thú”.

Mùi thú?

Đúng rồi - đến bản thân tôi đây này - đôi lúc nằm nghe hơi thở mình hắt ra tôi cũng có cảm giác tởm lợm, huống chi là con Bút - cái loài có mũi thính số 1 trong các loài động vật.

Kế sinh nhai buộc tôi thành kẻ thành thạo mọi ngóc ngách của rừng. Tôi biết chỗ nào loài thú hay tụ tập, tôi biết rành mùa nào những bầy khỉ hay lui tới đâu và đêm loài thú nào hay đi kiếm ăn.

Tôi vốn là thằng nhát gan. Lần đầu tiên tự tay tôi giết chết con thú - tôi run bần bật như là nỗi sợ ai đó sắp giết mình vậy. Có ai biết lần đầu tiên ấy tôi giết chết con vật gì không? Nó chỉ là một con chuột.

Lúc đó tôi là thằng bé lên tám, theo đám bạn đi đặt bẫy trong rừng nứa. Khi theo lũ bạn đi nhặt bẫy có một con chuột to đùng đang giãy đành đạch vì mắc vào cái bẫy của tôi. Thằng bạn bảo tôi lấy cây củi khô đập chết con chuột - tôi đập toe đầu nó và sau đó tôi run - run đến nỗi sau đó về nhà tôi đã phát sốt.

Ông Tiến nói đúng.

Rồi tôi đã vững tay hơn. Không còn run bần bật lên mỗi khi nhìn thấy máu tươi, không còn nôn thốc nôn tháo khi nhìn một con vật bị bắn phụt óc ra ngoài. Không còn thấy tim mình nhảy tưng tưng mỗi lần nhìn thấy con thú bị hạ gục. Cái nghề mà tôi đang theo học có thể nuôi mế và tôi sống trong sung túc. Chưa kể mỗi lần có hàng tươi sống chưa kịp đưa hàng ra khỏi bìa rừng đã có người săn đón, đôi lúc còn trả giá hời, có thưởng thêm vài cây thuốc lá, dăm chai rượu.

Dần dà, với tôi - săn bắt trở thành một thú vui.

Khi xưa... mỗi lần thấy ông Tiến về gọi người nhà và thanh niên trong bản vào rừng khiêng những con lợn lòi ông săn được trong rừng, đám trẻ con hiếu động chúng tôi đã theo trai bản luồn lách trong rừng đi khiêng thú. Chao... đúng quả thật chúng là chúa của rừng xanh. Cái mõm nhọn hơn so với mõm lợn nhà, hai răng nanh chòi ra ngoài sắc nhọn và trắng muốt. Đám lông tua tủa màu đen, dựng đứng. Chả trách các ông bà cụ trong bản tôi bảo, lợn lòi có thể giết chết người.

Và cả trăm lần, nào hươu, vào vượn, nào nhím, nào trăn, nào gấu - cả hổ nữa ông Tiến đều có thể hạ gục. Đám trẻ trong bản tôi thầm ao ước lớn lên được đi làm thợ săn, được người ta trọng như ông Tiến. Cuối cùng trong đám trẻ có ước mơ giống nhau ấy chỉ tôi là vẫn đeo bám và quyết thực hiện bằng được.

***

Tôi không nhận ra mình mơ hay là thực.

Thằng Mắn, thằng Xao hay đi cùng tôi vẫn bảo chỗ chúng tôi dựng chòi có ma. Bằng chứng là cứ mỗi khi chúng tôi sau khi tách nhóm ra đi tìm thú - đứa nào về chòi trước, khi ngả lưng xuống sẽ thấy gió thổi mạnh, sẽ nghe tiếng rì rào tựa như người ta ném đá xuyên qua những tầng cây. Rồi kinh khủng nhất là tiếng gào thét của hàng trăm người, ai oán và căm phẫn. Ai cũng kêu gào hãy trả lại sự sống cho họ. Nhiều lần tôi đã vùng dậy đốt đuốc ném vào rừng và gào lên - cút đi, cút hết đi. Rồi cánh rừng im bặt như chưa hề có chuyện gì. Tôi sởn gai ốc khắp người, úp mặt xuống đống đồ đạc bùi nhùi toàn mùi của thú mà tự bảo mình rằng chỉ là ảo ảnh mà thôi.

