Văn hóa đi bar

25/01/2010 09:53 GMT+7

(TNTT>) Bản chất của đi bar là để giải trí, để người đi bar thấy vui. Đôi khi, có người đi bar chỉ cốt để cả mấy hôm sau khoe là hôm qua vừa ngồi ở bar này bar kia. Đôi khi, có người ngồi ở bar một mình buồn giữa cuộc vui.

Bar là một chỗ tụ tập đông người, là một phần của cuộc sống thành phố về đêm và đi bar là phải đi buổi tối. Đồng thời, đi bar thường là phải đi đông người hay ít ra là đi hai người, hiếm có ai đi bar một mình - đi bar một mình cũng như đi biển một mình.

Có hàng triệu triệu định nghĩa về đi bar. Đi bar là đi uống rượu mà không có ăn mặn. Đi bar là đi uống cocktail, uống bia giá cao ở một nơi ồn ào. Đi bar là đi để xả stress, để thư giãn, để tìm cảm giác lạ. Đi bar là đi để đắm mình trong không khí sôi động. Đi bar là đi để thể hiện mình và để ngắm trai thanh gái lịch, trai sành gái điệu, ngắm anh đi qua ngắm chị đi lại. Đi bar là để thay đổi không khí, để tái tạo cảm giác sau những căng thẳng, buồn tẻ. Đôi khi người ta đi bar vì không có việc gì làm.

Bar có thể chia thành nhiều loại: bar cao cấp và bar bình dân; bar nhạc nhẹ và bar nhạc nặng; bar có nhảy và bar không có nhảy. Không gian của bar có thể muôn hình muôn vẻ - “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ”. Đi bar không nhất thiết phải nhảy, có thể đi bar chỉ để nghe nhạc nhưng đi bar chắc chắn phải uống.

Người đi bar thường là người trẻ, người hiện đại và người có tiền. Người già vào bar nhiều khi nhạc đánh tức ngực không chịu nổi. Người hơi bảo thủ một tý vào bar nhiều khi thấy nhiều điều không hạp nhãn, thấy như bị tra tấn. Người không có tiền vào bar thấy như bị lên máy chém.

Người đi bar không chắc đã xấu cũng như người không đi bar không chắc đã tốt. Người làm ra tiền cũng có quyền hưởng thụ, đi bar là cách giải trí tùy theo suy nghĩ, lựa chọn, sở thích của mỗi người. Thú vui đi bar có lẽ xuất phát từ thời tiền sử, khi người ta ăn mặc hở hang, tụ tập tập nhảy múa quanh đống lửa trong hang đá và uống nước hoa quả lên men.

Có người đi bar thành nghiện, một tuần không lên bar là người bổi hổi bồi hồi như đứng đống lửa như ngồi đống rơm. Có người đi bar cho biết với người ta, đi một lần rồi không bao giờ đi nữa.

Mỗi người đi bar với một cách thức khác nhau, một hoàn cảnh khác nhau. Với một số thanh niên, đi bar là một cách để “lấy số”- để chứng tỏ mình là sành điệu, là để lấy “thành tích” trong mắt người đẹp và giới ăn chơi. Nhiều người cứ nghĩ đi bar là để chứng tỏ sự sành sỏi và tự tin, là phong cách, là thể hiện bản lĩnh đàn ông và đàn bà. Có người thấy bar như một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, là một chốn để người ta có thể nhảy nhót hú hét và quên hết mọi thứ. Có người đi bar chỉ là để tiếp khách, bần cùng bất đắc dĩ mới phải đi chứ đi bar cũng chẳng bổ béo gì.

Người viết bài này có lần nhận được câu hỏi của một cậu em choai choai là đi bar mặc gì, cậu này khoe là: “Em có một đôi giày Ý, một chiếc quần thể thao xịn, hàng xách tay và một chiếc áo lụa vàng mới được tặng hôm sinh nhật”. Người viết bài này bảo: “Thế thì em mặc tất cả những đồ hàng hiệu của em vào, đeo thêm một cái kính râm nữa là đầy đủ lệ bộ. Điều quan trọng nữa là phải ăn cái kẹo gì, dùng thuốc đánh răng gì đó quảng cáo trên ti-vi vì như quảng cáo nói, dùng mấy thứ đó các em gái sẽ lăn như bi, bẹp như gián”. Chuyện mặc gì khi đi bar là một bài hát riêng, đi bar mà cứ “cổ cồn, cravat, mũ cát, đèn pin” người ta lại tưởng là phục vụ trong quán bar. Hình như đi bar là phải ăn mặc phủi phủi, bụi bụi một tí.

