Vắc xin niềm tin

05/06/2021 07:00 GMT+7

Nhấn mạnh ưu tiên mua vắc xin cho công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mang tới một liều vắc xin vô cùng quan trọng, vắc xin niềm tin.

Nhấn mạnh ưu tiên mua vắc xin cho công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại lễ phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” đã mang tới một liều vắc xin vô cùng quan trọng, vắc xin niềm tin.

Sáng 5.6: Thêm 77 ca Covid-19, TP.HCM có 10 bệnh nhân mới

Trong bối cảnh vắc xin chưa đủ, chọn lọc đối tượng ưu tiên luôn là bài toán không đơn giản. 2 tháng trước, trong 10 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin chưa có “công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn”, mà tập trung cho những người tuyến đầu chống dịch.
Tuy nhiên, tình thế hiện nay đã khác. Dịch lan vào các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, đẩy sản xuất trước nguy cơ đình đốn, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Lê Văn Thành ngày 30.5, Bắc Giang đã đưa ra một con số gây sốc, đó là mỗi ngày mất khoảng 2.000 tỉ đồng và 140.000 lao động phải nghỉ việc. Còn Bắc Ninh, còn Hải Dương và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đã, đang gồng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch. Nếu dịch tiếp tục xâm nhập vào hệ thống các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất... thì mỗi ngày, con số thiệt hại sẽ cực kỳ lớn, những tổn thất là không thể đong đếm.
Nói lại để thấy, việc đưa công nhân vào đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin là quyết định hết sức cần thiết và đúng đắn để duy trì chuỗi sản xuất trong nước và cung ứng toàn cầu. Việc này thực ra đã được triển khai ở tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh trong những ngày qua nhưng vẫn mang tính tình huống. Thế nên, khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên bố chính thức, bài toán vắc xin đã có lời giải chính xác.
Tương tự với người dân có hoàn cảnh khó khăn, vắc xin là giải pháp duy nhất giúp họ duy trì được công việc, duy trì được nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Có một tâm lý không thể phủ nhận là rất nhiều người nghèo mặc định rằng, họ sẽ là đối tượng cuối cùng được tiêm vắc xin và tất nhiên là không biết đến bao giờ.
Thế nhưng, như lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu hồi đầu năm nay, tầm quan trọng của thành tựu khoa học (không có loại vắc xin nào trong lịch sử được phát triển nhanh như những vắc xin ngừa Covid-19) không thể được phóng đại, nếu nó không được phân phối công bằng. Vị này cho rằng cộng đồng quốc tế phải đặt ra một tiêu chuẩn mới để tiếp cận với những loại vắc xin này và đảm bảo chúng có sẵn cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, cho những con người dễ bị tổn thương nhất trên trái đất này.
Trở lại với Việt Nam, chúng ta chưa đủ để thực hiện “vắc xin cho tất cả” ngay. Nhưng trong đại dịch thế kỷ này, niềm tin được nhà nước bảo vệ của mỗi người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn là vô cùng quan trọng. Hình ảnh những cụ hưu lớn tuổi mang hết số tiền tiết kiệm của mình ra đóng góp cho Quỹ vắc xin; những em bé “đập heo” ủng hộ Quỹ vắc xin; những tờ tiền còn đẫm mùi mồ hôi của biết bao người lao động... chính là kết quả của "vắc xin niềm tin" mà trong gian nan, lại hiện lên rõ ràng nhất, rạng ngời nhất.
Muốn duy trì chuỗi sản xuất, phục hồi kinh tế bền vững chỉ có một con đường là “vắc xin cho tất cả”. Con đường đó vẫn còn nhiều gian nan phía trước nhưng khi đã có vắc xin niềm tin, chúng ta chắc chắn sẽ đi nhanh nhất tới đích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.