Song lạ là cứ đứa nào ở một mình lại thế. Ban đầu chúng tôi không dám kể với nhau, sau hóa ra đứa nào cũng bị thế, rồi thành quen. Căn chòi có ma cũng được, nhưng cả ma và thú đều sợ ánh sáng của đuốc (chỉ trừ loài rắn hổ chúa, thấy ánh sáng nó sẽ lao đến)  nên chỉ cần thắp đuốc ném vào rừng, mọi thứ sẽ lặng im.

Tôi không thể không vào rừng. Vì bao nhiêu lý do. Mế tôi già, hình như cái đầu gối của bà đã lung lay khiến bà đi lại khó khăn. Việc leo lên những thửa ruộng bậc thang cấy lúa là điều bà không thể nữa. Em trai, em dâu ra ở riêng vì muốn tôi cưới vợ. Các em gái lấy chồng xa. Tôi là người nuôi mế.

Đám cò hàng, dân buôn đặc sản luôn săn đón tôi.

Tôi chẳng say mê công việc gì khác lúc này, ngoài việc săn thú.

Bà mế già của tôi, lúc đầu cũng day dứt như tôi khi mà mỗi lần tôi lén lút đưa một con thú về nhà. Nhưng rồi mế thấy cả tôi và mế sống được đều là nhờ những con thú đó, dần sau này tôi thấy mắt bà ánh lên niềm vui mỗi lần tôi trở về nhà có mang theo chiến lợi phẩm. Mế sẽ buồn xo khi tôi trở về tay không. Tôi không đọc được ý nghĩ của mế, biết mế có xót cho cái thân tôi không khi mà tôi ăn chầu nằm chực trong rừng nhiều hơn là ở nhà. Da thịt tôi chẳng có mảnh nào lành lặn vì muỗi chích, vì sên, vắt, vì lá rừng cứa...

***

Rẫy ngô người bản Boong đang mùa tròn bắp, ban ngày vẹt bay về đàn đàn lũ lũ, nhà nào cũng có người canh ngô. Họ chặt những cây nứa to, chẻ đôi phần ngọn chỉ trừ một đoạn gốc để chôn xuống đất hoặc buộc phần gốc vào một cây cụt ngọn. Từ chòi họ buộc những sợi dây dài nối với những cây nứa ấy, lâu lâu họ kéo dây để cất lên một âm thanh lạ đến lạc lõng, lũ vẹt chưa kịp sà xuống rẫy đã hoảng hốt bay đi.

Ban đêm. Bầy khỉ rủ nhau kêu lích chích, lẹt khẹt kéo về hướng rẫy ngô. Tôi biết điều đó và cũng chính vụ ngô của dân bản Boong bao năm qua đã giúp tôi kiếm được bộn tiền. Cứ mỗi con khỉ bắt sống, tôi có trên tay bạc triệu trở lên. Gặp khi hên tôi bắt được ba con khỉ mỗi đêm. Hôm tôi ôm hai mẹ con khỉ về, con Bút hàng xóm chạy theo sủa inh ỏi.

Hàng xóm gạ mua hai mẹ con khỉ tôi vừa đem về - khỉ mẹ mạnh khỏe, còn khỉ con có vẻ ốm yếu. Tôi chưa đồng ý bán vì muốn tăng giá nữa nên buộc hai mẹ con khỉ lên khung cửi bỏ trống của mế tôi. Chẳng ngờ khỉ con lo leo trèo vòng vo thế nào mà bị chết ngạt. Mế tôi buông tiếng thở dài, bảo khỉ con nó thắt cổ đấy!

Không thể nào, còn mẹ nó kia - sao nó thắt cổ được.

Mế lại bảo loài khỉ cũng như người, khi bất lực và quá tuyệt vọng nó sẽ chọn cái chết. Tôi tin. Song tôi có phần ngạc nhiên vì tư tưởng của mế, từ hôm tôi đưa hai mẹ con khỉ về, mế chăm bẵm khỉ con như chăm một đứa trẻ. Khi mế ra vườn hái nạm rau, quay vào khỉ con đã chết ngạt. Mế thực sự buồn rầu vì chuyện này, rồi còn thở ra những câu não nề, bi lụy. Mế tự nhiên xui tôi cho con khỉ mẹ ấy đi, đừng để mế phải nhìn thấy nó nữa, rầu ruột bà.

