Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Thu thuế dưới thời chúa Trịnh

17/05/2016 06:16 GMT+7

Các công dân thuộc phái nam ở Đàng Ngoài , trừ những người chúa đặc ân miễn thuế, kể từ mười chín tuổi cho đến sáu mươi, đều phải nộp thuế cho chúa.

Nhưng có sự khác biệt này: những người cư trú ở ba tỉnh vẫn trung thành với chúa và không theo nghịch thần (*), thì không phải nộp tiền, nhưng trong bốn tỉnh khác đã không quy thuận chúa, mỗi đầu người phải nộp gấp bốn, không kể những thuế phụ đảm khác kể như tiền phạt vì tội đồng lõa phản nghịch.


Đầu năm 1625, Alexandre de Rhodes cùng với bốn cha dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc Lộ. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất khỏi VN đến sáu lần, nhưng ông đều tìm cách trở lại VN.
Ông đến truyền giáo ở Đàng Trong vào năm 1625 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài vào năm 1626 dưới thời chúa Trịnh Tráng. Thời gian Alexandre de Rhodes giảng đạo tại VN cũng là thời kỳ các cha thừa sai dòng Tên hoạt động rất tích cực.

Ngoài thuế gọi như thuế thân mà nhân viên thu thuế thi hành mỗi nơi mỗi khác, lại không phân biệt người nghèo người giàu (thật là bất công), những người có của, những người chỉ sống bằng thủ công, còn một thứ thuế lợi tức đánh vào ruộng đất, đúng hơn một lễ vật thanh lịch và tự nguyện ở mỗi người, ba hay bốn kỳ một năm. Kỳ thứ nhất là vào cuối hay đầu năm kể như đồ lễ tết. Kỳ thứ hai khi chúa theo tục lệ mừng ngày khánh đản. Kỳ thứ ba là ngày Giỗ chúa thăng hà. Kỳ thứ bốn là vào thời hoa trái đầu mùa. Tuy nhiên, những phẩm vật đó không bó buộc phải nộp, cũng không ai dám tự miễn cho mình, còn về thuế thân thì phải trả. Toàn tỉnh hay làng xã đều làm chung với nhau và chọn người đại biểu có tín nhiệm nhất đem tiến nhà chúa, thay mặt cho toàn xã.
Mà đa số các tỉnh và xã trong nước, rất đông không sao lường được, tất cả trực tiếp nộp cho chúa hay cho người đứng ra thu cho ngài, thế nhưng có nhiều tỉnh hay xã chỉ nộp cho quan tỉnh, cho tướng lĩnh, cho binh sĩ hay cho người mà chúa xét là xứng đáng, chúa chỉ định một ít nơi có quyền thu loại thuế thông thường; hoặc để công nhận giá trị của họ và thưởng công họ; hoặc vì dòng họ, hoặc để tiêu dùng trong chức vụ mà chúa giao cho họ, hoặc vì nhiều phần thưởng nào khác: đã thành luật cho toàn quốc và lợi lộc chúa rộng lượng ban cho, nhưng không được truyền cho con cháu và người thừa kế, trừ khi rõ rệt là của chúa ban.
Khi người cha còn sống, thì chúa vẫn luôn có quyền thu hồi của chúa đã rộng lượng ban cho và tự ý không cho hưởng thụ, như thỉnh thoảng có xảy ra, tuy hầu như chúa chưa bao giờ xử như thế với ai, trừ khi để phạt tội người đó phạm. Thực ra về việc này, chúa chỉ ban phát hậu hĩ đối với dòng họ hay thông gia, chiểu theo lẽ phải và đối với những chức vụ bậc nhất trong quân ngũ. Thế nhưng cũng thấy có những tướng lĩnh rất thường cũng được hưởng một số địa điểm vì có công can trường và việc hiển hách trong ngành binh đao.
Thưởng cho quân sĩ và tướng lĩnh
Cũng như chúa ban một số thôn xã và địa điểm cho tướng lĩnh để trả công và những lao khổ họ chịu thì ngài cũng ban cho quân sĩ như thế thay vì trả lương hay để thưởng đức dũng cảm của họ. Chỉ khác là ngài ban cho một tướng lĩnh nhiều địa điểm, còn một địa điểm cho nhiều quân binh, do đó chỉ một tỉnh nhỏ thường cũng đủ để trả lương cho tất cả quân binh một thuyền chiến, những người này có quyền thu thuế thuộc về chúa như chúng tôi đã nói ở trên, ở nơi nào chúa đã chỉ định. Còn quân binh cấp dưới thì đã có tướng lĩnh của họ thay mặt chúa trả lương cho.
Do đó, để một phần chi tiêu vào việc này và để bảo dưỡng một số quân binh khác mà chúa ban tướng lĩnh cho nhiều tỉnh để thu thuế. Vì quân binh được lương bổng từ tay tướng lĩnh nên thường phải để thời giờ phục dịch ông. Khi không có chiến tranh hay không có thao luyện binh đao, họ phải làm việc và hầu hạ các ông, nếu họ muốn kiếm việc nữa thì hoặc là làm cho chúa trong những việc công như xây cất, hoặc là sơn sửa thuyền chiến, bắc cầu hay dựng lại cầu và những công việc tương tự, như vậy không bao giờ họ rảnh rỗi, không bao giờ thất nghiệp.
Tất cả các tướng lĩnh cư trú trong kinh thành phải mỗi sáng vào chầu chúa và dự các buổi triều yết mỗi ngày trong phủ để cho dân đến kêu cầu. Mỗi lần vào phủ chúa họ đem theo một số quân binh đi trước họ, theo hàng lối chỉnh tề, có vũ khí, mặc nhung phục.
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và Nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)
(*) Có thể là ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Bố Chính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.