Thế gian không phút thứ sáu

14/07/2013 03:10 GMT+7

Những lần trở về nhà của bà vẫn thế. Vụt đến vụt đi như tia chớp.

Bước chân nhanh, ý nghĩ nhanh và cảm xúc nhanh, nên chẳng kịp lưu giữ lại gì. Thêm nữa, cũng đã quen với cái kiểu ấy. Nhưng hôm Bình mất, hết thảy, những gì đang diễn ra trong tâm hồn bà và phô phang ra bên ngoài rất khác. Tự nhiên bà hoang mang sợ sệt sao đâu. Bước chân lên từng bậc hè lẩy bẩy suýt ngã hàng mấy lần. Cả người bà như lên cơn sốt, nóng sực, nhưng lại rất lạnh. Lạnh bắt run. Run từ đôi chân trở lên đến đỉnh đầu. Có là mấy bước với con ngõ ngắn đến thế và cái thềm nhà, vỏn vẹn, chỉ hai bậc. Mà dài mà xa quá thể.

 Trang thấy bà đầu tiên, ngoác miệng cười nhưng ngay lập tức méo xệch. Trang là út. Con bé trông rất xinh với nụ cười duyên và hai má lúm đồng tiền, chỉ phải đôi mắt buồn quá. Ngay cả khi Trang cười, mắt nó cũng ầng ậc những nước là nước. Người bà gặp tiếp theo là thằng Hòa và sau đó là hai đứa con gái song sinh: Phú và Quí. Thằng con đầu của bà thường đăm chiêu và mấy đứa con gái lộ vẻ lo ngại, những khi có mẹ ở nhà. Nhưng bà hiểu không hẳn thế mà chúng chẳng vui. Hòa ôm nhẹ vai mẹ và mắt rựng đỏ khi chạm tia nhìn của bà rồi liền sau đó, rũ buồn. Khuya qua ở bệnh viện cũng đôi mắt ấy nhìn bà, chỉ một thoáng, nhẹ như không mà trĩu nặng nỗi đau. Một đôi mắt như mách bảo với bà về sự ra đi của Bình. Một đôi mắt một tia nhìn lướt phớt mà đủ sức đánh gục, khiến bà sụp hết cả người và đổ quật xuống sàn. Chiếc xe tải chạy ẩu đã đâm sầm vào Bình khi nó đang trên đường trở về nhà, sau ca làm khuya. Và giờ, đứa con gái cằn cỗi và tội nghiệp của bà đã nằm trong quan tài. Còn thằng anh và các em của nó vừa lo buồn vừa căng thẳng nhưng rất yên tâm, bởi có mẹ kề bên. Vào giữa giấc trưa, khi mà người đàn ông ở vị trí cao nhất trong gia đình, là ông bố, là ông chồng, tạm thời không có mặt. Bà nhìn các con và đọc được ý nghĩ của chúng.

Cũng chẳng gì, ngoài nỗi mong bố ngủ cho lâu. Vài giờ càng tốt mà không thì nửa giờ, một giờ cũng rất hay. Bởi khi, bố từ trên gác bước xuống và thấy mẹ, sẽ lập tức săm soi vào cổ tay trái của mình và mọi chuyện sẽ khác ngay. Con bé Trang rất ghét những chiếc đồng hồ ở nhà cũng vì thế. Nào đồng hồ treo tường ở gian ngoài, ở nhà dưới lẫn trên gác. Đồng hồ để bàn đặt trên tủ lạnh, đồng hồ kiểu để chếch một góc tủ búp phê… Rồi đồng hồ của các anh chị. Và chỉ cần thấy chiếc đồng hồ mạ vàng đeo thường xuyên nơi cổ tay của bố, là Trang thiếu điều muốn động kinh. Y như hồi nhỏ, cứ nghe ai dọa ông kẹ là nó không cưỡng được cái việc đái dầm. Bà có khi cho rằng chính mình là nguồn cơn cho những ưu tư của con trai, nỗi âu lo của mấy đứa gái và nỗi hãi sợ kinh hồn của Trang. Và đôi hồi, bà tự mình rủa xả mình trong những lời thóa mạ và lăng nhục bản thân không thương tiếc. Bạn bà có lần phải chứng kiến cảnh bà tự đày ải mình như thế, đã không tiếc lời mắng nhiếc. Bảo, không còn ai thương nổi thì cũng rất nên thương lấy cái thân mình, chứ tội nợ gì phải thế! Thương thân. Phải, không ít lần bà cũng quay quắt và nhức nhối thương thân đấy chứ!

