Uy lực siêu pháo mới của Mỹ

14/06/2016 08:42 GMT+7

Hải quân Mỹ sẽ sớm đưa vào sử dụng một siêu pháo mới có thể thay đổi cán cân quân sự với Nga và Trung Quốc.

Siêu vũ khí mới nói trên được gọi là pháo điện từ, không dùng thuốc súng hay chất nổ. Nó dùng lực tổng hợp của lực điện và lực từ để tống một quả đạn bay với vận tốc sấm sét, có sức công phá như một thiên thạch lao vào tàu đối phương hoặc doanh trại khủng bố, theo tờ The Wall Street Journal (WSJ).
Sức công phá đáng gờm
Hải quân Mỹ đã đầu tư vào súng điện từ hơn 1 thập niên qua và đã chi trên 500 triệu USD. Mới đây, giới chức Mỹ đã công bố một đoạn video về cuộc thử nghiệm và cung cấp thêm nhiều chi tiết về sức hủy diệt của loại vũ khí tối tân này, theo WSJ. Đoạn phim chiếu cảnh một khẩu pháo điện từ bắn quả đạn nặng trên 11 kg với kết quả là đạn bay xuyên thủng 7 tấm thép dựng gần nhau, để lại mỗi tấm một lỗ thủng có đường kính 127 mm.
Pháo điện từ có thể bắn đạn bay với tốc độ trên 7.200 km/giờ, với tầm bắn trên 200 km, vượt xa những khẩu pháo 152,4 mm hiện nay của hải quân Mỹ, vốn chỉ có tầm bắn hơn 24 km, theo WSJ. Vũ khí này còn có tầm bắn và sức công phá hơn cả loại pháo 406 mm của những tàu chiến lớn thời Thế chiến 2, được cho là có tầm bắn gần 39 km và có khả năng xuyên thủng bê tông gần 1 m. “Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta chiến đấu”, Trưởng văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Mat Winter nhận định với WSJ.
Hải quân Mỹ hiện đang muốn sở hữu một thiết kế pháo điện từ có thể khai hỏa với tốc độ 10 phát/phút, với cơ số đạn 1.000 quả. Nếu được trang bị pháo điện từ, một tàu chiến sẽ có khả năng tác chiến cao hơn so với tàu trang bị tên lửa bởi một tàu khu trục Mỹ chỉ có thể mang tối đa 96 tên lửa, trong khi chiến hạm gắn pháo điện từ có thể mang 1.000 quả đạn, cho phép nó bắn tên lửa đến hoặc tấn công các lực lượng đối phương trong thời gian lâu hơn và với tốc độ khai hỏa nhanh hơn.
Lỗ đạn trên một tấm thép do đạn bắn từ súng điện từ tạo ra Ảnh: The Wall Street Journal
Vũ khí “thay đổi cuộc chơi”
Không chỉ sử dụng để tấn công tàu đối phương, giới chức quốc phòng Mỹ còn đang tính đến khả năng áp dụng công nghệ này cho hệ thống phòng thủ tên lửa, bằng cách phát triển hệ thống dẫn đường cho các quả đạn. Loại đạn của pháo điện từ được chế tạo từ tungsten nên cứng hơn nhiều loại thép, và sẽ có giá chỉ 25.000 - 50.000 USD/quả, so với 10 triệu USD của 1 quả tên lửa đánh chặn, theo WSJ dẫn lời giới chức Mỹ.
Việc phát triển hệ thống dẫn đường cho pháo điện từ sẽ sớm được hoàn tất nhưng thách thức còn lại là phát triển các mạch điện gia cố có khả năng chống đỡ được các lực hấp dẫn có thể dập vụn chúng, để gắn vào trong các quả đạn. Giới chức quốc phòng Mỹ ước tính họ chỉ có thể dùng pháo điện từ để bắn hạ tên lửa sau ít nhất một thập niên.
