Chuyện thực, chuyện mộng

03/10/2009 22:20 GMT+7

Thời bây giờ thật khó để có giấc ngủ ngon; có người than, hễ nhắm mắt thiếp đi một chút là thường gặp ác mộng. Cứ như thể những hình ảnh đầy dọa nạt ấy nằm đợi sẵn ở tiềm thức, sẵn sàng tấn công khi đầu óc rón rén nghỉ ngơi. Có khi bật thức dậy, toàn thân túa mồ hôi hột, hốt hoảng như thể bị ma đuổi. Vì sao thế?

Câu hỏi của anh bạn chợt làm cho tôi nhớ đến một ý của Osho trong cuốn Luận về cuộc đời, khuyên rằng, chúng ta phải học biết ứng xử tốt với chính mình thông qua việc “làm bạn” với… giấc mơ. Nghe hay đó. Nhưng làm sao có thể làm bạn với giấc mơ của mình, làm sao có thể hòa bình, bình yên với “nó”, nhất là khi “nó” càng ngày càng khánh kiệt tính thi vị và gia tăng tính đe dọa như vậy? Làm sao chúng ta có thể sẵn sàng trước những trải nghiệm đầy dữ dằn được gửi về từ tiềm thức?

Trên truyền hình vừa phát đi thông cáo của một tổ chức y tế, cho rằng đến hơn 1/5 nhân loại đang mắc chứng mất ngủ, vì nhiều lý do, trong đó phần lớn là do chứng stress vì áp lực thời gian công việc, cuộc sống hiện đại nhiều lo toan; nhiều người không thể sống trong tình trạng chập chờn, đã uống thuốc an thần và lờn thuốc, có nguy cơ mất ngủ suốt đời. Tivi còn quay cảnh một bà Tây tóc tai rũ rượi, dật dờ trước ống kính: “Thật kinh khủng. Tôi thà chết còn hơn mất ngủ và gặp ác mộng ngay cả lúc chập chờn!”.

Những giấc mơ sinh ra từ đâu, nếu không là những hình ảnh bề bộn có nguồn gốc từ trải nghiệm thực tế. Mỗi ngày, mỗi đêm, trên báo, trên mạng, trên tivi phát đi cơ man nào là thông tin thiên tai, chiến tranh, bệnh tật… ở những xó xỉnh nhỏ bé nhất của trái đất chúng ta đều muốn biết, và luôn muốn biết nhiều hơn. “Khủng hoảng” là từ dùng đã quen trên môi miệng. Rồi nỗi lo, sự bất trắc nảy sinh trong phương thức sống hằng ngày cũng khiến tâm hồn chúng ta đầy những gánh nặng khó thanh thản. Tất cả những nhận thức, cảm giác khủng hoảng, âu lo ấy có khi tưởng đã nguôi ngoai, nhưng hóa ra chúng đều tìm được một chỗ trú ngụ bàng bạc đâu đó bên trong ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng đã phai nhạt trong ý thức.

Sự bất an, mất cân bằng của xã hội hiện đại đã đi vào cả trong giấc mơ của mỗi người. Sự nhiễu loạn của thế giới thông tin bất trắc thường ngày đang lấn chiếm chỗ cho phần thi vị bên trong tiềm thức để sản sinh ngày càng nhiều những ác mộng. Dường như đã đến khi con người không chỉ còn lo sợ những bất an đến trong thực tại nữa, mà dành sức lực để chống lại những mối bất hòa đến từ nội tại, những bất trắc thuộc về nội sinh, những phần “nhiễm xạ” ẩn sâu bên trong mình. Hãy nhìn bọn trẻ mới. Không nhiều trong số chúng biết “gối đầu lên những vần thơ” (như trong một bài hát nào đó), thay vào đó là ám ảnh về những trận chiến đấu ác liệt giữa những siêu nhân với vũ khí siêu nặng, những quái vật vũ trụ với đao kiếm khát máu hằng ngày sống động trong các trò game, những trang truyện tranh, những bộ phim bạo lực chiêu dụ óc tò mò trẻ thơ rất giỏi; tạo hấp dẫn ngay trong chính việc kích thích nỗi sợ hãi đối với bọn trẻ. Đời sống làm sao thì trò chơi con trẻ làm vậy. Ai đó nói vậy, đúng trong trường hợp này! Rồi khi từ giã những trò chơi, chúng lại lao vào những “ác mộng” lớn hơn: lịch học quá sức, sự đối phó với cơn khát thành đạt mà người lớn gửi gắm, đối đầu với công việc, bất an trong việc kiếm tìm sự nghiệp ở tuổi trưởng thành và nói đâu xa, mỗi ngày bước ra đường là một cuộc cạnh tranh khốc liệt đến từng nửa vòng bánh xe…

Giấc mộng, tiềm thức là chiếc gương lưu giữ phần thi vị của thực tại, hữu thức, vậy thì làm sao để gọi được những giấc mộng đẹp trở về trong sự hòa bình giữa tôi với chính bản thân tôi?

Câu hỏi vẫn bỏ ngỏ. Trong khi các thiền sư đang mải mê kiếm tìm sự tĩnh tại trong từng hơi thở nhẹ thì tôi, một “người đời” đúng nghĩa, ngồi vào bàn viết những dòng này với hy vọng: một khi những nỗi bất an, âu lo sâu kín khi viết được ra giấy, nói được ra iệng thì con người ta sẽ đuổi được những ác mộng ra khỏi tâm hồn và giấc ngủ...  

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.