Tôi quyết nhanh chóng bán khỉ mẹ giá rẻ chưa từng thấy cho tay hàng xóm. Với lại hắn cũng giúp tôi và mế tôi nhiều thứ, nên tôi bán rẻ cũng phải.

Tay hàng xóm kiếm sợi xích dài xích cổ khỉ mẹ lại. Hắn tắm táp, cho khỉ ăn nào chuối, nào mía, rồi các loại quả...

Đám trẻ trong làng tò mò xúm xít đến làm quen với khỉ mẹ.

Con Bút thì quanh quẩn, lúc đầu còn rên ư ử trong họng, sau dần nó cũng quen với sự hiện diện của con vật lạ trong nhà. Đến lúc không ai tin nổi là con khỉ mẹ ấy có thể nằm yên cho con Bút liếm những sợi lông mượt của nó. Loài vật khác loài cũng vẫn có tình thân mến. Tôi bắt đầu tin.

Thế rồi cả nhà hàng xóm xôn xao vì khỉ mẹ thắt cổ. Cái cây nó vẫn đu đi đu lại hằng ngày trở thành nơi nó treo cổ. Tôi chạy lên, thân khỉ mẹ hãy còn ấm nóng. Tôi vạch hai mắt nó ra, thoáng rùng mình vì hai hốc mắt nó toàn nước. Nhanh chóng, tôi dùng ống nứa nhỏ thổi lấy thổi để truyền hơi như một kiểu hô hấp mong cứu được khỉ mẹ thoát chết, nhưng thân khỉ mẹ cứ mềm và lạnh dần. Tôi bất lực.

***

Sau chuyện khỉ mẹ chết, tôi tạm nghỉ đi rừng vài tuần. Những ngày ấy tôi chỉ quẩn quanh ở nhà với mế già, quẩn quanh bên nhà hàng xóm. Khi nằm ngủ, tôi ám ảnh về hai con mắt ầng ậc nước của khỉ mẹ, nó khóc vì hoảng loạn, vì tuyệt vọng hay nó khóc vì không nguôi nhớ con, không nguôi nhớ những cánh rừng?

Tay hàng xóm nằm dài trên phản, tôi rít xong hơi thuốc lào cũng nằm dài theo hắn. Bỗng dưng hắn bảo tôi. “Hay mày bỏ cái nghề đi rừng ấy đi. Thì dễ kiếm ra tiền đấy nhưng tao thấy không hay gì cả”. “Mày có công việc để làm, tao bỏ rừng thì biết làm gì?”. “Trước đây khi chưa đi rừng, mày cũng biết làm tất cả những việc tao biết làm”. “Tao không quen nữa”. “Mày phải tập quen lại đi. Đây có phải lần đầu tao nói mày đâu? Vào rừng mày phải lén lút, trốn kiểm lâm, trốn dân phòng hộ. Chưa kể bắt thú cũng nguy hiểm, rủi có ngày thú nó giết mày, hoặc thú không giết thì mấy thằng đi rừng chúng mày tự giết nhau. Lúc đó mế già của mày sao sống nổi?”. “Mày chỉ nói gở, bao năm đi rừng tao có cả ti tỉ kinh nghiệm để không bị dính vào bất kỳ tai nạn nào hết”. “Đừng có chủ quan... mà... thì tao cũng chỉ khuyên mày vậy thôi, mày nên suy nghĩ xem. Thú săn bắt mãi cũng hết, với lại... nhìn con khỉ hôm trước chết thảm, tao thương lắm”. “Ôi dào, đó là mày chưa nhúng tay giết. Giết khỉ thì cũng như làm thịt con gà chứ có gì”. “Mày đúng là...”.

Hắn buông lửng câu trước mớ bao biện của tôi. Không, làm sao tôi dừng được cái nghề ăn nên làm ra này chứ? Kiểm lâm à? Dân phòng hộ à? Tôi cho họ khi con chồn, khi con cầy hương, khi con gà rừng, hay con sóc. Bọn họ sẵn sàng cười nói vui vẻ, có khi tôi còn cùng họ ngồi ăn thịt rừng nữa ấy chứ? Có gì mà phải trốn tránh - ai cũng là người cả. Ai cũng kiếm cái ăn. Cái thằng hàng xóm của tôi, chỉ độc mớ lý thuyết, lúc nào cũng khuyên giải điều này điều khác, rằng thương yêu con người, rằng bảo vệ rừng, bảo vệ thú quý. Thương yêu, bảo vệ gì chứ. Tôi thương yêu mế già mà không làm ra tiền thì có thương nổi mế không? Bỏ mế đói tôi lại chả mang tội bất hiếu ấy à?