“Đây là đạn thật sự thông minh”, Giám đốc văn phòng Các năng lực chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ William Roper khẳng định với WSJ. Ông Roper còn nhấn mạnh: “Hải quân sắp sở hữu một hệ thống chiến thuật, một vũ khí tấn công thế hệ mới. Nó có thể là thứ thay đổi cuộc chơi”. Còn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nhấn mạnh rằng pháo điện từ không đắt tiền nhưng có giá trị răn đe rất lớn. “Chúng sẽ có thể chống lại máy bay, tên lửa, xe tăng và gần như mọi thứ”, WSJ dẫn lời ông Work lý giải.
Tuy nhiên, do ngốn quá nhiều điện - cần một máy phát điện có công suất 25 megawatt, đủ cho 18.750 hộ gia đình sử dụng, để vận hành pháo điện từ - nên vũ khí này hiện chỉ có thể được gắn trên tàu. Hiện nay chỉ có khu trục hạm lớp Zumwalt hiện đại của Mỹ sở hữu máy phát điện có công suất như trên. Do hải quân nước này chỉ định đóng 3 khu trục hạm lớp Zumwalt nên Lầu Năm Góc đang muốn dùng loại đạn pháo điện từ cho những loại pháo khác trên các tàu chiến cũng như pháo lục quân.
Dù bay chậm hơn so với khi được khai hỏa bởi pháo điện từ, loại đạn đặc biệt này vẫn có thể bay với tốc độ lên tới hơn 4.500 km/giờ khi được bắn từ pháo thông thường, giúp mở rộng đáng kể tầm bắn và sức mạnh cho những vũ khí hiện nay.
Hồi năm ngoái, các kỹ sư quân đội Mỹ đã dùng pháo hải quân loại 127 mm và 152,4 mm bắn thử đạn dành cho pháo điện từ. Kết quả là tầm bắn của pháo 152,4 mm được nâng lên tới hơn 61 km từ mức sử dụng đạn thông thường là trên 24 km. Lầu Năm Góc cũng đã cho lựu pháo 155 mm của lục quân bắn thử đạn dành cho pháo điện từ, với kết quả là tầm bắn được nâng đáng kể, theo WSJ. Có lẽ do đó mà Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng chi thêm 800 triệu USD để đầu tư vào khả năng phòng thủ tên lửa của pháo điện từ cũng như cải tiến đạn của nó để sử dụng cho các loại pháo thông thường.
Tin tặc Trung Quốc dòm ngó
Với sự lợi hại của pháo điện từ, giới chức Mỹ khẳng định tin tặc Nga và Trung Quốc đang dòm ngó công nghệ của loại vũ khí mới. Trong đó, tin tặc Trung Quốc đã cố xâm nhập hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc và các nhà thầu quốc phòng để tìm kiếm những bí mật về pháo điện từ, theo tiết lộ của một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.
WSJ dẫn lời nhiều nhà hoạch định quân sự Mỹ cho rằng pháo điện từ sẽ hữu ích nếu Mỹ phải bảo vệ các nước vùng Baltic chống lại Nga và hỗ trợ một đồng minh hay đối tác chống Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện nay Moscow và Bắc Kinh đang đầu tư chế tạo các hệ thống tên lửa nhằm ngăn cản lực lượng Mỹ tiến đến những khu vực nói trên.
Một số quan chức Mỹ cho rằng khả năng phòng thủ tên lửa dựa trên pháo điện từ có thể bảo vệ các lực lượng hải quân và lực lượng trên bộ, giúp quân tiếp viện dễ dàng tiến sát biên giới của Nga hoặc Trung Quốc, theo giới chức Mỹ. “Chúng ta không thể phớt lờ thực tế rằng Nga có khả năng tập trung số lượng lớn các loại tên lửa thông thường và khai hỏa chúng từ xa. Chúng ta phải có khả năng xuyên qua những cơn mưa đạn đó. Và pháo điện từ có thể cung cấp cho chúng ta phương tiện để làm điều đó”, WSJ dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.