Vắc xin 'made in Việt Nam' có hiệu quả trước biến thể mới của SARS-CoV-2

Liên Châu
Liên Châu
28/02/2021 06:27 GMT+7

Ngày 27.2, Bộ Y tế đã tiếp nhận 20 tỉ đồng dành cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 “made in Việt Nam” Covivac, do Tập đoàn Vingroup tài trợ.

Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, sản xuất.
Tại buổi lễ tiếp nhận, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết vắc xin Covivac chính thức được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ tháng 3, tại Hà Nội, với 120 người tình nguyện được tiêm thử nghiệm. Giai đoạn 2 dự kiến từ tháng 7 năm nay, với 300 người tình nguyện tham gia và thêm điểm nghiên cứu tại Thái Bình. Các xét nghiệm, thử nghiệm mới nhất cho thấy Covivac có khả năng bảo vệ trước biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 ghi nhận tại Anh và Nam Phi. Công suất sản xuất hiện đạt 6 triệu liều, sẽ nâng lên 30 triệu liều vào cuối năm nay.

Tâm sự tình nguyện viên tiêm thử vắc xin Nano Covax ngừa Covid-19 của Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ công nghệ lõi sản xuất vắc xin, đó là nền tảng quan trọng để sẵn sàng cho sản xuất vắc xin khi vi rút có các biến chủng mới. Nhà máy sản xuất vắc xin tại IVAC là 1 trong 14 nhà máy trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn sản xuất cung cấp vắc xin cúm toàn cầu khi có đại dịch. Với dịch Covid-19, ngay cả khi mua được vắc xin, chúng ta vẫn đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung ứng không chỉ để chống dịch Covid-19 mà còn các loại khác. Hiện, Việt Nam đã cung cấp 10/12 vắc xin trong tiêm chủng mở rộng với hàng triệu mũi tiêm an toàn mỗi năm.

Trong tháng 3 sẽ triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Theo Bộ trưởng Long, với vắc xin Covid-19 nhập khẩu, hiệu quả bảo vệ hiện nay được đánh giá có thể bảo vệ trong 6 tháng đến 1 năm, vì đây là vắc xin mới, thời gian chưa đủ dài để khẳng định hiệu quả, cần có thêm thời gian đánh giá. Vắc xin nhập khẩu giúp đẩy nhanh độ bao phủ vắc xin cho người dân trong nước. Bộ Y tế đã đàm phán giai đoạn cuối mua thêm một vắc xin nữa về Việt Nam. Việc tiếp cận vắc xin nhập khẩu khá khó khăn do nhiều quốc gia đã đăng ký mua số lượng gấp 4 lần nhu cầu.
Với 117.000 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đã về Việt Nam sáng 26.2, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết lô vắc xin này được sản xuất tại Hàn Quốc, đang chờ phía Hàn Quốc có kết quả đánh giá cuối cùng trước khi ra quyết định tiêm tại Việt Nam. Do đó, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhóm ưu tiên dự kiến sẽ triển khai vào trung tuần tháng 3, muộn hơn so với dự kiến ban đầu, để đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an toàn khi tiêm.

Sáng 28.2: Không ca mắc Covid-19, còn hơn 63.000 người đang cách ly

Theo Bộ Y tế, trong năm nay, Việt Nam có khoảng 100 triệu liều vắc xin Covid-19. Bộ Y tế đang tổng rà soát nhân lực, thiết bị và tập huấn toàn tuyến về quản lý, tổ chức tiêm chủng, để tối ưu các điều kiện cho triển khai chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến triển khai từ quý 2 tới. Trước đây, chúng ta đã có chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella 22 triệu liều, kéo dài trong nhiều tháng. Với chiến dịch tiêm Covid-19, sẽ huy động tổng lực và phải đảm bảo tiêm an toàn.

Thêm 6 ca mắc Covid-19 mới

Ngày 27.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo có thêm 6 ca mắc Covid-19 mới, là các bệnh nhân (BN) thứ 2.427 - 2.432 ghi nhận trong nước. Các BN này tại Hải Dương, gồm 2 ca tại H.Kim Thành, 1 ca tại H.Kinh Môn và 3 ca tại TP.Hải Dương. Theo BCĐ, trong ngày 27.2, thêm 5 BN được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.432 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, 1.530 ca mắc do lây nhiễm trong nước; 1.844 ca đã được điều trị khỏi. 63.998 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19.
Từ 27.1 (thời điểm ghi nhận ca bệnh đầu tiên của đợt dịch thứ 3 tại 13 tỉnh, TP trong nước) đến nay, đã có 10/13 địa phương qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng, gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP.HCM. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.