***

Phú và Quí nép sát hai bên mẹ, trong khi Trang ngồi lọt thỏm trong lòng bà. Cả ba ôm chặt lấy mẹ, rúc sâu người vào mẹ đến bé choắt lại và nín lặng. Khi cúi đầu chịu đựng những tiếng tích tắc, tích tắc từ mấy chiếc đồng hồ trong cái nhà này, chúng nó đâu dám nhìn những con số trên đó, nhưng giá như đừng phải nghe những tiếng động đều đặn, quen thuộc và dễ sợ đó nhỉ? Những tiếng tích tắc, nhanh nhảu mà keo kiệt, đem theo sự đe dọa và trấn áp khiến chúng run sợ. Thằng Hòa cũng chẳng khá hơn gì. Dù tuổi trên ba mươi với râu rậm, mặt đen đủi khắc khổ, con trai bà ra dáng bặm trợn gai góc là thế nhưng bà hiểu, nó đang có chung với các em gái mình một cảm giác. Dẫu vẻ ngoài rất đàn ông, đầy tự tin và bản lĩnh, bà vẫn nhận ra những bối rối của Hòa trong những hơi thuốc bập phà liên tục. Chỉ một đứa con của bà đã không còn cái cảm giác ấy nữa. Vừa từ bỏ nỗi ám ảnh ấy vào khuya qua bằng một cái chết, thật gọn ghẽ. Đó: Bình. Là cái đứa đang nằm trong chiếc quan tài kia. Bà biết con gái chết không hề nhẹ nhõm. Cái án treo bố dành cho mẹ, có chắc đã kịp cởi bỏ ra khỏi con người Bình, vào khoảnh khắc vội vàng lìa xa sự sống?

Chúng nó đã quen với cách thể hiện, thổ lộ cảm xúc như thế trong tất cả những lần mẹ con được gặp nhau, ở đây. Những cuộc gặp khốn khổ khốn nạn trong cái vòng năm phút vững chãi. Không chênh chao không mơ hồ. Rất thật là năm phút. Đích thị là năm phút. Chỉ vỏn vẹn năm phút. Tròn trịa có năm phút. Không hơn và chẳng kém. Không sụt cũng chẳng trồi. Không hề là năm phút nhích lên một chút. Theo kiểu người ta vẫn còn đại khái, xuê xoa. Như là năm phút năm giây, chẳng hạn. Hay nhỉnh thêm chút nữa. Như là năm phút mười giây, chẳng hạn. Đây, không!

Năm phút. Chỉ vậy. Là quy định của ông dành cho mẹ của các con mình trong những lần người đàn bà này có thể trở về nhà. Cứ ông thấy bà, là lập tức phút đầu tiên được tính và có hiệu lực cho tới tận cùng của phút thứ năm. Oái oăm là thế! Oan nghiệt là thế! Nhưng bà, vẫn không thể không trở về. Trở về trong những chuyện lớn như thăm con út bị ngã gãy chân, con dâu hư thai… Trở về trong vô vàn những thứ vụn vặt như đưa thức ăn cho con, đồ chơi cho cháu nội… Trở về, khi có mục đích và trở về chẳng bởi lý do gì. Còn giờ đây, một sự trở về đầy tức tưởi khi Bình, đứa con gái giữa mất.

 Ở trong bà, thường xuyên lẫn lộn hai con người. Là mẹ để chịu đựng và là vợ, để thi thoảng bùng nổ. Không nhiều lắm những lần bà lên cơn điên và hung dữ. Đó là khi bà ném phẹt vào mặt ông những câu mắng nhiếc chất đầy nỗi hận thù. Và ông cũng chẳng vừa. Những lời nhục mạ làm tổn thương bà nặng có cả ngàn cân và bà lao vào ông và ông vung tay đấm. Còn thằng Hòa thì hét toáng lên: “Im đi! Các người im đi cho tôi nhờ”.