***

Những chuyến đi của tôi ngày càng dài hơn. Vì thú ngày càng hiếm. Thú càng hiếm lại càng khó tìm. Chúng tôi lùng sục khắp trong những cánh rừng. Chúng tôi đã rời căn chòi có ma để dựng những cái chòi tạm bợ khác ở những cánh rừng xa hơn.

Nhất định rừng âm u không thể trở thành nỗi sợ. Càng sâu, càng dễ gặp thú.

Sợ thú rừng ăn thịt là một nỗi sợ xa xôi mơ hồ. Tôi chỉ sợ không gặp được thú rừng. Gặp rồi biến hóa được tất. Thú cũng như người thôi - gặp kẻ hiền thì ta đối mặt với nó một cách hiền từ, gặp kẻ dữ thì ta tấn công nó theo cách dữ. Có gì con người không khuất phục được chứ? Mùi thú và mùi người có khác nhau là bao.

Hôm kia, tôi và thằng Mắn chia nhau hai ngả đi, rồi lại về cùng một điểm bởi cái mùi của con thú mời gọi. Con hổ to mùa động dục, nó khản cổ gọi bạn tình mà chẳng có lời đáp lại. Nó gầm gừ rồi lại lủi thủi đi, tựa như cả cánh rừng này chỉ mình nó tồn tại. Ơ mà nhỉ, đám bạn tình nó nấp ở đâu hết? Tôi đã chợt hỏi vậy khi thấy ba bốn ngày liền nó đi mà chẳng tìm được con cái nào để phối giống. Mà con đực mùa động dục hung dữ lắm, cả tôi và thằng Mắn đã theo chân nó để rồi cứ mỗi lần sắp hành động nó lại biến đi trong im lặng đến rợn người. Hay là nó trêu ngươi?

Đêm. Chúng tôi chui trong những tấm chăn tơi tả, lẫn mùi người mùi thú. Những khẩu săm lét luôn được gối trên đầu. Cũng đã năm đêm rồi, năm đêm với nguồn lương thực dự trữ sắp cạn, vậy mà kể cả một con gà rừng chúng tôi cũng chẳng mảy may tóm được. Hai thằng tự cho mình nghỉ ngơi sau một ngày đã quá vất vả trong rừng sâu. Rừng lạnh ngay cả trong mùa hè nắng nóng này. Đang thiu thiu... Ký ức về khu rừng và cái chòi ma lại xuất hiện. Tôi lại nghe hàng ngàn tiếng thét gào, tiếng kêu cứu, tiếng cầu xin... Tôi thấy tôi chao đảo, rồi cả người tôi lạnh toát, khi tôi bừng tỉnh, thằng Mắn đè tôi xuống và ra hiệu cho tôi im lặng. Nó trườn trên đầu tôi, gí cây súng vào tay tôi. Rất gần kia là hai chiếc đèn chiếu sáng đang từ từ tiến lại. Tôi thấy đó là đèn thợ săn, rõ ràng thế. Tôi định hét lên rằng đừng bắn, vì chúng tôi cùng phường, nhưng thằng Mắn lại bịt mồm tôi lại. Nó thì thầm vào tai tôi: “Ngài đấy, ngài đã dẫn xác đến”.

Lập tức toàn thân tôi lạnh toát. Tôi chưa bao giờ thấy mình bùng lên nỗi hoảng sợ như lúc này. Ngài uy nghi bước tới như thể tôi và thằng Mắn là mục tiêu của ngài. Thằng Mắn hổn hển vào tai tôi: “Chĩa súng đi. Chỉ có thể làm thế. Hoặc ta thắng, hoặc nó thắng”.

