Cổ vật kỳ sự: Bộ súng thần công xứng tầm bảo vật quốc gia

01/06/2016 07:35 GMT+7

Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang trưng bày bộ súng thần công đã nổ những phát súng đầu tiên vào đội quân thực dân Pháp khi mới đặt chân vào Đà Nẵng, tiến hành cuộc xâm lược VN năm 1858.

Vừa đặt chân vào Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú, Đà Nẵng), đập vào mắt chúng tôi là bộ súng thần công gồm 11 khẩu được đặt uy nghi trên bệ đỡ có bánh xe đang hướng nòng về phía sông Hàn.
Xây bảo tàng gặp thần công
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết những khẩu thần công này từng là nỗi sợ hãi của liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi tiến vào vịnh Đà Nẵng, hòng thực hiện chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh vào năm 1858. Thế nhưng, để được quần tụ bên tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương uy nghiêm như ngày nay, những cỗ súng đã mất cả 100 - 150 năm “ẩn mình” trong lòng đất. Chỉ đến khi, người dân vô tình phát hiện và đặc biệt, có một sự trùng hợp kỳ lạ là đúng dịp Đà Nẵng kỷ niệm tròn 150 năm Ngày kháng Pháp (năm 2008), khẩu súng cuối cùng (tính đến nay) đã lộ diện khi tu bổ thành Điện Hải (nay là nơi tọa lạc của bảo tàng).
Theo tài liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, ngày 12.4.2007, trong lúc thi công nâng cấp, tôn tạo di tích lịch sử thành Điện Hải, khẩu thần công có chiều dài 2,7 m, đường kính nòng ngoài rộng 23 cm và phần đáy rộng 42 cm đã phát lộ từ lòng đất sâu. Ngày 30.7.2008, khi đang san lấp mặt bằng để xây dựng bảo tàng, đơn vị cơ giới tiếp tục phát hiện ngay giữa lòng di tích khẩu thần công có chiều dài 1,4 m, đường kính nòng rộng 24 cm và đường kính đáy rộng 34 cm. Tương tự, 9 khẩu thần công khác cũng được tìm thấy trong quá trình tu bổ, khai quật thành Điện Hải và vùng phụ cận vào các năm 1975, 1991, 1993, 2005, 2007. Bộ sưu tập súng đều được làm bằng chất liệu gang với hình dáng còn nguyên vẹn.
Tác giả Phan Ngọc Mỹ (Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo tàng Đà Nẵng) đã viết trong bài Súng thần công ở thành Điện Hải: “Thống kê từ thời vua Gia Long đến Tự Đức có hơn 2.000 khẩu thần công và người ta mới chỉ tìm thấy được rất ít số khẩu thần công còn lại, trong đó có 11 khẩu thần công đang trưng bày tại bảo tàng này. Hai khẩu nhỏ nhất có chiều dài cùng 1,15 m, 2 khẩu lớn nhất có kích thước 3,02 m và 3,05 m, số còn lại dài từ 1,4 - 2,7 m. 10/11 khẩu thần công tìm thấy được giới chuyên môn khẳng định thuộc “biên chế” 30 khẩu của thành Điện Hải kể từ năm 1847 (năm Thiệu Trị thứ 7).
Vật chứng về buổi đầu chống pháp
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện khi nhắc đến 11 khẩu súng thần công đã cho rằng, bộ sưu tập có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với lịch sử Đà Nẵng lẫn cả nước khi gắn liền với những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Một cán bộ đang trực tiếp hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho bộ thần công cho biết xét về mối liên hệ với các sự kiện lịch sử, bộ sưu tập hoàn toàn xứng đáng để ngành chức năng T.Ư công nhận, tôn vinh thành bảo vật.
Nêu những lý do lựa chọn, Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng bộ súng thần công là những hiện vật gốc, nguyên bản. Dẫn các tài liệu liên quan, cơ quan này cho biết trước nguy cơ ngoại xâm phương Tây, nhà Nguyễn đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng hệ thống phòng thủ bằng cách tăng cường vũ khí và các bốt ven biển. Đặc biệt tại Đà Nẵng, vua nhà Nguyễn đã trang bị cho pháo đài Điện Hải 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Số lượng súng thần công trang bị cho thành Điện Hải được ghi trong Khâm định đại nam hội điển sự lệ (quyển 254) gồm: 4 khẩu đại luân xa thảo nghịch đại tướng quân, 22 súng gang Hồng y, 1 súng đồng Vũ công phá địch đại tướng quân... Do vậy, Bảo tàng Đà Nẵng khẳng định 11 khẩu thần công hiện đang trưng bày là những hiện vật nguyên gốc, là những cỗ thần công được triều Nguyễn đúc và cấp phát, bổ sung cho hệ thống phòng thủ tại Đà Nẵng từ năm 1823 - 1847.
Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng nhấn mạnh đây là loại vũ khí nhà Nguyễn đã dùng để tấn công quân Pháp - Tây Ban Nha vào những ngày đầu xâm lược Đà Nẵng.
Ngày 1.9.1858, quân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược ở VN. Mặc dù thành Điện Hải bị hỏa lực của địch vô hiệu hóa ngay từ những trận đánh đầu tiên do sự chênh lệch về trình độ kỹ thuật quân sự, vũ khí nhưng súng thần công và hệ thống phòng thủ đã gây cho địch không ít bất ngờ. “Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi nhìn thấy ở Trung Hoa”, trích nhật ký của một sĩ quan Pháp tham chiến trong trận đánh Đà Nẵng. Trong khi đó, một số tài liệu khác cho biết, vào ngày 18.11.1859, chiến hạm Némésis của Pháp khi giao tranh đã bị súng thần công quân An Nam bắn trúng khiến tên trung tá Duppré Déroulède bị đạn thần công cắt làm đôi.
Trong những năm 1858 - 1860 dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh chiếm Đà Nẵng, thành Điện Hải đã cản phá nhiều cuộc tấn công. Theo ông Quốc Thiện, thành Điện Hải, súng thần công là những vật chứng sống động về buổi đầu chống Pháp của quân dân Đà Nẵng vẫn còn lại cho đến ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.