Lễ Giáng sinh, cách đây hơn một năm. Nghĩ cùng là con của Chúa và trong một ngày lễ trọng như lễ Giáng sinh, thì lòng con người ta cũng bớt đi những phần ích kỷ nhỏ nhen. Cũng cởi mở hơn nhẹ dịu hơn. Nên lễ ban sớm xong bà chờ các con ở cổng để hỏi han, ôm ấp tí chút cho bớt nhớ. Khi thấy bà đứng với cái Trang đang lóng ngóng đợi các anh chị nó, ông bước vội tới chỉ vào mặt bà, không quên gõ gõ lên mặt chiếc đồng hồ đeo tay của mình:

- Đừng có giở cái trò ỡm ờ...

- Tôi thì…

- Thằng này đứng trên bậc tam cấp kia thấy hết rồi nhá!

- Ông thấy thì sao, hả?

- Thấy… gặp cái Trang trên năm phút rồi chứ sao!

- Con tôi tôi gặp. Có cả triệu phút cũng kệ.

- Nhưng, thằng này đã quy định thế! Hiểu chưa?

- Ông đem cái quy định ấy về nhà ông mà dùng, nhé! Còn đây là nhà thờ. Nhà của Chúa. Tôi có quyền...

Trang sợ quá, khóc ré lên và đưa mắt nhìn mẹ cầu cứu. Liếc quanh thấy các anh chị nó đứng luẩn quẩn đó: cầu cứu. Trông thấy những người hàng xóm quen: cầu cứu. Nhưng nó dứt khoát không nhìn vào bố. Chắc nó sợ tè ra trong quần. Chuyện ông bà chửi mắng nhau ở sân nhà thờ, được giáo dân trình cho cha sở và ngay khi ấy, cha mời cả hai vào phòng khách nói chuyện. Bà im lặng lắng nghe cha khuyên nhủ. Cha ôn tồn: “Đây chẳng phải là nhà ông! Nên cái năm phút ma quỷ ấy không hề có tác dụng. Với Chúa, sao kể đếm thời gian? Chỉ có điều Chúa không cản bước chân những ai muốn đến với Người và cũng không ngăn bước chân những ai muốn rời bỏ…”. Nhưng ông vẫn chưa thôi gây hấn khi hùng hổ tuyên bố: “Con chỉ chịu đựng đúng năm phút với cái con mẹ này”.

***

Ông vốn là người đểnh đoảng lè phè. Luôn là một người sai hẹn và trễ giờ. Nói năng luộm thuộm. Đi đứng rề rà. Một người chẳng biết giờ giấc là cái quái gì lại sinh tật, mê mẩn và dính chặt với cái đồng hồ. Với từng khắc từng giây một. Những khắc giây chóng vánh, mỗi khi thấy mặt vợ trong nhà mình. Ông bảo bà là đồ phá sản. Không bỏ bê gia đình, đã đành. Không ruồng rẫy ông, đã đành. Không hư hỏng, đã đành. Nhưng là đồ phá sản. Ông đi tù có mấy năm mà hàng bao nhiêu của nả, đất đai mất sạch. Đến cả cái chỗ ở bé tẹo cũng phải trả tiền mỗi tháng, mới có chỗ chui ra chui vào. Nhưng vì đâu nên nỗi? Cái đầu ngắn ngủn và cái tâm chật hẹp của ông, sao có thể thấu hiểu và cảm thông. Không phải sao! Bà đã lặn lội đi thăm nuôi ông hết trại tạm giam thành phố cho đến trại giam tỉnh. Hết trại giam tỉnh đến trại cải tạo với cái án cố ý gây thương tích, đằng đẵng sáu năm ròng. Bao tiền của bao khó nhọc. Ông, vốn người vô tâm sống nhợt nhạt buông xuôi, ngoài đời đã phó mặc vợ bao phen, giờ thêm cái nạn tù đày, lại hành bà thêm lắm nỗi. Rồi cả bầy con đang sức ăn sức lớn cộng thêm chuyện học hành, chuyện ốm đau… Rồi còn nữa chứ: cha ông ngã bệnh, mẹ bà ra đi, con trai đầu kết hôn, rồi có cháu… Chi trải đủ khoản tốn kém muôn phần mà công chuyện làm ăn suốt những năm đó toàn thua lỗ và thất bát. 

