Vạch trần ‘vai trò trung tâm’ của chuyên gia y tế trong tội ác Đức Quốc xã

Khánh An
Khánh An
09/11/2023 10:54 GMT+7

Một dự án xem xét lại lịch sử y học vạch trần vai trò trung tâm của các bác sĩ và chuyên gia y tế trong tội ác man rợ của Đức Quốc xã.

Vạch trần ‘vai trò trung tâm’ của chuyên gia y tế trong tội ác Đức quốc xã - Ảnh 1.

Các bác sĩ Đức quốc xã từng tiến hành nhiều thử nghiệm ghê rợn đối với các tù nhân ở trại tập trung

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH MEDIUM

Một báo cáo mới đây đăng trên chuyên trang The Lancet cho rằng các chuyên gia y tế đóng vai trò trung tâm trong tội ác của Đức Quốc xã, trái với "quan niệm sai lầm lâu nay" về mức độ liên quan của họ.

Theo đó, sự diệt chủng bằng y tế trong thời Đức Quốc xã chỉ được tiến hành bởi "một vài bác sĩ cực đoan", hoặc những kẻ bị cưỡng ép hành động.

Đến năm 1945, khoảng 50-65% bác sĩ Đức không phải người Do Thái đã tham gia đảng Đức Quốc xã, chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với bất cứ chuyên ngành nào khác, theo báo cáo dài 73 trang, được nhóm tác giả cho là phân tích sâu sắc nhất từ trước đến nay về vai trò của những người này.

Vạch trần ‘vai trò trung tâm’ của chuyên gia y tế trong tội ác Đức quốc xã - Ảnh 2.

Một phiên tòa xét xử tội ác Đức Quốc xã vào năm 1946

NWM

Thuyết ưu sinh ghê tởm và các chương trình giết người được Đức Quốc xã trong Thế chiến 2 gọi là "an tử" đã dẫn đến cái chết của ít nhất 230.000 người, trong đó có 7.000-10.000 trẻ em.

Hơn 300.000 ca triệt sản cưỡng bức cũng được thực hiện đối với các nạn nhân, những người bị cho là "thấp kém về mặt di truyền".

Báo cáo cho thấy rằng mặc dù có nhiều bằng chứng ngược lại, "những quan niệm sai lầm phổ biến" rằng y học của Đức Quốc xã chỉ đơn thuần là "giả khoa học" vẫn còn tồn tại.

Trên thực tế, các nhà khoa học Đức là "một phần của mạng lưới quốc tế rộng lớn hơn tiến hành khám phá và thúc đẩy thuyết ưu sinh, cũng như phát triển các lý do [giải thích] y học phân biệt chủng tộc" và nghiên cứu của Đức Quốc xã đôi khi được tích hợp vào "quy chuẩn kiến thức y học".

Kế thừa tội ác?

Theo AFP dẫn báo cáo, sự hiểu biết ngày nay về các vấn đề an toàn hàng không, hạ thân nhiệt và thậm chí cả tác động của việc sử dụng thuốc lá và rượu đối với cơ thể một phần dựa trên nghiên cứu của Đức Quốc xã, trong khi "nhận thức về cách thức thực hiện nghiên cứu là rất khan hiếm".

Bị "ép buộc đóng góp cho y học", thi thể các nạn nhân của Đức Quốc xã được sử dụng để nghiên cứu và giảng dạy, và đôi khi được lưu giữ trong các bộ sưu tập khoa học trong nhiều thập niên sau chiến tranh mà không tiết lộ tội ác liên quan, theo báo cáo.

Các nhà khoa học như nhà giải phẫu học người Áo Eduard Pernkopf có danh tiếng lâu dài sau chiến tranh, mặc dù nghiên cứu của họ bắt nguồn từ "thi thể các nạn nhân của chế độ Đức Quốc xã".

Tập bản đồ giải phẫu Pernkopf đã được xuất bản và sử dụng rộng rãi cho đến thập niên 1990 mà không đề cập nguồn gốc của những hình ảnh trong tập bản đồ, vốn "rất có thể" mô tả các nạn nhân bị Đức Quốc xã sát hại.

Từ lâu được ca ngợi là người sáng lập ngành tâm thần học vị thành niên ở Đức và được trao Huân chương Thập tự vào năm 1979, quá khứ của bác sĩ Đức Elisabeth Hecker vẫn chưa được công chúng biết đến, cho đến khi một bộ phim tài liệu năm 1995 tiết lộ rằng bà từng ra lệnh chuyển trẻ em đến các đơn vị giết người địa phương.

Báo cáo được thực hiện trong dự án của Ủy ban Lancet, tổ chức lần đầu tập hợp một nhóm gồm 20 chuyên gia quốc tế để xem lại lịch sử y học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.