Hạt cơ bản của dịch giả trẻ

06/08/2005 15:47 GMT+7

1. Có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các dịch giả "đại thụ" tên tuổi, mới thấy nỗi lo của họ rất có lý: gần như quá hiếm hoi những gương mặt dịch giả trẻ có đủ niềm say mê và bản lĩnh để thay thế họ trong công việc dịch thuật văn học tương lai.

Khi mà việc tiếp cận với ngôn ngữ thứ hai trở nên dễ dàng với nhiều phương tiện giao lưu và học tập thì vấn đề còn lại vẫn là niềm say mê, khát khao khám phá những chân trời tri thức, triết học, ngôn ngữ, thi ca... lại dường như rất thiếu vắng. Nhiều dịch giả nổi tiếng như Dương Tường, Cao Xuân Hạo, Trần Thiện Đạo, Bùi Giáng, Nguyễn Trung Đức, Huỳnh Phan Anh, Hoàng Hưng, Lê Sơn, Phạm Viêm Phương, Lê Khánh Trường, Cù An Hưng, Lê Thiện Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Ngân Xuyên, Nhật Chiêu, Đức Tài... ngoài chuyên môn như sáng tác, nghiên cứu ngôn ngữ, phê bình, giảng dạy... thì các ông đều là những tay dịch "ngoại hạng". Những bản dịch "vang dội" đến nỗi nhắc đến tên sách là biết ngay tên dịch giả như Hoàng tử bé, Ngộ nhận đúng là Bùi Giáng, Cuốn theo chiều gió, Anna Karênina, Đồi gió hú, Người dưng, Cái trống thiếc, Cội rễ, Con đường xứ Flandres... đích thị là Dương Tường, Đèn không hắt bóng, Papillon người tù khổ sai, Đoạn đầu đài hẳn là Cao Xuân Hạo; thơ Apollinaire, Lorca, Pasternak... tuy nhiều bản dịch nhưng "nghe mùi" biết ngay bản nào của Bùi Giáng, bản nào Hoàng Hưng và bản nào của Phạm Công Thiện. Tại sao vậy? Bởi các ông "ăn dầm nằm dề" với chữ. "Ngột hứng" và "mê đồng". Thẩm thấu được cái hay của nguyên tác rồi tìm một hướng chuyển dịch đắc dụng nhất. Đọc một bản dịch tâm huyết không thấy "độ kênh" giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác. Chỉ thấy sướng, thấy điên lên vì nhà văn và dịch giả. Mê chữ như Dương Tường cao hứng còn đưa ra quan niệm "dịch giả đồng tác giả". Thế mới biết họ lấy công việc làm trọng như thế nào.