Ông bảo bà là đồ phá sản. Bà cũng chẳng vừa, ưỡn ngực đấm thùm thụp: “Đúng! Con này thừa nhận, nhưng sao ông không nói luôn là bởi đâu. Bởi đâu, hả…?”. Không kịp để bà nói thêm, ông nghiến răng trèo trẹo: “Cút… Cút…” rồi lôi bà xềnh xệch ra khỏi chỗ đó. Là căn phòng chật hẹp và tuềnh toàng bà đã mướn để mẹ con ở tạm chờ ông ra tù. Bà không hình dung tình cảnh lại éo le đến mức này. Ông bỏ qua tất cả những lời khuyên giải chí tình của họ hàng, bè bạn. Ông anh cả đằng nội gầm lên: “Những thứ mà gia đình chú có cũng đều nhờ sự lăn lộn khó nhọc căn cơ của thím. Chứ cả như chú, đến cái bát mẻ cũng chả có. Đấy! Chơi không mà cũng nên tội thành tù, hành vợ khổ con nữa là…”. Sau khi tống cổ vợ đi, ông ở lì trong phòng chỉ với mục đích duy nhất là chờ bà về để mắng nhiếc, đuổi xua. Chưa có thằng chồng nào có đủ những chữ, những câu chửi vợ ngoa ngoắt như ông. Và cũng chưa có gã đàn ông nào hăm dọa vợ một cách hung hăng dữ tợn như ông.

Vậy mà bà vẫn mò về, vì không chịu được nỗi nhớ con, nỗi thèm nhà. Bà như kẻ trộm như bóng ma, lẩn núp và rình rập, để bước vào cái nơi ấy. Một nơi có đến năm khúc ruột của bà được cắt ra, không thể đem đi đành để lại. Một nơi mà hết cả tâm trí hết cả lòng dạ của bà bị hút về, bị cuốn chặt. Bà không ăn uống nổi, không làm lụng gì được. Thằng Hòa thấy việc này làm phiền nhiễu hàng xóm quá thể. Thêm nữa, người chủ thấy cảnh nhà họ quá ồn ĩ phức tạp nên đòi lại phòng. Hòa đến gặp riêng bà bảo: “Thôi! Bố mới về lại quá tức giận. Mẹ hãy cứ khoan khoan lấy một thời gian. Cứ xem thử mọi việc ra sao đã…”. Bà nghe lời Hòa cũng bặt hẳn một tuần không lai vãng, chừng đến khi cha con ông dọn về nơi này, là căn hộ của bác mấy đứa, vốn xưa nay dùng làm nhà kho. Bà lại thì thụp đến nhà ông anh chồng rồi gọi thằng Hòa, cái Bình về bàn bạc. Hốt sớm mấy cái huê và vét cạn tới đồng bạc cuối cùng, bà đưa tất cho các con bảo để cơi thêm cái gác, xây bếp, nhà cầu. Bà cũng dặn giấu biệt chuyện này kẻo ông nổi cơn khí cục làm khổ mấy đứa, tội chết! Bà nói và khóc. Khóc hu hu như trẻ con… Bác gái rơm rớm nước mắt, bảo: “Thật tội nợ cho cái thân thím quá!”.

Nhà cửa sửa sang xong, cha con ông có chỗ ăn ở tử tế rồi lại lo đến chuyện sinh sống cho ngần ấy con người. Cũng may, có vợ chồng thằng Hòa và cái Bình cùng xúm vào đỡ đần cho mẹ. Mỗi người gắng làm hết sức mình để có thêm tiền. Và, hết thảy thu nhập của cả mẹ lẫn con đều đổ hết về một nơi có tên là gia đình. Ông vẫn thế! Chỉ khác trước kia cữ rượu chiều, mỗi ngày, ở quán xá hoặc nhà người. Giờ, uống ngay ở nhà. Không ai chung cuộc thì mình với riêng mình, tì tì. Bác cả thấy tội, thi thoảng cũng sang đưa tiền cho cái Trang mua tí mồi, nửa lít đế. Mua cho ông uống là chính chứ bác ấy nhấp khéo chưa hết ba ly nhỏ. Chú Út trước khi ông đi tù, rủ rê dữ lắm. Giờ, thôi hẳn. Còn cười nhạt, bảo: “Thằng này chỉ ngồi chung chiếu nhậu khi ông xóa sổ cái năm phút ngớ ngẩn và ngu xuẩn”. Năm phút, lại nói về năm phút. Ấy! Ấy! Cũng vì cái của nợ đó mà ông đâu dám vác mặt đi đâu để bù khú rượu chè. Phải uống ở nhà để mà còn canh vợ nữa chứ! Vợ cứ lắt nhắt ngày mấy dạo đảo qua nhà, không canh, nó ở lì cho hàng trăm phút ấy chứ! Ông, có lần phùng mang trợn mắt nói thế.

