Vạn chài đổi vận

23/04/2020 06:00 GMT+7

Sau gần 10 năm lênh đênh theo sông nước, con cái, người thân của nhiều người ở tận miền Tây được đón lên, tạo nên một vùng dân cư trù phú. Dân ở đây thường gọi là làng miền Tây như một chỉ dẫn địa lý về dân vạn chài.

Gần 100 nhân khẩu của dân vạn chài miền Tây lên hồ thủy điện Sê San 4, H.Ia H’Drai (Kon Tum) lập nghiệp từ chỗ vô gia cư nay đã định cư ổn định. Từ lênh đênh sông nước trong cuộc mưu sinh đầy bất trắc, hiểm nguy, cuộc sống của họ dần đổi vận.

Một nửa... bình minh

Cư dân vạn chài chủ yếu là dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang. Nhiều năm trước, họ chọn những sông hồ các tỉnh như Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Nai, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Cuộc sống ngụ cư rày đây mai đó, lênh đênh theo con nước. Hành trang là những con thuyền mong manh, ít ngư lưới cụ, quần áo, nồi niêu. Cứ vậy mà đi theo những luồng cá. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền. Chuyện con trẻ theo chúng bạn đến trường có lẽ là ước mơ xa xỉ đối với con em vạn chài.
Ông Nguyễn Văn Tuột, quê Đồng Tháp, năm nay 52 tuổi, rưng rưng: “Tôi làm nghề đánh cá từ lúc còn nhỏ. Hơn 9 năm trước, tôi theo anh em làm cá lên hồ thủy điện Sê San 4 này sau nhiều năm làm nghề ở các tỉnh Đông Nam bộ. Vợ chồng làm mãi cũng chả dư dả bao nhiêu. Qua bữa, yên ổn là vui rồi. Nghề sông nước mà! Lộc trời cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu thôi. Ngày may, vớ được mẻ lưới nhiều cá. Gặp ngày gió to sóng lớn chỉ có nước tấp thuyền vào bờ trú. Nhìn ra ngoài mưa trắng trời giữa con nước mênh mông buồn lắm! Dân sông nước như mình bấp bênh, luôn ví chỉ được hưởng một nửa... bình minh thôi là vậy”.

Ngoài đánh bắt cá, người dân còn nuôi cá lồng và làm dịch vụ du lịch

Ở đây, không hiếm những vụ lật thuyền trong ngày mưa to gió lớn. Lúc ấy, cả gia đình lóp ngóp trên hồ. Đồ ăn thức uống dự trữ mất hết. Mọi người xúm nhau lại cưu mang. Cũng có khi nước lớn, thuyền va phải cây rừng nằm dưới lòng hồ bị lật. Những đứa con của dân vạn chài chập chững theo chân ba mẹ trên những con thuyền tròng trành sóng nước. Có người nói vui rằng, chúng biết bơi trước lúc biết đi.
May mắn là nguồn cá trong lòng hồ sâu và rộng hàng trăm héc ta rất phong phú. Các loại cá như lóc, chạch, bống, dầm xanh, lăng... đều hiện diện trong hồ. Ngư dân ở đây từng bắt được nhiều con cá lăng nặng 30 - 40 kg. Thỉnh thoảng, họ còn bắt được những con cua đinh lớn. Nguồn tôm tép trong hồ cũng phong phú. Ngư dân đánh bắt được mỗi ngày vài chục ký cá là bình thường. Nhưng địa bàn khó khăn, thiếu phương tiện đi lại, xa trung tâm nên sản phẩm đánh bắt được bán với giá chỉ bằng khoảng 1/3 - 1/4 so với cùng sản phẩm bán ở chợ. Do vậy, thu nhập cũng chẳng là bao, chỉ đắp đổi qua ngày. May mắn thì có dư chút ít phòng thân.

