Vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trong tương lai gần

Lê Quân
Lê Quân
12/07/2023 20:03 GMT+7

Trong tương lai, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện được cung cấp, nhu cầu trao đổi mua bán sẽ rất nên việc thành lập sàn giao dịch carbon nhà điều tất yếu.

Các doanh nghiệp sẽ tham gia giảm phát thải nhà kính

Ngày 12.7, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo tham vấn Xây dựng và vận hành giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện tại Việt Nam. Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết Việt Nam đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon trong nước, tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp và trao đổi trong thị trường carbon trong nước, định hướng kết nối với thị trường quốc tế.

Xây dựng đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ Các-bon trong tương lai gần - Ảnh 1.

Ông Tăng Thế Cường bày tỏ cần thiết có sàn giao dịch tín chỉ carbon

CTV

Theo ông Cường, cả nước có hơn 1.900 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Tới đây, Bộ TN-MT sẽ tham mưu để Thủ tướng phê duyệt hạn ngạch của Việt Nam, phân bổ cho các cơ sở sở giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ tham gia giảm phát thải khí nhà kính.

Nhiều quốc gia cũng đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Các dự án có tiềm năng tạo tín chỉ carbon để thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và cũng là nguồn tín chỉ để giao dịch, trao đổi.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho biết, theo quy định tại Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cứ 2 năm một lần, Bộ TN-MT sẽ phải báo cáo minh bạch cho Liên Hiệp Quốc, nêu rõ lượng tín chỉ tạo ra tại Việt Nam và lượng tín chỉ caron bán ra nước ngoài để thực hiện bù trừ giữa 2 quốc gia.

Hiện, Bộ TN-MT đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu, ban hành các cơ chế quản lý toàn bộ tín chỉ carbon. Sắp tới, Bộ TN-MT sẽ thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để các doanh nghiệp, tổ chức có lượng tín chỉ tạo ra trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam phải đăng ký. Khi có trao đổi tín chỉ ra nước ngoài thì cần báo cho Bộ TN-MT.

Doanh nghiệp trong nước phải dịch chuyển xanh

Bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng ban tư vấn cho Bộ TN-MT xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện, cho biết có 4 cơ chế tín chỉ là: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế carbon được thẩm định (GCS). Tổng lượng tín chỉ phát hành tín chỉ này ở Việt Nam đến tháng 12.2022 là hơn 40 triệu tín chỉ. Ngoài ra, có khoảng 50 dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế của Hội đồng carbon toàn cầu (GCC) đã được đệ trình.

Xây dựng đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ Các-bon trong tương lai gần - Ảnh 2.

Đông đảo đại biểu, chuyên gia góp ý cho sàn giao dịch tín chỉ carbon mà Bộ TN-MT đang xây dựng

CTV

Trong đó, CDM và JCM là các cơ chế có sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Với các cơ chế còn lại, đơn vị sở hữu tín chỉ có trách nhiệm báo cáo về cơ quan có thẩm quyền quản lý để tổng hợp. Khi Việt Nam thiết lập và vận hành thị trường carbon trong nước, việc thiết lập sàn giao dịch sẽ giúp các giao dịch liên quan đến tín chỉ carbon được tập trung, minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý nghiên cứu đánh giá tiềm năng và nhu cầu thị trường, xác định mục tiêu, thiết kế, cách thức quản lý và vận hành phù hợp.

Theo bà Loan, xu hướng thực hiện mục tiêu Net Zero, nhu cầu tín chỉ carbon tự nguyện trên thế giới đang tăng lên trong thời gian gần đây, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam hầu hết được thực hiện thông qua hợp đồng mua trước, nghĩa là bên có nhu cầu sẽ đặt hàng. Hiện nay, không có tín chỉ được ban hành sẵn để giao dịch trên sàn.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered, cho hay việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng để huy động vốn FDI thì doanh nghiệp trong nước, chuỗi cung ứng phải dịch chuyển xanh, bền vững.

Theo bà Hạnh, ở góc độ ngân hàng sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ phát triển bền vững. Đồng thời, tư vấn miễn phí cho tất cả doanh nghiệp khi họ có đầu tư mới hoặc hoạch định kế hoạch kinh doanh hướng tới giảm phát thải để đồng hành cùng chính phủ đến 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.