Không hề tức giận, chỉ thấy tức cười. Đó, đôi khi là cảm giác của bà và những ai đó. Như em gái của bà, chẳng hạn. Dì ấy bảo: “Em như chị em quy định với gã hẳn hoi. Là đổ đồng, ngày tôi về sáu lần. Mỗi lần năm phút nhân lên. Không lụn vụn, tôi chỉ về một lần như vậy, có phải là tôi được hưởng trọn ba chục phút lưu trú tại gia không nào?”. Không hiểu sao, nghe, bà bật lên cười. Cười to. Nghĩ cũng thật hay vì chỉ một tháng sau, ông đã rõ là bà vẫn phải thế. Vẫn phải gánh vác và lo liệu cho gia đình, như là trước đây. Cả việc sửa sang nhà cửa cho đến việc cơm áo hằng ngày, vậy mà, ông vẫn cứ như không. Vẫn tỉnh bơ hưởng nhận và tỉnh táo duy trì một cách nghiêm ngặt, cái quy định chết tiệt của mình.

Năm phút! Có là gì… Một dấu mốc thời gian rất ngắn ngủi mà thật dài dặc và quá nặng nề, thường xuyên đè ngập lên bà. Không cách gì lôi ra khỏi người. Không di dời. Không bóp nát. Không thiêu hủy. Ấy là khi bà ở chợ tạt về, đem cho bố con ông ít thức ăn chưa dặn kịp mấy đứa cách nấu, đã hết beng năm phút lại lùi lũi đi, vì không muốn ông lớn tiếng đuổi xua, các con buồn. Ấy là khi bà ghé về đem cho mấy đứa chai nước muối súc họng, chưa kịp nói gì đã vội vàng trở ra vì sợ mình không bình tĩnh nổi, phản ứng điên cuồng, khiến ầm ĩ hàng xóm và các con xấu hổ. Ấy là khi mua cho Trang lọ si rô uống trị ho, tạt về, mau mau bày con cách dùng kẻo không kịp… Có lần, trở về bụng tự nhiên nhoi nhói, mót cầu. Muốn lắm nhưng cũng chẳng dám bước vào toilet nhà mình, vì bà vốn bị táo bón mà cái năm phút chó đẻ ấy, thật chưa kịp rặn lấy vài hơi. Thế là ù sang hàng xóm, cho nó thỏa thuê. Mọi nhà quanh khu vực này đã quen thế. Cả hàng xứ lẫn phía nội, ngoại…

***

Trong bà cũng có khi vút lên cơn uất hận ngất trời nhưng cũng có khi âm thầm một nỗi cam chịu. Nghĩ, cái đòn giáng lên bà bấy lâu cũng chỉ do cái đầu ông quá cạn cợt. Người ta thâm hiểm người ta chẳng xử bồng bột thế! Và phải công bằng để thấy, là dù ông có dở hơi có khí cục thật đấy nhưng vẫn còn cho bà về để mà lo cho các con bát cơm hồi khỏe, viên thuốc lúc ốm. Để biết chúng lành lặn và ngoan ngoãn. Để thấy chúng buồn, vui. Để chia sẻ với các con trong sự ít ỏi cho phép, hồi chúng may mắn, lúc chúng xui rủi. Để nhắc nhở, để lo lắng, để bảo vệ… Nhưng trên tất cả, bà vẫn hy vọng. Một sự hy vọng hết sức mạnh mẽ. Sẽ có lúc ông nghĩ lại và vợ chồng con cái được đoàn tụ. Các con bà cũng luôn mong thế mà. Chính điều này và duy nhất một điều này, giúp bà không đạp đổ tất cả, không bỏ đi và thêm nhẫn nhịn, khi quắt quay chấp nhận sự áp đặt này. Chính sự ngóng chờ đầy đắng đót và ngọt ngào đã cho bà thêm sức mạnh của những lần trở về nhà với chỉ đúng năm phút.