Bầu trời đêm như bị xé toạc. Tôi quay cuồng, thấy mình bay qua những ngọn cây. Tiếng gió, những tiếng nổ chát chúa, tiếng gầm gào, mùi người, mùi thú, mùi tanh hôi hỗn độn. Người tôi nhẹ bẫng, trên tay tôi vẫn là khẩu săm lét. Nhắm hướng có hai chấm sáng đang chồm lên chồm xuống, tôi nã đạn. Tôi nghe tiếng rống điên cuồng, và bất ngờ hai chấm sáng ấy chồm về phía tôi. Bằng kinh nghiệm bảy năm đi rừng, tôi nhanh chóng nấp vào gốc cây cổ thụ và nã đạn vào mục tiêu. Hai chấm sáng vẫn lao thẳng về phía tôi nấp, tôi lại lùi sang một gốc cây khác, lại nã đạn. Khi tôi chuyển đến gốc cây thứ năm, tôi nhìn thấy hai chấm sáng bật nẩy ra phía sau rồi không còn thấy gì nữa... Tôi chìm vào khoảng không.

Khi tôi mở mắt ra, đã có những ánh sáng xuyên qua tầng lá rọi xuống. Tan hoang, bằng phẳng. Nó như thể là nơi dành cho cả dân bản tôi ngủ qua một đêm vậy. Thằng Mắn... Tôi gào tìm nó. Những vệt máu khô dính vào lá cây, thân cây. Nó đâu rồi. Cả xác con thú hung dữ đêm qua nữa, rõ ràng tôi thấy nó đã gục xuống, đã ngã về phía sau gốc cây sau khi mà nó đang bay về phía tôi rồi bị trúng liên tiếp mấy phát đạn.

Tôi lùng sục, tôi mò tìm... Nhưng cuối cùng thì tôi không thấy cả hai. Thằng Mắn và con hổ. Tôi chạy khỏi rừng, hỗn độn trong ý nghĩ, có thể nào thằng Mắn lại khỏe thế, một mình nó vác được con hổ to tướng ra khỏi rừng ư? Nó sẽ quay lại cùng dân bản tìm tôi? Nếu tôi là nó, sau khi tỉnh dậy thấy bạn mình đã ngất, cạnh xác một con hổ, tôi sẽ đưa bạn mình ra khỏi rừng chứ đời nào tôi bỏ bạn đấy để kéo hổ về...

***

Tôi đã không thể cùng những chàng trai vạm vỡ, những người đàn ông của bản trở vào rừng để tìm thằng Mắn vì những vết thương buộc tôi phải đến bệnh viện huyện. Tôi chỉ miêu tả đường đi, miêu tả khu rừng để họ đi tìm. Suốt những ngày nằm viện, tôi cứ đinh ninh thằng Mắn có thể biến mất một thời gian dài, rồi nó sẽ về lại bản. Nhưng tôi lại cũng đau xót, run lên vì ý nghĩ nó không bao giờ xuất hiện nữa.

Cho đến ngày thứ năm, câu chuyện về thằng Mắn đến tai tôi.

Là thế đấy. Trong đầu tôi không thể hình dung ra con hổ có thể đứng dậy, có thể cắp cả thân hình thằng Mắn bỏ đi đâu đó, để xé toạc cái thây người nhỏ bé ấy ra, sau đó nó sẽ quay lại giẫm nát tôi nữa. Tôi cũng là một trong những kẻ đã hãm hại, cướp đi không gian, cuộc sống của họ hàng nó, của nó. Nhưng nó đã không còn sức.

Mế già không thể đến bệnh viện chăm tôi, đám thanh niên trong bản còn phải lo ma chay thằng Mắn, chỉ thằng em trai tôi thường xuyên túc trực. Tay hàng xóm hết giờ làm việc cơ quan là nó qua tôi, nhưng chẳng nói gì cả. Suốt mấy ngày như thế, cho đến bữa tôi tự ngồi dậy được, nó nhìn tôi ngậm ngùi: “Mày còn trở về được là may lắm rồi”. “Ừ...”, tôi thấy cái ừ của tôi thật lạc lõng, cảm giác vừa xấu hổ với nó, vừa hãi hùng bởi những điều mình vừa trải qua. Chiếc đồng hồ bệnh viện vẫn gõ nhịp đều tích tắc, tích tắc...

Từ đâu xộc vào mũi tôi mùi thú, mùi người...

Nhắm mắt, tôi thấy tôi băng qua những ngọn cây cổ thụ, hòa trong một âm điệu lạ lùng. Và xa xa kia, thửa ruộng bậc thang của mế già tôi trập trùng xanh...

Truyện ngắn của Kha Thị Thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.