Ở bar, người ta thường uống say - uống say vì bị ép buộc, bị chuốc cho say hoặc uống say vì tự nguyện, vì muốn uống say. Ở bar có thể có lời chúc rượu dài dòng như sau: “Khi uống, chúng ta sẽ say. Khi say, chúng ta sẽ ngủ. Khi ngủ, chúng ta sẽ không làm điều xấu. Khi không làm điều xấu, chúng ta sẽ lên thiên đường. Vậy thì hãy uống để lên thiên đường”.

* Tôi không hay đi bar, chỉ khi nào bạn bè sinh nhật rủ mới đi. Trước

 
kia, tôi cũng đã hát ở các quán bar. Khán giả thường không nhiệt tình, không chú ý đến ca sĩ. Những người đến quán bar có nhiều thành phần, mục đích thư giãn khác nhau. Có người đến ngồi nghe nhạc, uống bia hay nhảy để xả stress. Điều đó rất văn minh. Nhiều người nghĩ đến quán bar là nghĩ đến tệ nạn, nhưng đâu hoàn toàn như vậy. Không thể vơ đũa cả nắm. Có người nọ người kia, tệ nạn như thế nào là do bản thân mình là chính, điều đó phụ thuộc vào lối sống và tính cách của mình._Ca sĩ Maya

* Trước đây, tôi rất hay đi bar với bạn bè vào cuối tuần, những ngày nghỉ để xả stress, hoặc những lần đi ra nước ngoài tôi cũng hay đi bar. Đi bar ở nước ngoài thoải mái hơn ở trong nước, vì tôi làm trong ngành giải trí, khi đi bar, nhiều người xung quanh nhận ra sẽ hay để ý. Mình có vui vẻ, quậy quậy một chút, hôm sau người ta lại nói cô này hư lắm. Hơn nữa, có một thực tế ở Việt Nam, nhiều người đi bar là để “soi” nhau, khoe hàng hiệu, khoe đồ, khoe ai nhiều tiền hơn, khoe ai mua nhiều rượu hơn. Còn ở nước ngoài, đi bar là giải trí. Khách hàng không nhất thiết phải mua cả chai rượu, họ có thể gọi từng ly bia, họ có thể mặc quần áo mình thích mà không nhất thiết phải là đồ hiệu, nếu thích loại nhạc nào, họ có thể đến bar chơi loại nhạc đấy chứ không phải đến các bar nổi tiếng để khoe mình giàu._Người mẫu Thúy Hạnh

* Đi bar chúng ta có thể trò chuyện, nghe nhạc hay nhảy. Tôi thấy đi bar
 
là một cách sinh hoạt bình thường ở nhiều nước. Tôi ít khi đến bar để giải trí mà đi để tìm hiểu thực tế. Tôi đi để biết cách sinh hoạt trong quán bar thế nào, họ tiếp đón ra làm sao, để làm phim cho sát thực tế. Nhiều người Việt Nam vẫn hiểu lệch lạc rằng vào đó không tốt. Bởi vậy, khi thấy tôi vào quán bar, nhiều người ngạc nhiên lắm vì cho rằng người trẻ mới thích đi bar. Còn đây lại là một ông già đi với 1-2 ông cũng già nốt. Cách phục vụ của nhiều quán bar cũng không tốt. Mình uống không nhiều, sự tiếp đón, chăm sóc của nhân viên cũng không được nhiệt tình lắm. _Đạo diễn Vũ Hồng Sơn

* Quán thì có rất nhiều loại như low, bar, club, pub. Ở nước ngoài, bar là nơi người ta thường lui tới để uống những cốc bia, những ly rượu nhỏ sau mỗi ngày làm việc. Đó là không gian rất lành mạnh. Khi còn ở nước ngoài, đi làm hay đi học về tôi và bạn bè thường hay rủ nhau “đi bar đi mày ơi”. Những bar tôi đã đi ở nước ngoài có bán rượu nhưng giới hạn độ, có nhạc nhưng không có sàn nhảy, còn club là loại hình thoải mái nhất. Người ta đến đây có thể nhảy và dùng rượu mạnh. Theo tôi, ở Việt Nam, loại hình quán chưa phân định rõ ràng._MC Anh Tuấn

Minh Ngọc (ghi)

Hồng n

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.