Văn bản ngành thuế đang gây ách tắc xuất khẩu gỗ nguồn gốc từ rừng trồng

10/12/2022 10:36 GMT+7

Bộ NN-PTNT đã gửi kiến nghị Bộ Tài chính sớm tháo gỡ các quy định trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khi các văn bản của Tổng cục Thuế dẫn đến ách tắc hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ có nguồn gốc rừng trồng.

Tắc hàng nghìn tỉ đồng, doanh nghiệp lo phá sản

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang rất khó khăn khi không được hoàn thuế VAT. Theo ước tính, tiền thuế chưa được hoàn khoảng trên dưới 1.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp nhiều nhất khoảng 200 tỉ đồng, phổ biến từ 40 - 50 tỉ đồng.

Tàu chở dăm gỗ ùn tắc tại cảng Cái Lân khi doanh nghiệp xuất khẩu cạn vốn, phải thu mua nhỏ giọt, cầm chừng

Phan Hậu

Theo bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty 12-11 Hạ Long (Quảng Ninh), doanh nghiệp này còn 50 tỉ đồng chưa được hoàn thuế, đây là khoản vốn rất lớn. Hiện tại, doanh nghiệp phải cắt giảm 50% lao động, số còn lại đi làm theo ca.

“Nếu không được hoàn số thuế kịp thời, chúng tôi chỉ cầm cự đến quý 1/2023 rồi phải đóng cửa khi không còn vốn để mua gỗ nguyên liệu”, bà Vinh nói.

Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, ông Thang Văn Thông, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hào Hưng, cho biết mỗi tháng cảng Cái Lân (Quảng Ninh) xuất khẩu khoảng 15 tàu hàng. Mỗi tàu trị giá 100 tỉ đồng thì được hoàn thuế 8 tỉ đồng. Nhưng từ tháng 6 đến nay, các doanh nghiệp không được hoàn thuế và tổng tiền thuế bị ách tắc lên tới vài trăm tỉ đồng, đây là một khoản vốn rất lớn của doanh nghiệp.

Ông Thông khẳng định, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nguyên liệu mua vào đều có hợp đồng, chứng từ rõ ràng; nhập vào kho phải cân đong, đo đếm và có cán bộ hải quan làm thủ tục.

“Doanh nghiệp chúng tôi làm thật, mua thật nhưng đang chịu thiệt thòi vì không được hoàn thuế VAT. Khi ngành thuế đang áp biện pháp quản lý cục bộ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh tới F0 - tức người sở hữu rừng cuối cùng, việc này chúng tôi không thể làm được, đây là việc của cơ quan thuế”, ông Thông nói.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Sỹ Hoài khẳng định, Tổng cục Thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, trong đó yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm trên địa bàn hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản là việc rất khó hiện với các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nhiều nguồn rừng trồng. Trong khi Thông tư 27.2018 về truy xuất nguồn gốc nông lâm sản của Bộ NN-PTNT không bắt buộc chặt chẽ đến thế.

Quy định của cơ quan thuế “chưa phù hợp”

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mới đây đã ký Công văn số 8187/Bộ NN-TCLN gửi Bộ Tài chính kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Động thái này cho thấy, Bộ NN-PTNT đã lắng nghe và đứng về phía doanh nghiệp ngành gỗ.

Theo Bộ NN-PTNT, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung quan trọng, đáp ứng khoảng 75% nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng những năm qua.

Năm 2021, giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 16,3 tỉ USD (tăng 19,8% so với năm 2020) góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng theo phản ánh của VIFOREST, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh nguồn gốc để hoàn thuế VAT đối với mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước. Việc xác minh này thực hiện theo quy định của Tổng cục Thuế tại các Văn bản: số 429/TCT-TTKT ngày 22.2.2021; số 2124/TCT-TTKT ngày 22.5.2020; số 2928/TCT-TTKT ngày 22.7.2020, số 4569/TCT-TTKT ngày 27.10.2020, từ đó dẫn đến ách tắc trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước.

Dăm gỗ xuất khẩu tồn đọng tại cảng Cái Lân

Phan Hậu

Sau khi nghiên cứu các quy định hiện nay, Bộ NN-PTNT cho rằng, theo quy định tại các điều 15, 16 và 20 Thông tư số 27/2018/TT- BNNPTNT ngày 16.11.2018 của Bộ NNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp. Người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, Bộ NN-PTNT khẳng định, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp.

Bộ NN-PTNT cho rằng, tại Văn bản số 2124/CT-TTKT ngày 22.5.2020, Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, trong đó chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT.

Theo đó, Bộ NN-PTNT khuyến nghị cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín.

Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT trích dẫn quy định tại khoản 2 điều 73, điều 75 luật Quản lý thuế năm 2019, hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế là hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.

Nhưng hiện nay, việc cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thuế VAT để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài và tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.