Vậy mà nỗi hy vọng đó, những chờ mong đó, giờ đi đâu mất. Trong bà cạn kiệt hết cả sức lực và nghị lực. Bà biết mình khó thể đi tiếp cái đường vòng vèo trắc tréo, bấy lâu mình vẫn đi. Bà biết mình không thể. Ý nghĩ đó khiến bà đuối mệt, muốn ngã nhào và lịm đi. Giá chết được trong tình thế này khéo lại hay! Mà sao bà phải chết chứ? Bình đã mất nhưng bà vẫn còn bốn con, một dâu và hai cháu nội. Chúng cần bà biết bao và bà, sao có thể sống thiếu chúng. Nhưng bà mệt lắm rồi! Bà sắp quỵ gục rồi, sắp thua cuộc rồi… Bà như miên man trong những ngẫm ngợi của mình nên đánh thót, giật bắn người khi nghe bước chân ông và liền đó, là mấy chữ rề rà quen thuộc: “Hôm nay cũng chỉ năm phút thế! Đừng có hòng, nhé!”. Bà: “Vâng” khẽ, để rồi, sau tiếng vâng rất hiền lành nhẫn nhục ấy là cả một trời giông bão sục sôi trong lòng. Bà đẩy các con ra khỏi người, đứng bật dậy, quắc mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo nơi khoảng tường đối diện. Một phút trôi qua. Nhanh quá nên chẳng nghĩ được gì. Rồi hai. Cũng chẳng kịp. Rồi ba. Phải làm một cái gì đi chứ! Chồm vút trong tâm hồn bà là câu giục giã đó. Phải làm một cái gì đi chứ! Bà cởi nhanh chiếc đồng hồ vẫn đeo ở cổ tay, ném thẳng vào chiếc đồng hồ treo tường. Bà nhìn thẳng vào ông, trước khi bước nhanh lại cái tủ búp phê, vơ vội chiếc đồng hồ kiểu đập mạnh xuống nền nhà. Ném hết, đập hết những cái bà trông thấy. Những nào đồng hồ con gà ngộ nghĩnh như một món đồ chơi, đặt trên bàn học của thằng cháu nội. Đồng hồ để bàn vẫn đặt trên cái tủ lạnh… Bà ném nhanh và đập rất mạnh. Ném và đập trong nỗi sướng thỏa ập òa, òa ập. Choang choang và choang choang… Loảng xoảng và loảng xoảng. Chiếc đồng hồ cuối cùng bị bà đập nát là đồng hồ đeo tay của thằng Hòa. Bà không tự lấy mà chính con trai bà đưa. Đưa, khi chưa qua phút thứ năm.

Sau rất nhiều âm thanh vỡ vụn là một sự lặng yên đến ghê sợ. Ngôi nhà tràn ngập nỗi im ắng. Im, đến mức nghe rõ cả tiếng thở của mỗi người. Bà nhìn thẳng vào mắt ông, thách thức. Và kỳ lạ chưa? Lần đầu, sau một thời gian dài, khi mà cái quy định năm phút được thực thi ở nhà này. Ông không còn lẩn tránh ánh mắt của bà. Đúng là suốt khoảng ngày qua, ông chưa một lần nhìn vào mắt bà. Chưa hề. Dù, để bảo vệ cho cái năm phút của mình được toàn vẹn ấy, ông rất sẵn sàng mắng chửi, nhục mạ, kể cả đánh đập bà thậm tệ. Chỉ vậy, chứ nhìn vào mắt bà thì không. Quả thật là không. Bà tiến sát lại gần ông hơn để được đứng đối diện và nhìn thẳng vào ông. Họ cùng nhìn vào mắt nhau, không một chớp nháy. Phải rất lâu sau đó, bà mới nghe ông thở ra. Một sự thở ra như trút bỏ hàng tấn gánh nặng trong người. Xong, ông nói. Nhẹ giọng nhưng chẳng chút rề rà. Nhẹ giọng mà gọn đanh và sắc lẻm: “Đáng ra, mẹ nó phải làm điều này từ lâu rồi mới phải!”. 

Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.