2. Giờ đây rõ ràng chưa hình thành được một lớp dịch giả mới có chuyên môn và đặc biệt là lòng yêu nghề như vậy. Cũng có ý kiến bảo: "Những tuyệt tác văn chương thế giới "các cụ" dịch hết rồi. Bọn trẻ chỉ còn có thể bái vọng!". Điều đó ngẫm cũng có lý. Nhưng ở nhiều nước, nhiều tác phẩm bất tử thỉnh thoảng vẫn được dịch lại, thậm chí bản dịch sau hay hơn, phủ nhận luôn cả bản dịch trước. Tại sao không? Gần đây tôi tình cờ đọc lại 3 bản dịch một bài thơ nổi tiếng Đất hoang của nhà thơ "tiền phong" Iliot qua Đinh Linh, Nguyễn Quốc Chánh và một bản trước giải phóng. Thấy rõ ràng là khác nhau rất xa. Tinh thần khai phóng của một bài thơ vẫn còn nguyên vẹn tính dự báo của nó trước những thách thức, đòi hỏi, những yêu cầu mới của thời đại và lịch sử. Những tác phẩm lớn đều mang tải thông điệp lớn lao như vậy. Và ưu điểm của người dịch trẻ chính là làm mới lại không gian, tinh thần tác phẩm bằng "dòng ngôn ngữ sống", sắc cạnh của bối cảnh thực tại. Có nghĩa là làm mới lại, "sống lại" một văn bản cũ mà không bị "phô". Tuy không nhiều nhưng cũng đã xuất hiện một hai dịch giả trẻ đáng chú ý, như Trần Tiễn Cao Đăng, Đinh Bá Anh, Cao Việt Dũng... Dịch giả Dương Tường khi hiệu đính cuốn Từ điển Khazar - tiểu thuyết 100.000 mục từ  (NXB Văn hóa Thông tin 2005) của nhà văn Milorad Pavic, cuốn sách được giới phê bình đánh giá thuộc dòng văn học Hậu hiện đại đầu tiên trên thế giới đã rất hứng khởi với bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng. Ông đánh giá cao cách làm việc, tri thức và tinh thần cầu tiến của dịch giả. Hạt cơ bản vẫn là "lòng yêu nghề", trân trọng bạn đọc, say mê ngôn ngữ, dám đương đầu với cái khó. Hiện nay dịch giả này tiếp tục "mò mẫm", "đánh vật"  với dòng văn học Hậu hiện đại thế giới và đang theo đuổi "Hiện tượng Nhật Bản - nhà văn Haruki Murakami". Cuốn Ký sự con chim vặn dây thiều của nhà văn châu Á lừng danh này anh đang dịch, dự kiến sẽ hoàn thành để đến với bạn đọc giữa năm 2006. Cao Việt Dũng có lợi thế hơn là anh đang theo học nghiên cứu sinh ở Pháp. Một loạt tác phẩm của anh dịch như Điệu van giã từ, Hạt cơ bản, Cuộc sống không ở đây… mang màu sắc trẻ trung, mới mẻ. Đã có một cách nhìn khác về dịch thuật qua cách làm việc của Cao Việt Dũng. Dịch giả trẻ Đinh Bá Anh có thuận lợi là người tổ chức nhiều bản thảo dịch thuật văn học cho trang Văn học điện tử Evăn của báo Tin Tức Việt Nam. Từ đây anh đã giới thiệu được nhiều gương mặt dịch thuật tương lai như Lâm Vũ Thao, Hải Ngọc, Hoàng Long… Còn anh quyết tâm "đương đầu" với mảng lý luận phê bình văn chương hiện đại và đang "giác đấu" với những trước tác của nhà phê bình M.Raiznicki, người được mệnh danh là "giáo hoàng của văn học Đức" để mong đưa được "những quan điểm mới nhất" về văn chương giới thiệu cho bạn đọc Việt. Thế còn văn chương mới thì sao? Nhiều dịch giả khác đã thành danh như Ngô Tự Lập, Lê Huy Bắc, Mai Sơn, Thanh Vân... tuy tuổi đã "chín" hơn nhưng cũng có thể xếp vào đội ngũ những người dịch trẻ. Những tín hiệu như thế giúp lạc quan và hy vọng hơn.

3. Thỉnh thoảng giữa những người dịch trẻ vẫn có chuyện vui. Vừa qua, một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại Au rez-de-chaussée du paradis, tức là Tầng trệt thiên đường, đã được Nhà xuất bản Philippe Picquier giới thiệu với bạn đọc Pháp. Tuyển tập lấy nhan đề một truyện ngắn khá nổi tiếng của nhà văn Bùi Hoằng Vị từng được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Dịch giả Đoàn Cầm Thi, cũng là một người Việt, nhà phê bình, tiến sĩ văn chương hiện đang giảng dạy Đại học ở Paris - Pháp ("Văn học Việt Nam hòa nhịp với thế giới” ). Điều vui là trên một diễn đàn trao đổi tri thức văn hóa, nhà văn Bùi Hoằng Vị đã có một bài trả lời dịch giả, trao đổi lại vấn đề "kiến thức và kiến văn" xung quanh việc dịch truyện ngắn của anh qua tiếng Pháp. Điều này chứng tỏ tiếng Pháp của nhà văn rất giỏi để anh có thể biết được "thông điệp truyện" của mình chuyển ngữ có đạt không và đảm bảo giá trị như thế nào.  Có nghĩa giữa nhà văn và dịch giả "tương tác" cùng một kênh tri thức văn hóa để hiểu nhau trước khi giới thiệu với người thứ ba qua ngôn ngữ thứ hai. Đã có nhiều nhà văn đang tự "chuyển ngữ" tác phẩm của mình để có thể giữ đúng tinh thần văn phong và văn bản. Rõ ràng dịch thuật rất quan trọng khi làm "cây cầu" nối văn chương trong nước ra thế giới và ngược lại.

Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.