Tàn phá di sản của nhân loại - Kỳ 2: Cháy ngôi chợ hơn 600 năm tuổi

10/05/2015 06:00 GMT+7

Cuộc nội chiến Syria đang tàn phá đất nước Tây Á này, kéo theo những di sản thế giới được cho là quý hiếm đã sụp đổ vì bom đạn, vì sự hủy hoại của con người.

Cuộc nội chiến Syria đang tàn phá đất nước Tây Á này, kéo theo những di sản thế giới được cho là quý hiếm đã sụp đổ vì bom đạn, vì sự hủy hoại của con người.
Khu chợ Al-Madina Souk bốc cháy dữ dội sau cuộc đọ súng - Ảnh: The GuardianKhu chợ Al-Madina Souk bốc cháy dữ dội sau cuộc đọ súng - Ảnh: The Guardian
Tan hoang sau trận đọ súng
Al-Madina Souk tọa lạc tại thành phố cổ Aleppo, từng một thời được xem là khu chợ có mái che lớn nhất thế giới đã bị thiêu rụi phần lớn cùng các tòa nhà thời trung cổ bởi trận chiến giữa phe nổi loạn và lực lượng quân đội của chính phủ nổ ra từ tháng 9.2012. Với những con hẻm dài (tổng cộng đến 13 km) và hẹp, bên trên có mái vòm bằng đá, Al-Madina Souk được xây dựng từ thế kỷ 14, là trung tâm thương mại lớn dành cho hàng hóa nhập khẩu hạng sang, như lụa thô từ Iran, gia vị, thuốc nhuộm từ Ấn Độ và nhiều sản phẩm khác.
Al-Madina Souk cũng là nơi để trao đổi mua bán các sản phẩm địa phương như len, sản phẩm nông nghiệp và xà phòng, thu hút rất đông du khách khắp thế giới. Al-Madina Souk một thời là trung tâm giao thương quốc tế trên con đường tơ lụa cổ xưa xuất phát từ Trung Quốc, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1986.
Hãng tin Reuters đăng tải bài viết vào ngày 30.9.2012 có tựa đề Phần lớn ngôi chợ cổ ở Aleppo của Syria thành đống tro tàn. Bài báo nêu rõ, ngôi chợ lịch sử được cho là không bị hư hại nhiều sau khi quân chính phủ và phe nổi loạn nổ súng. Tuy nhiên rạng sáng ngày 29.9.2012, 1.500 cửa hàng trong ngôi chợ bắt đầu phát hỏa dữ dội do chủ cửa hàng trữ số lượng lớn hàng hóa dễ cháy. Chưa rõ bên nào gây ra thảm họa nhưng theo Reuters, các nhà hoạt động xã hội tại Syria cáo buộc quân chính phủ sử dụng loại đạn gây cháy để tấn công lực lượng nổi dậy đang chiếm đóng khu chợ cổ khiến hỏa hoạn xảy ra.
Ngay khi phát hiện di sản thế giới đang bị lửa tàn phá, chính quyền Syria lập tức cho máy bay đến chữa cháy. “Các máy bay cố gắng dập lửa nhưng không thể thực hiện nhiệm vụ do lực lượng bắn tỉa của phe đối lập xả súng như mưa”, một nhà hoạt động xã hội nói với báo giới. Theo ước tính của các chuyên gia, để khôi phục lại Al-Madina Souk cần đến hàng triệu USD. “Đó là một mất mát lớn và là bi kịch mà các thành phố cổ tại Syria đang bị ảnh hưởng”, Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới của UNESCO, nói với Hãng tin AP. Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, đã bày tỏ sự thất vọng về việc Al-Madina Souk bị thiêu hủy và kêu gọi cả hai bên phải có biện pháp để bảo vệ các di sản thế giới.
Nhộn nhịp thị trường cổ vật
Reuters đưa tin, cảnh sát quốc tế (Interpol) đã tịch thu hơn 100 hiện vật được cho là cổ vật tại biên giới Syria và Lebanon sau khi xung đột tại Syria nổ ra. Lực lượng đối lập với chính phủ Syria được cho là những người đang cầm đầu đường dây mua bán, tiêu thụ số cổ vật quý này.
Tờ The Times (Anh) đưa tin những kẻ nổi loạn còn xây dựng một đường dây buôn lậu cổ vật quy mô lớn với mục đích là “gây quỹ cho cuộc cách mạng”.
Nhiều cổ vật quý bên trong thánh đường Hồi giáo Umayyad Mosque hàng ngàn năm tuổi ở phía bắc thành phố Aleppo bị sụp đổ do nội chiến đã bị đánh cắp. Trong đó, đáng kể nhất là chiếc hộp chứa mớ tóc của nhà tiên tri Muhammad.
“Tôi không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả sự thất vọng lớn lao chen lẫn kinh hoàng của mình với những gì đang diễn ra tại Syria. Các cổ vật đang bị cướp phá rồi chào bán trên các trang web kinh doanh đồ cổ. Một món lợi béo bở”, Giáo sư Jeremy Johns, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khalili, giáo sư nghệ thuật và khảo cổ vùng Địa Trung Hải tại Đại học Oxford (Anh) bày tỏ sự quan ngại trên tờ The National (Scotland). Giáo sư Johns còn tỏ vẻ lo lắng: “Các di tích đang bị con người hủy diệt làm cho cơ cấu xã hội quanh nó cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Cuộc nội chiến xảy ra, và chính phủ Syria lẫn phe nổi dậy không đủ nhân lực để bảo vệ các di tích cũng như số cổ vật. Điều quan trọng là làm sao chuyển số cổ vật quý đến nơi an toàn hơn, cách xa vùng chiến sự”.
Chiến sự ở Syria không chỉ khiến hàng trăm ngàn người thương vong mà còn tàn phá hơn 290 di sản văn hóa. Có 24 vị trí bị phá hủy hoàn toàn, 104 vị trí bị hỏng nặng nề, 85 vị trí hư hại ở mức vừa phải và 77 vị trí khác thiệt hại không đáng kể. Trong số này có 6 di sản thế giới từng được UNESCO công nhận, gồm: thành phố cổ Aleppo (trong đó có khu chợ Al-Madina Souk), Bosra, Damascus; pháo đài Crac des Chevaliers; khu di tích Palmyra và làng cổ The Dead Cities ở miền bắc Syria. Hiệp hội Phát triển khoa học Mỹ (American Association for the Advancement of Science - AAAS) sử dụng phương pháp dùng vệ tinh chụp ảnh độ phân giải cao đã phát hiện nhiều di sản bị hư hại nghiêm trọng. Nặng nề nhất là Aleppo, nơi có đến 22 vị trí bị phá hủy. Một số công trình cổ tại đây gần như sụp đổ hoàn toàn: khách sạn Carlton, thư viện quốc gia, một trong những nhà thờ Hồi giáo cổ nhất thế giới Umayyad Mosque.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.