Vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu

An Nguyên
(từ Budapest)
21/01/2024 05:10 GMT+7

Chiều 19.1, theo giờ địa phương, diễn thuyết tại Trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary, trong sự kiện lớn cuối cùng trước khi rời Hungary để thăm chính thức Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành gần 1 tiếng đồng hồ để nói về lòng tin chính trị và tinh thần đoàn kết chặt chẽ tạo nên sức mạnh Việt Nam.

Nhắc lại trong một buổi tọa đàm ở Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 54 (Thụy Sĩ) vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã nhận được một câu hỏi khá bất ngờ nhưng rất hay, đó là vì sao trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược như hiện nay, cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều đến thăm Việt Nam trong một khoảng thời gian rất ngắn?

"Chúng tôi cũng chẳng biết nói thế nào, chỉ nói cách mình làm thôi. Đó là cái gì thuộc về lịch sử mãi là lịch sử, không ai có thể xuyên tạc, bóp méo và làm phai mờ. Ví dụ các cuộc chiến tranh chúng tôi phải đương đầu, đó là một phần lịch sử chúng tôi không bao giờ quên, nhưng phải gác lại, khai thác điểm tương đồng và hướng đến tương lai, tôn trọng sự khác biệt", Thủ tướng nói và nhấn mạnh đó là con đường Việt Nam phải đi.

Với mối quan hệ Việt Nam - Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến dấu mốc năm 2008, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Hungary và là người đặt nền móng cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam và Hungary.

Vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác giữa một số trường của Việt Nam và Trường Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary

TTXVN

Thủ tướng cũng nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần từng nói, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay. "Đó là niềm tự hào, nhưng chúng tôi còn rất nhiều khó khăn, và cái khó nhất là xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế có hạn, độ mở nền kinh tế lớn và sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn có hạn", Thủ tướng chia sẻ và cho rằng cạnh tranh chiến lược còn khó khăn nên phải tìm cách đi cho phù hợp.

Chia sẻ về tình hình thế giới, Thủ tướng khái quát về tổng thể, thế giới là hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể hòa hoãn, nhưng cục bộ căng thẳng; tổng thể ổn định nhưng cục bộ có xung đột. Ngoài ra, thế giới đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, kể cả Trung Quốc cũng đang đối mặt tình trạng này.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh… là những vấn đề lớn thế giới đang đối mặt, mang tính toàn cầu. "Không một quốc gia nào bình yên nếu các quốc gia khác đang có vấn đề", Thủ tướng dẫn chứng cuộc chiến ở Ukraine, Dải Gaza và biển Đỏ đều ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Với những vấn đề mang tính toàn cầu và toàn dân, Thủ tướng nhấn mạnh phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng đến người dân. Ông cũng nhắn nhủ tinh thần không bi quan khi tình hình xấu đi, không quá lạc quan khi có điều kiện thuận lợi.

"Thế giới luôn có thách thức đan xen thuận lợi, nhưng cần xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi để chuẩn bị dư địa đối phó, không bị bất ngờ, bị động", Thủ tướng nói.

Thông tin thêm về tình hình Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh đất nước luôn xác định không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 500 tỉ USD đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư hơn 300 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.