Ưu tiên và hỗ trợ đàm phán mua vắc xin cho TP.HCM

01/07/2021 19:37 GMT+7

Trước khó khăn của TP.HCM, các doanh nghiệp về tìm nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 , Bộ Y tế , cho biết sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ, ưu tiên nguồn vắc xin cho thành phố.

Trả lời báo chí về tình hình dịch Covid-19 tại phiên Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 diễn ra chiều tối nay, 1.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dịch tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Theo ông Thuấn, cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, Đồng Nai… trên tinh thần quyết liệt nhất. Bộ Y tế đặt tổ công tác đặc biệt tại TP.HCM do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phụ trách. "Tới đây, Chính phủ thống nhất ưu tiên cấp thêm vắc xin cho TP.HCM, tạo điều kiện cho thành phố đàm phán mua thêm vắc xin", ông Thuấn cho hay.

Sở Y tế TP.HCM gặp khó khăn khi tiếp cận vắc xin Covid-19

Về cơ chế chia sẻ rủi ro với các đơn vị nghiên cứu vắc xin trong nước, ông Thuấn cho biết thêm, Thủ tướng và Chính phủ hết sức quan tâm. Từ tháng 5.2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các nhà khoa học bàn hướng đi phù hợp và ngắn nhất để sớm có vắc xin, đặc biệt trong tình cảnh không dồi dào kinh phí như nhiều quốc gia. Bộ Y tế rút ngắn quy trình những vẫn đảm bảo yếu tố chặt chẽ, khoa học, Chính phủ cấp tiền cho nghiên cứu cùng với các nguồn kinh phí xã hội hoá.
Ngoài ra, Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sản xuất như vắc xin Nanocovax bằng cách trong thời gian ngắn, huy động nguồn lực về cán bộ y tế, nhà nghiên cứu tăng cường mẫu nghiên cứu đạt được 13.000 người trong tiêm thử nghiệm đợt 3. Hiện chưa thành đợt 2, tuy nhiên bước đầu đánh giá có nhiều yếu tố tích cực nên cho phép thử nghiệm gối đầu đợt 3 để đảm bảo thời gian nghiên cứu rút ngắn tối đa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1.7

Ảnh Đậu Tiến Đạt

Trước đó, ngày 30.6, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa báo cáo UBND TP về việc tiếp cận các nguồn vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, qua làm việc với các doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19 gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung ứng uy tín, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng.
Thông qua các đối tác, một số đơn vị đã liên hệ để đàm phán mua vắc xin, nhưng nhà sản xuất, nhà phân phối chỉ làm việc với các tổ chức do Chính phủ chỉ định. Bên cạnh đó, nguồn cung vắc xin đang khan hiếm, thời hạn dùng vắc xin ngắn, nên nếu không kịp thời đặt hàng, lượng vắc xin dự kiến cung ứng cho TP sẽ được chuyển giao cho các thị trường khác.
Ngoài ra, theo ông Thuấn, giá cả vắc xin không được công bố chính thức cũng như chưa có cơ chế rõ ràng cho hợp tác công - tư và xã hội hóa việc tiêm chủng vắc xin Covid-19. Các tổ chức có nhu cầu tiêm vắc xin cho nhân viên của doanh nghiệp thành viên nhưng không thuộc đối tượng ưu tiên nên đang vướng mắc trong nguồn kinh phí thực hiện.
Do vậy, các đơn vị đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về hợp tác, chia sẻ số lượng vắc xin; cơ chế mua vắc xin tiêm chủng cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu và tổ chức tiêm dịch vụ vắc xin nếu khả thi.

Ngày 1.7: TP.HCM ghi nhận 464 ca Covid-19 trong ngày dịch bệnh "kỷ lục"

Sở Y tế TP.HCM cũng đã xây dựng dự thảo trình UBND TP phát hành thư giới thiệu cho các đơn vị có nhu cầu để làm đối tác đàm phán với nhà sản xuất, nhà phân phối về các vấn đề liên quan đến mua vắc xin. Trước đó, TP.HCM được các doanh nghiệp tài trợ, giới thiệu hàng chục triệu liều vắc xin Covid-19.
Tính đến 21 giờ ngày 30.6, TP.HCM tiêm được 838.394 liều vắc xin Covid-19. Trong đó, có gần 526.125 người được tiêm ở các điểm tiêm cộng đồng, 312.269 người tiêm ở khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đã có hơn 111.000 người hoãn tiêm sau khám sàng lọc và 781 người có phản ứng sau tiêm 30 phút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.