Vạch trần âm mưu cài cắm đường lưỡi bò: Tăng cường đấu tranh học thuật

Ngọc Mai
Ngọc Mai
07/05/2019 07:31 GMT+7

Tham gia tranh luận khoa học quốc tế và lên tiếng mạnh mẽ hơn với các tổ chức là một giải pháp để ngăn chặn ý đồ hợp thức hóa đường lưỡi bò.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên về âm mưu lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp vào các bài báo khoa học quốc tế không liên quan đến Biển Đông, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chỉ rõ đây là một phần trong chiến lược toàn diện của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông ngoài các khía cạnh như “mặt trận” thực địa, lực lượng dân quân biển, tăng cường sức mạnh hải quân xa bờ, giàn khoan thăm dò khổng lồ...

Cực kỳ nguy hiểm

Theo tiến sĩ Trung, khía cạnh học thuật này được chính phủ Trung Quốc quan tâm đầu tư và khuyến khích một cách có bài bản trên nhiều lĩnh vực khác nhau như sử học, chính trị học, quan hệ quốc tế, luật học, địa lý, hải dương học... sử dụng cả học giả trong nước cũng như học giả gốc Trung ở nước ngoài, thậm chí cả những chuyên gia phương Tây “thân thiện” với Trung Quốc. Chính vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài thì Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng định hình, chiếm ưu thế và thậm chí dẫn dắt diễn ngôn của giới nghiên cứu về tình hình Biển Đông. “Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm cho việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam”, ông cảnh báo.
Tương tự, chuyên gia Hoàng Việt thuộc Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nói với Thanh Niên: “Cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò không dựa trên cơ sở pháp lý nào, thậm chí còn vi phạm Công ước LHQ về luật Biển 1982 mà Trung Quốc cũng là một thành viên tham gia. Trong phiên tòa xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tòa trọng tài hồi năm 2016 đã bác bỏ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại các vùng nước nằm trong đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có chính sách khuyến khích các nhà nghiên cứu của họ, cho dù bất cứ lĩnh vực nào, tìm cách đưa hình vẽ có đường lưỡi bò vào các ấn phẩm quốc tế. Điều này rất có hại về nhiều mặt, theo phân tích của chuyên gia Hoàng Việt.
Thứ nhất, hành động của các tác giả Trung Quốc sẽ khiến tính khoa học của ấn phẩm giảm sút khi đưa một vấn đề chính trị vô căn cứ và vô luật lồng vào trong các nghiên cứu khoa học. Thứ hai, nguy hại hơn là Trung Quốc sẽ tìm cách biến không thành có, nại lý do là đường này đã được “công bố từ lâu trên thế giới mà không ai phản đối”.

Chung tay ngăn chặn

Trong những năm qua, nhiều nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước liên tục phát hiện và gửi thư phản đối việc đăng tải đường lưỡi bò trong ấn phẩm khoa học quốc tế. Tuy nhiên, với con số những bài báo lợi dụng khoa học để phổ biến đường lưỡi bò lên tới hàng ngàn, cần có những biện pháp ngăn chặn căn cơ hơn và để làm rõ với cộng đồng quốc tế.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giới học giả và chuyên gia Việt Nam cần tham gia nhiều hơn trong các tranh luận học thuật quốc tế về vấn đề Biển Đông. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ chính giới học giả Việt Nam phải giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tự tin trong tranh luận trong các hội thảo cũng như trên các ấn phẩm khoa học. Ngoài ra, chính phủ cũng nên hỗ trợ về tài nguyên học liệu và tài chính để giới học giả có thể an tâm nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc. Tốt hơn nữa, chính phủ cũng nên tạo điều kiện cho các học giả nước ngoài ủng hộ quan điểm chủ quyền Việt Nam.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC, tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giáo sư Đại học UCI, California (Mỹ), cũng cho rằng các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ hơn với các hiệp hội chuyên ngành, các tổ chức khoa học quốc tế uy tín để cộng đồng quốc tế thấy rõ mưu đồ của chính phủ Trung Quốc. Bản thân tiến sĩ Phú đã dành nhiều thời gian phát hiện những bài báo lồng ghép đường lưỡi bò và liên lạc với hàng chục nhà xuất bản để yêu cầu chỉnh sửa. Ông kêu gọi các nhà khoa học trẻ của Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài hãy chung tay đấu tranh chống âm mưu phổ biến đường lưỡi bò thông qua ấn phẩm khoa học để biến hành động này trở nên vô nghĩa, thậm chí phản tác dụng.

Tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp

Ngày 6.5, hải quân Mỹ triển khai 2 khu trục hạm USS Preble và USS Chung-Hoon di chuyển trong vùng 12 hải lý xung quanh đá Ga Ven và Gạc Ma, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của lực lượng này xác nhận. Ga Ven và Gạc Ma là 2 thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo để quân sự hóa. Phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ Clay Doss nhấn mạnh hoạt động của 2 tàu khu trục là nhằm đảm bảo tự do hàng hải, đồng thời “thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý, bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường biển theo luật quốc tế”.
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.