Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 5: Bùi Giáng với Bùi tộc Vĩnh Trinh

22/09/2013 03:00 GMT+7

“Viết về bất cứ danh nhân nào người ta thường phải nhắc đến nơi chôn nhau cắt rốn cũng như dòng dõi huyết thống của danh nhân đó - ở đây chúng tôi muốn nói đến Bùi Giáng với Bùi tộc Vĩnh Trinh”.

Bùi Giáng với Bùi tộc Vĩnh Trinh

Ảnh: Gia đình cung cấp

 

Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 5: Bùi Giáng với Bùi tộc Vĩnh Trinh  1

Ông Bùi Dương Thạch (ảnh), 65 tuổi - đại diện Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM - đã mở đầu như vậy trong buổi gặp gỡ thân mật với chúng tôi vào trưa qua 21.9, rồi tiếp: “Bùi Giáng thuộc đời thứ 17 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Dòng họ này rời đất Hoan Châu, tỉnh Nghệ An ngày nay, vào cuối thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thánh Tôn, để theo cuộc Nam tiến lịch sử cùng tiền nhân của Đào tộc vào vùng đất Quảng Nam sáng lập ra xã hiệu Bình Khương, hiện nay là làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, với đệ nhất tổ là ngài Bùi Tấn Diên và đệ nhị tổ là ngài Bùi Tấn Trường, khai khẩn và phân ranh giới 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù Bàn và An Lâm, thường gọi “lục thôn”. Bài minh trên bia đá kỷ niệm trùng tu đình Lục thôn (Đình Châu) năm 1754 ghi: “Nguyên châu chúng ta ngày trước có ngài cai phủ Khánh Sơn hầu Bùi Quý công cấu tạo đình sở - đất linh, người giỏi, tiếng đồn vang khắp châu thôn - người gần lấy làm hài lòng - kẻ xa rủ nhau kéo đến - họp thành chợ đông vào lúc ban trưa - đến nay chưa ai quên được”...

Ông Thạch kể, về sau họ Bùi phân định làm 5 phái vào đời thứ 13. Sang đời thứ 14, Bùi gia đã nổi tiếng “của nhiều người đông”. Đến đời thứ 15, nhiều vị đã từ Vĩnh Trinh sang lập nghiệp ở các phủ huyện khác như: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn. Tiêu biểu nhất cho nếp sống nho phong có ông Bùi Túc, hai vị đỗ đạt là ông Bùi Hữu Chí và Bùi Giác. Đến đời 16, nổi tiếng trong nước về lĩnh vực văn hóa có Bùi Văn Nam Sơn hiện nay và Bùi Thế Mỹ trước kia. Bùi Thế Mỹ (1904 - 1943) là nhà văn, ký giả nổi danh với bút hiệu Lan Đình và Thông Reo, chủ bút nhật báo Điện Tín - cộng tác thường xuyên với các tờ: Tân Thế kỷ, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ Tân Văn, Công Luận, Dân báo và từng bảo với bạn mình là Thiếu Sơn: "Tôi không tha thứ cho bọn gian lận kiếm ăn trên địa hạt văn chương". Khi ông mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có câu đối khóc ông trên báo Tiếng Dân.

 

Rời quê hương, Bùi Giáng ra đi, đi và đi mãi, và đã gặp những ai trong lễ hội tháng ba, tháng tư tháng năm, tháng chín tháng mười, tất cả mọi tháng nào “còn sơ nguyên mộng” ?

Gặp Bồ Tát cười vui như nắc nẻ
Một hôm nào nương tử bước 
                                 hai chân
Vén xiêm áo nghe tượng thần 
                                    mở hé
Tòa thiên nhiên ngồi xuống cỏ 
                                 vô ngần

(...)

Người ta chết lúc làm thơ
                                 như thế
Không hề gì vì chết rỡn
                                 cho vui...

BÙI GIÁNG

Đời thứ 17 có Bùi Kiến Tín du học và tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Pháp, về nước ông sáng chế loại dầu chữa bệnh thời khí nổi danh có tên “Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín” thông dụng toàn quốc. Công thức bào chế của ông hiện nay vẫn được một số xí nghiệp dược phẩm Việt Nam dùng để tái sản xuất. Bác sĩ Tín là thân phụ của tiến sĩ Bùi Kiến Thành - người Việt đầu tiên được đào tạo tại Mỹ trong lĩnh vực tài chính và có quá trình hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực này trên trường quốc tế (sau năm 1975, ông Thành trực tiếp hỗ trợ Ban Biên giới chính phủ nghiên cứu cơ sở luật pháp để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa, khu vực dầu khí biển Đông). Bác sĩ Tín cũng là thân phụ của kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Cũng đời thứ 17 đã xuất hiện Bùi Giáng, “sinh tại làng Vĩnh Trinh, nay thuộc thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là con thứ hai của ông Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền - nhưng nếu tính tất cả các anh em trong nhà thì Bùi Giáng là con thứ năm. Sau này khi ông vào sống ở Sài Gòn được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng”, ông Thạch nói.

Như vậy, từ chiếc nôi Vĩnh Trinh, thi sĩ Bùi Giáng đã bước vào “cuộc lữ”, mang theo những kỷ niệm không quên về thời trẻ ở quê nhà: “Đường đi nhật nguyệt trôi qua/Tha hương cố quận lạc hoa một nhành/Trường miên nguyện ngủ dưới ngành tùng trăng”. Nội hàm của hai tiếng “cố quận”, “quê hương” hoặc “quê nhà”, trong sáng tác của Bùi Giáng mang nhiều ý nghĩa. Có thể đó là quê hương “nhất như” của tất cả mọi loài. Là nơi trăn trở “hướng về” của loài người bị “lưu đày” qua nhiều đời nhiều kiếp. Cũng có thể là chiếc nôi Vĩnh Trinh trong thương nhớ đời này của ông với những “mộng ban đầu”, với những “cái gì đã mất”, được ghi qua di cảo: “Hình dung ở dưới trăng ngà/Một hình bóng cũ nảy hoa dưới trời/Tình yêu đã mất em ôi/Chiêm bao mộng tưởng rong chơi suối vàng”. Cũng trong bản thảo viết tay của ông để lại, đã đọc thấy những dòng hoài niệm: “Anh sắp đặt em một chỗ nằm/Khoát tay em bảo em không nằm ngồi” - mà muốn “đứng” mãi trong trái tim ông. Và ông (cũng trong di cảo) đã đưa “tình trong tim máu ra ngoài rong chơi”. Đó là hiểu quê hương theo cái nghĩa xương thịt nguồn cội của Bùi tộc, còn “quê hương” và “nỗi nhớ” trong thế giới thơ Bùi Giáng quá đa nghĩa, mà chúng ta cần có thời gian chiêm nghiệm - ông Bùi Dương Thạch đã nói như vậy vào cuối buổi gặp mặt.  

Giao Hưởng 

(Lời cố quận, Martin Heidegger - giảng giải thơ Hoelderlin. Bùi Giáng dịch giải - NXB An Tiêm, Sài Gòn 1972)

>> Chuyện đời Bùi Giáng: Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên ?
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 2: Thiên tài không thể định nghĩa
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 3: Cuốn sổ nợ 'đoạn trường
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 4: Đạt đạo cõi thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.