Ưu tiên phân bổ tín dụng cho các nhà băng có lãi suất thấp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
09/12/2022 06:45 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ chọn những ngân hàng có thanh khoản tốt, lãi suất thấp để giao thêm hạn mức tín dụng cuối năm.

Bơm hơn 240.000 tỉ đồng ra thị trường

Ngày 8.12, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc tăng hạn mức (room) tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% tương đương với 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế, chưa kể room tín dụng cũ vẫn còn. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay tăng trưởng tín dụng mới đạt 12,2%, so với chỉ tiêu tăng trưởng cũ là 14% thì vẫn còn 1,8%. Như vậy, tổng cộng còn khoảng 3,8% room tín dụng cho tháng cuối cùng của năm. Với tỷ lệ này, các NH thương mại có dư địa khá lớn để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp (DN).

Ngân hàng thanh khoản tốt được cấp hạn mức tín dụng cao

Nhật Thịnh

Dù vậy theo ông Tú, điều quan trọng khi có thêm room tín dụng là các NH cũng phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay. NHNN cũng tiếp tục vừa theo dõi hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng vừa sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các NH để có điều kiện cung ứng vốn một cách ổn định, đảm bảo nhu cầu của các dự án rất cần thiết như hiện nay.

Theo ông Đào Minh Tú, đối tượng NHNN muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân. “Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các NH có nguồn lực để cung cấp cho người dân mua nhà”, ông Tú nói.

Giải thích về tỷ lệ tín dụng khác nhau giữa các nhà băng, ông Đào Minh Tú cho rằng việc phân bổ tín dụng nhằm tạo điều kiện để các NH mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết. Nhưng việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích dành cho những NH có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay. Một số NH còn room tín dụng được phân bổ từ đầu năm thì không cần thiết phải nới room thêm lần này. Hoặc một NH đang tăng lãi suất ở mức cao cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng… Chính vì thế, việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NH thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho DN, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

“NHNN dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những NH có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những NH đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các NH giảm lãi suất cho vay. Tất nhiên, cùng với đó là sự cố gắng tích cực của các NH bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động của mình để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các DN, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này”, ông Tú cho hay.

Giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế

Trong cuộc đua lãi suất huy động khởi động từ tháng 9 đến nay, các NH đã tăng thêm từ 2 - 3%/năm so với đầu năm. Mức lãi suất 9 - 10%/năm đã không còn xa lạ trên thị trường. Đáng nói, việc chạy đua huy động không phải để cho vay (vì hạn mức tín dụng đã hết) mà là để giải quyết các vấn đề mất thanh khoản (vì cho vay quá nhiều trước đó), giữ chân nguồn vốn không chạy sang nhà băng khác...

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Theo quy định hiện nay thì NH huy động 100 đồng vốn, cho vay 85 đồng là tối đa. Thế nhưng thời gian qua, một số NH đã cho vay vượt mức này mới dẫn đến mất thanh khoản. Để tăng thanh khoản, NH tìm đến dòng vốn liên NH, nhưng khi không vay mượn được thì giải pháp tăng lãi suất, chạy đua huy động vốn trong khu vực dân cư, tổ chức gia tăng. Trong việc cấp room tín dụng lần này cho các NH, nhà điều hành đưa ra tiêu chí thanh khoản tốt, lãi suất thấp là phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, NHNN cần công khai, minh bạch những nhà băng nào được phân bổ hạn mức tín dụng, nhà băng nào không được, để thị trường biết mà giám sát, xem NH đó có đáp ứng tiêu chí đề ra hay không.

“Một lượng vốn lớn 240.000 tỉ đồng triển khai cho vay đưa ra thị trường chỉ trong 3 tuần cuối năm 2022 khá lớn. Vì thế, cần tránh việc các NH được cấp hạn mức tín dụng rồi tăng cường huy động vốn bằng mọi giá”, ông Chí khuyến cáo và kỳ vọng những NH có thanh khoản tốt, tức đã có sẵn một lượng vốn nên triển khai cho vay mà không cần phải chạy đua huy động. Hạn mức tín dụng lần này có thể giải quyết cho những hồ sơ vay đang “nằm chờ room” nên dòng vốn sẽ sớm ra thị trường.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính cho rằng tín dụng vẫn là nguồn mang lại lợi nhuận chính của ngành NH nên khi không được tăng trưởng tín dụng, tức NH đó sẽ khó có thể tăng trưởng nhanh về lợi nhuận. Bối cảnh hiện nay đã khả quan hơn trước, áp lực về lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã dịu bớt; thanh khoản hệ thống NH đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại... thì việc đặt tiêu chí thanh khoản tốt, lãi suất thấp để cấp thêm hạn mức tín dụng là điều cần thiết. Khi những NH có thanh khoản tốt, tức nguồn tiền huy động đã có thì đã có sẵn nguồn vốn cho vay, tránh cho hệ thống NH chạy đua huy động vốn cao hơn. Tuy nhiên, NHNN cũng cần kiểm soát tốc độ tăng lãi suất huy động của những NH mất thanh khoản để tránh trường hợp vốn chạy từ nơi này đến nơi khác. Chi phí huy động vốn tăng lên thì việc giữ hay giảm lãi suất cho vay xuống sẽ là bài toán khó trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, NHNN giao cho Hiệp hội NH tiếp tục kêu gọi, vận động các NH thương mại giảm lãi suất để các NH tiếp tục chia sẻ với khách hàng. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào các điều kiện vĩ mô cũng như vẫn phải đảm bảo khả năng thanh khoản, an toàn của mỗi NH cũng như cả hệ thống. Tất cả cơ chế chính sách hiện nay của NHNN đặt ra đều xuất phát từ mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và tiếp tục quán xuyến thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.