Khúc bi ca về người Việt xa xứ (*)

02/04/2009 22:03 GMT+7

Sau ba tập truyện ngắn và một tập bút ký, lần này nhà văn Nguyễn Văn Thọ trở về Việt Nam với Quyên - cuốn tiểu thuyết về cuộc đời phiêu bạt bất hạnh của người Việt xa xứ, với nhân vật chính là một phụ nữ trẻ vượt biên sang Đức...

Hơn 440 trang viết như những thước phim quay chậm. Ngôn ngữ tiểu thuyết đậm chất điện ảnh và có tính phóng sự của Quyên cho thấy Nguyễn Văn Thọ là một tay bút khá già dặn trong bố cục. Không có gì mới về mặt nghệ thuật nhưng lối dẫn chuyện khá hấp dẫn, bởi đầy ắp chi tiết đời sống và hơi thở đắng cay, lãng mạn của hiện thực.

Quyên, một cô gái có học, trẻ đẹp theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Vợ chồng lạc nhau, cô bị Hùng - một kẻ làm nghề dẫn đường cưỡng hiếp và buộc phải sống cùng anh ta 8 tháng tại một căn nhà tạm bợ trong rừng biên giới. Quyên có thai. Đến lúc ấy, Hùng mới cảm thấy thật sự yêu thương Quyên, đưa cô vượt biên sang Đức để sinh con và tìm chồng. Nhưng Hùng gặp tai nạn ô tô khi cố đánh lạc hướng xe cảnh sát, để Quyên lên xe của một người bạn vượt biên. Quyên gặp lại chồng, nhưng bị chồng ruồng rẫy trong lúc sinh con, cô bế tắc toan tự sát, may sao lại được Kumar, một người tị nạn cùng trại, cứu thoát. Họ sống với nhau như vợ chồng trong một quán ăn nhỏ. Sau đó, nghe tin Hùng sắp chết và muốn được gặp mặt con, Quyên đã mang con tới gặp Hùng lần cuối trước khi anh lìa đời. Quyên đã mang tro cốt của Hùng về nước trong khi Kumar lại đi tìm cô...

Trong cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Văn Thọ đã làm chủ mạch chuyện, tiết chế tốc độ nhanh, chậm của mỗi chương theo hơi thở đời sống, thân phận của từng nhân vật, đậm đà chất phóng sự. Anh cho biết, nhiều chương của tiểu thuyết đã bám chặt thời sự tâm hồn của cộng đồng người Việt xa xứ. Điều này có thể sẽ có người chê nhưng cũng sẽ có không ít người tán đồng, bởi điều anh mong mỏi là văn chương phải chia sẻ được với đa số công chúng lao khổ và những thân phận người Việt xa quê.

Tác giả cho biết, già nửa cuốn tiểu thuyết là những truyện ngắn độc lập, và vì thế anh phải hòa quyện hơi thở của từng truyện ngắn vào hơi thở chung của tiểu thuyết để tìm được cho chúng một tiết tấu. Mặt quan trọng khác, anh đã triệt để sử dụng thủ pháp điện ảnh trong Quyên, để các tình huống hiện ra sinh động như thể một bộ phim được chiếu từ các trang viết.

Nguyễn Văn Thọ tâm sự, anh muốn thông qua tiểu thuyết này để nói về sự "va chạm" của các nền văn hóa: khi người Việt Nam rời bỏ văn hóa gốc, họ đã bị choáng ngợp, đổ vỡ trước các nền văn hóa khác như thế nào. "Tôi hy vọng dưới các tầng chữ của tiểu thuyết Quyên, mọi người sẽ thấy một vấn đề: dù đất nước chúng ta còn nghèo, dù chúng ta còn đau khổ, dù thân phận một số người Việt còn phải phiêu bạt nhưng chúng ta vẫn tìm thấy tiếng nói thương yêu của con người và của dân tộc mình, vẫn tìm thấy khát vọng được sống yên bình trên chính quê hương mình, hơn là phải dấn mình vào cuộc phiêu lưu xa xứ trong một thế giới đầy bất trắc như Quyên đã trải qua".

Anh còn bật mí: hiện anh đang chờ một hãng phim nước ngoài mua lại bản quyền với số tiền không nhỏ.

Việt Chiến

(*) Đọc Quyên, tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ, NXB Hội Nhà văn, 2009.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.