Ưu tiên và công bằng

29/04/2022 04:23 GMT+7

Ưu tiên trong tuyển sinh là hướng đến sự công bằng với các thí sinh ở mọi miền đất nước.

Nhưng xem ra mục đích này chưa thể thực hiện được suốt mấy mươi năm nay khi năm nào cũng có những tranh luận về chính sách ưu tiên.

Năm 2017, lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội lúc bấy giờ ngậm ngùi cho biết trường tuyển sinh 500 chỉ tiêu y đa khoa, nhưng có đến hơn 450 thí sinh (TS) thuộc diện được cộng điểm ưu tiên và không học sinh nào ở lớp chuyên sinh của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam đậu, vì điểm chuẩn là 29,25 nhưng học sinh trường này không thể cạnh tranh với các TS được điểm ưu tiên đến 3,5. Chính vì vậy mới xảy ra câu chuyện bi hài một TS đạt 29,15 điểm vẫn rớt trong khi người 25,7 điểm thì đậu do hưởng điểm ưu tiên.

Tương tự, lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM thời điểm này cũng chia sẻ từ mấy năm nay, tỷ lệ TS ở thành phố đỗ vào trường dưới 10%. Có năm tới 92% TS đỗ vào trường thuộc diện được cộng điểm.

Trong loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào cho công bằng? trên Báo Thanh Niên vào năm 2013, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM lúc đó, đưa ra con số khiến nhiều người giật mình: Có đến 82% TS trúng tuyển đại học thuộc diện ưu tiên cộng điểm.

Dẫn lại những sự kiện và con số này để cho thấy việc ưu tiên trong tuyển sinh như đã thực hiện nhiều năm qua vô tình đã tạo nên sự bất công ngay khi chúng ta đang muốn thực hiện công bằng. Đó là chưa kể đã gọi là ưu tiên thì chỉ nên một số ít được hưởng, đằng này lại đến hơn 80% thì không thể chấp nhận.

Nhận ra bất hợp lý này nên nhiều năm nay Bộ GD-ĐT đã liên tục điều chỉnh chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, đặc biệt ưu tiên khu vực. Mức điểm ưu tiên khu vực đến nay giảm gần một nửa so với trước đó, chênh lệch giữa 2 khu vực cũng được rút ngắn. Và năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến không áp dụng cộng điểm ưu tiên khu vực cho TS tự do đã tốt nghiệp các năm trước.

Tuy nhiên, tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra. Điều này thật dễ hiểu vì trên thực tế, với những thay đổi trong tuyển sinh hiện nay, TS ngày càng rộng cửa vào ĐH bằng nhiều phương thức khác nhau thì việc cần đến điểm ưu tiên để trúng tuyển chủ yếu tập trung vào một số ngành có điểm chuẩn cao. Mà ở các ngành đó, TS có điểm ưu tiên ngay từ đầu đã nắm chắc phần thắng vì có những ngành chỉ cần chênh nhau 0,05 điểm thôi là người đậu, kẻ rớt, trong khi đó TS được ưu tiên thì được cộng mức tối thiểu 0,25 điểm.

Ưu tiên trong tuyển sinh là một chính sách nhân văn vẫn nên duy trì đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên cuộc sống hiện nay có quá nhiều thay đổi nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Thay vì cộng điểm, có thể thực hiện chính sách học bổng toàn phần suốt quá trình học cùng rất nhiều hỗ trợ khác cho TS ở vùng khó khăn khi trúng tuyển vào ĐH, như cách mà nhiều nước đang thực hiện.

Có thể tách bạch chỉ tiêu riêng cho 2 nhóm TS, nhóm có điểm ưu tiên và nhóm không ưu tiên, chứ không chen ngang như hiện nay khiến người có điểm cao hơn vẫn rớt. Thực hiện điều này sẽ một công đôi việc khi còn ràng buộc TS nhóm ưu tiên sau khi tốt nghiệp trở về địa phương làm việc để phát triển nhân lực cho địa phương.

Sự chênh lệch các vùng miền hiện nay cũng đã không còn quá cách biệt như trước đây, công nghệ đã dần xóa nhòa khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong tiếp cận thông tin nên phân chia khu vực cũng cần được sắp xếp lại.

Công bằng trong tuyển sinh là người giỏi hơn sẽ được chọn. Nhưng cách làm hiện nay vô tình người chưa đủ năng lực vẫn trúng tuyển. Hậu quả là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai sẽ khiếm khuyết, gây mất niềm tin trong xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.