Vẫn chuyện thực thi!

Vũ Hân
Vũ Hân
01/08/2018 05:14 GMT+7

Rạng sáng 30.7, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra tại Quảng Nam khiến 13 người chết, biến ngày đại hỉ thành ngày đại tang; nguyên nhân do tài xế ngủ gật...

Ngày 2.10.2017, tại đoạn qua ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, H.Dương Minh Châu, (Tây Ninh) đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 6 người chết và 8 người bị thương nặng; nguyên nhân cũng do tài xế ngủ gật.
Ngày 7.5.2017, cũng một tai nạn thảm khốc khác đã xảy ra tại H.Chư Sê, Gia Lai, làm 13 người chết, 33 người bị thương; do tài xế lấn làn, chạy quá tốc độ...
Không thể thống kê hết những vụ tai nạn với những tích tắc phải trả giá nhiều mạng người xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đã lường trước, chứ không phải điều gì bất khả kháng.
Cơ quan chức năng xác định xe gây ra tai nạn tại Quảng Nam hoạt động không có giấy phép, không có thiết bị giám sát hành trình; bản thân lái xe vừa kết thúc một “tua” đường dài Huế - Đà Nẵng đã tiếp tục hành trình xuyên đêm từ Quảng Trị đến Bình Định, trong khi quy định không được chạy liên tục quá 4 giờ và tổng cộng quá 10 giờ một ngày.
“Người ta đã trốn, giống như kẻ trộm, không thể yêu cầu bao giờ đi ăn trộm thì báo cơ quan công an được”, một vị đại diện “cơ quan chức năng” trao đổi với người viết, và cho rằng “chỉ có tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm” mới ngăn chặn được các phương tiện này, “không có cách nào khác cả”.
Và cũng với lý do tuần tra, kiểm soát thế nào cũng không thể xử lý được hết, vị này cho rằng giải pháp là “nâng cao nhận thức cho cả người dân và doanh nghiệp”.
Thế là lỗi đều do người dân, doanh nghiệp cả; còn cơ quan quản lý nhà nước là vô can? Nói đến đây, vị “cơ quan chức năng” thừa nhận rằng, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước thì “vấn đề lớn nhất là hiệu lực của công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn chưa tốt”.
Chiếc xe gây tai nạn ở Quảng Nam đã được chủ xe mua lại từ tháng 10.2016 để hoạt động, không có lý gì mà cơ quan chức năng địa phương không biết. Dù vậy, không có cảnh báo nào được đưa ra, cho đến khi tai nạn.
Còn những trường hợp khác, xe đầy đủ giấy tờ, thủ tục hẳn hoi, có gắn thiết bị giám sát hành trình, truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ, về doanh nghiệp và đôi khi cả Sở GTVT, nhưng vi phạm trên đường cũng không có ai cảnh báo, để đến lúc tai nạn, thiết bị giám sát hành trình chỉ dùng để... xác định nguyên nhân.
Một vị “cơ quan chức năng” lại lý giải, thiết bị giám sát hành trình “là để quản lý vận tải”, để hằng tháng Tổng cục Đường bộ sẽ tổng hợp vi phạm, gửi về cho sở GTVT các địa phương căn cứ vào đó... xử phạt doanh nghiệp.
Tóm lại, giám sát hành trình cũng chỉ là để xử lý khi sự đã rồi.
Trong khi hai chủ thể là lái xe và chủ doanh nghiệp thường có tâm lý “quy định đặt ra là để tránh”, chứ không coi đó như một vành đai an toàn cho mình; thì việc cơ quan chức năng thực thi quy định không nghiêm minh, kiểu “được chăng hay chớ”, thậm chí còn tiêu cực tràn lan, càng khiến cho bức tranh giao thông VN ít gam màu sáng.
Xoay đi xoay lại vẫn là chuyện thực thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.