Cư dân mới nơi biên viễn

Dòng sông Sê San như tấm lụa mỏng vắt ngang miền tây của vùng bắc Tây nguyên, chảy qua những vùng dân cư trù phú, len dưới những quần sơn trước khi đổ về địa phận Campuchia. Cư dân bản địa ở khu vực này từ bao đời nay đã có nghề đánh cá. Song, để đánh cá thiện nghệ thì phải kể đến những ngư dân miền Tây trên lòng hồ Sê San.
Gần 100 con người tha phương từ miền Tây lên cao nguyên cuối cùng cũng gặp duyên lành khi lãnh đạo tỉnh Kon Tum có những quyết sách mở ra cơ hội định cư cho dân vạn chài. Cơ duyên ấy bắt nguồn từ năm 2015, một phần địa phận của H.Sa Thầy (Kon Tum) được tách ra để thành lập huyện mới Ia H’Drai, có đường biên giới giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Câu chuyện an cư của những cư dân vạn chài từ đây cũng định hình với câu chuyện có hậu. Cùng với những cư dân bản địa, họ trở thành những người dân của huyện mới.
Sau nhiều cuộc họp bàn, tính toán, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã chấp nhận cho 29 hộ vạn chài định cư tại xã Ia Tơi, H.Ia H’Drai. Mỗi hộ được cấp 400 m2 đất để xây dựng chỗ ở, được nhập khẩu. Điện, đường được đầu tư. Và đặc biệt, năm 2018, 29 căn nhà Đại đoàn kết với trị giá mỗi căn 50 triệu đồng được dựng lên sát hồ thủy điện Sê San 4 cho người dân. Đối với những cư dân vạn chài, cái Tết Nguyên đán năm ấy ngập tràn niềm vui. Chị Nguyễn Thị Vân, quê An Giang, khi kể lại vẫn chưa hết mừng vui: “Tui 54 tuổi rồi, sống hơn nửa đời người rồi mới có chỗ an cư. Ngày trước cứ ở miết trên thuyền, rồi vợ chồng đánh cá đắp đổi qua ngày. Được nhà nước chiếu cố mới có hôm nay. Ai cũng có nhà mới, yên tâm quá trời!”.
Những cuộc đoàn viên, trùng phùng bắt đầu từ đây khi dân vạn chài an cư lạc nghiệp sau gần 10 năm lênh đênh theo sông nước. Con cái, người thân của nhiều người ở tận miền Tây được đón lên, tạo nên một vùng dân cư trù phú. Dân ở đây thường gọi là làng miền Tây như một chỉ dẫn địa lý về dân vạn chài.
Van chài đổi vận

Người dân phơi cá cơm sông, đặc sản của làng chài

Đổi thay làng ngư phủ

Trời tảng sáng, chị Nguyễn Thị Quýt, quê An Giang, đã dong vỏ lãi ra khu vực lồng bè của những người trong làng ngư phủ để đón mua tôm cá họ đi làm cả đêm mới về. Mớ tôm bạc tươi rói, từng con cá bống, cá mè dinh, cá chốt còn sống búng nhảy trong lưới được đưa lên thuyền. Người miền Tây bản tính thật thà, cần thì cân lại, không thì chỉ cần nói: Mớ đó cân rồi, được bao nhiêu ký. Vậy là xong! Việc mua bán diễn ra mau lẹ. Số sản vật sông nước này được chị Quýt gửi theo ô tô khách tỏa đi các chợ lớn ở TP.Kon Tum hay xuôi về TP.Pleiku và các chợ lớn trên địa bàn bắc Tây nguyên.
Từ 50 triệu đồng nhà nước hỗ trợ xây nhà, gia đình chị Quýt thêm tiền xây nên một căn nhà khang trang nhất làng. Chị trở thành đại lý mua bán cá lớn nhất, bao tiêu sản phẩm cho ngư dân. Nhiều gia đình khác ở làng ngoài nghề ngư phủ, họ còn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Hiện có hơn 20 chục lồng cá các loại như mè, trắm, điêu hồng, cá chình đang được người dân nuôi. Niềm vui đó nhân lên gấp bội khi một số chương trình như tặng cá giống, giúp bà con vạn chài kỹ thuật nuôi cá lồng trên hồ. Theo lời của những cán bộ H.Ia H’Drai, cuộc sống của dân vạn chài ở xã Ia Tơi là ổn định nhất, khấm khá nhất so với người dân ở hai xã còn lại của huyện này.
Với anh Nguyễn Thành Nhân, quê An Giang, năm nay mới 39 tuổi, thì thời gian gắn bó với làng chài hồ thủy điện Sê San ngót nghét 9 năm. Ngoài nghề đánh cá, anh còn nuôi 6 lồng bè, cho ra sản phẩm hàng chục tấn cá thương phẩm mỗi năm. “Cứ mỗi lồng cá, sau khi trừ chi phí còn dư được 30 - 40 triệu đồng/vụ nuôi 10 tháng. Hai đứa con của em, đứa lớn học lớp 11, nhỏ học lớp 9 được em đưa lên đây học từ 3 năm nay. Vừa học chữ vừa có tuổi thơ cùng bạn bè, không thể như em, từ lúc 12 tuổi đã theo ba mẹ trên sông nước”, anh Nhân nói.
Hai năm trở lại đây, làng chài mở thêm dịch vụ du lịch. Chỉ cần khoảng 5 - 7 phút ngồi vỏ lãi là khách sẽ được đưa ra khu vực nuôi cá lồng của người dân. Ngoài thỏa sở thích ngắm sông nước, du khách còn được thưởng thức các loại cá tươi do ngư dân mới đánh bắt, trong đó có cá chốt, một đặc sản của dòng sông này. Muốn quà đem về, ở đây cũng sẵn sàng. Đó là cá cơm nước ngọt, mắm cá cơm, bánh tráng cá cơm hay mua luôn cá tươi mang về. Đã có hàng ngàn lượt khách ở nhiều tỉnh, thành trong nước đến tham quan làng chài.
Ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, vui mừng: “Cuộc sống của người dân làng chài miền Tây hiện rất ổn định. Ở đây không còn hộ nghèo. Nhiều gia đình mới vài năm nay, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước đã có cuộc sống khấm khá”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.