Nhạc sĩ Trần Tiến kể chuyện bịa bài hát ngay trên sân khấu

28/08/2016 11:02 GMT+7

“Tôi hát. Thành phố tôi rất trẻ. Bạn hãy nghe họ hát bằng trái tim rất trẻ. Tôi bịa ngay tại sân khấu như thế”, nhạc sĩ Trần Tiến nói về bài hát Thành phố trẻ trong Giai điệu tự hào "Đi qua vùng cỏ non".

Ngoài 70 tuổi, nhạc sĩ Trần Tiến mặc quần đỏ, áo đen trên sân khấu của Giai điệu tự hào "Đi qua vùng cỏ non". Nghĩa là rất bụi, là “Ngon đó” như thanh niên Sài Gòn nói về ông vào những ngày sau giải phóng vào lập nghiệp. Sài Gòn lúc đó lạ lắm. Âm nhạc mà ông được nghe ở Sài Gòn cũng lạ lắm. “Tôi được nghe nhiều loại nhạc. Nhạc Mỹ. Trước đó tôi chỉ nghe nhạc giao hưởng, nhạc Nga”, ông nhớ lại.
Nhưng chưa hết. Thành phố còn có những chàng trai cô gái đang nô nức đi xây dựng vùng kinh tế mới. Những nhóm ca khúc chính trị dần dần hình thành. “Tôi viết rất khỏe. Hầu như tháng nào cũng viết. Có tháng viết đến 3 bài, mà toàn bài nổi tiếng cả”, ông Tiến nói. Trong số đó có bài Thành phố trẻ. Bài hát đó, ngẫu hứng đến mức, ông đã “bịa” ngay trên sân khấu khi được mời giao lưu. “Tôi lên sân khấu. Rồi tôi hát, Thành phố tôi rất trẻ. Bạn hãy nghe họ hát bằng trái tim rất trẻ. Tôi bịa ngay tại sân khấu như thế. Hôm sau đó tôi về viết tiếp”, ông chia sẻ.
Giai điệu tự hào Đi qua vùng cỏ non là rất nhiều bài ca nói về niềm vui trong xây dựng như thế. Những bài hát của thế hệ thứ tư, cho thế hệ thứ tư, theo lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- thế hệ sau giải phóng đi xây dựng vùng kinh tế mới. Họ là những người ở lại trong khi bạn bè của mình có thể đã đi ra nước ngoài. Nói như nhà báo Phạm Thục, rất nhiều người lúc đó bàn chuyện vượt biên dù chẳng biết đi vượt biên như thế nào. Hay như nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Chúng tôi có một nhóm bạn thân 13 người thì chỉ mình tôi ở lại. Mấy chục năm sau liên lạc lại có người ở Mỹ, ở Pháp, ở Canada. Có người không bao giờ về”.
"Đi qua vùng cỏ non", vì thế, nhiều hơn là bài hát. Nó là tiếng nói của một lựa chọn. Trong đó, đã là lựa chọn sau nhiều phân vân. Bây giờ, lớp thanh niên đã chọn xong con đường và đi tiếp vui tươi dù vất vả trên con đường ấy. Âm hưởng chung của chương trình qua các bài hát tươi trẻ, được hát, được phối khí sao cho người trẻ bây giờ có thể hát được, chung đường được với thế hệ đã hát nó cách đây gần 40 năm. Thậm chí với Ơi cuộc sống mến thương, nó còn được “trẻ hết cỡ” với sự pha trộn của cả Reage, Tropical, Electro, Rap. Hai nghệ sĩ underground là Kimmese và Jgkid (Quách Văn Thơm) đã rất thoải mái với bài hát này.
Nhưng nó cũng có sự dịu dàng, sâu lắng của tự sự. Bản phối acoustic pha âm hưởng jazz Chiều trên quê hương tôi do Hồ Trung Dũng thể hiện là như vậy. Dũng neo được nỗi buồn vô cớ trong chiều, cái nhìn sững sờ sao quê hương đẹp thế trong tâm thế lạc quan. Sự cân bằng dần dần ấy cũng là điều khi viết bài hát, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có. Hoàng Quyên cũng chạm được tinh thần của Đi qua vùng cỏ non, cô hát khá đằm, dù trải nghiệm của bài hát không dễ dàng gì.
Hồ Trung Dũng đã hát thật hay Chiều trên quê hương tôi Ảnh BTC cung cấp
Đi qua vùng cỏ non là một thách thức trải nghiệm với Hoàng Quyên Ảnh BTC cung cấp
Thu Phương là đợi chờ chưa thỏa của Giai điệu tự hào tháng này. Bỏ show ở Mỹ về hát cho chương trình, lại chọn được bài mình từng hát thuở 15-17 tuổi, nhưng cô hát khá “gân guốc”, và hơi có hướng “bi hóa”. Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, lẽ ra, sau bao thăng trầm đã có thể nhẹ dịu hơn. Giá Thu Phương có thể hát nó tự nhiên như cô đang hít thở. 
Mặc dù vậy, điều đáng tiếc nhất của Giai điệu tự hào có lẽ là sự chưa đi đến tận cùng trong các câu chuyện hậu trường âm nhạc. Khi nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện kể về từ “vất vả” trong bài hát Ơi cuộc sống mến thương đã bị “soi” như thế nào, đáng lẽ ông nên được nói nhiều hơn nữa trong chương trình. Ở đó, người xem ắt sẽ muốn thấy rõ hơn một nhân sinh quan: âm nhạc phải kể những gì xao động tự tâm mình, kể thành thật.
Càng không thể quên Trần Tiến, người đã hăng hái đi trên con đường làm mới nhạc Việt bấy giờ ra sao. Ông hẳn cũng có những khó khăn phải vượt qua. Câu chuyện của người ở lại TP.HCM đâu chỉ là xây vùng kinh tế mới ngoài đời, đó còn là những “vùng kinh tế mới” khác trong âm nhạc. Điều đó cũng chẳng dễ dàng gì. Bù lại, câu chuyện về đời sống thành phố lúc đó của các khách mời như nhà báo Phạm Thục, nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Điệp lại giàu chi tiết.
Thu Phương có một sân khấu đẹp với bài Thành phố tình yêu và nỗi nhớ Ảnh BTC cung cấp
Nhật Thủy và Đinh Mạnh Ninh hát Tình ca mùa xuân, bản phối theo điệu Bossanova Ảnh BTC cung cấp
Dương Trần Nghĩa hát Em như tia nắng mặt trời Ảnh BTC cung cấp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.