Tiểu thương, bán hàng rong kiệt quệ

Nguyên Nga
Nguyên Nga
19/06/2021 06:08 GMT+7

TP.HCM tiếp tục vào đợt giãn cách thứ 2 trong năm. Các tiểu thương kinh doanh tại chợ tiếp tục “ngồi yên”, hạn chế tiếp xúc, đồng hành cùng chính quyền chống dịch để sớm ổn định kinh tế.

Khó từ chợ ra vỉa hè

Bà Hoa (76 tuổi) bán các mặt hàng gia vị khô tại chợ Tân Phước (Q.Tân Bình) cho biết hơn 1 tuần nay bà không ra chợ bán nữa do có ca liên quan bệnh nhân F0 và F1 đi chợ trước đó mấy ngày. Sau khi lên phường khai báo y tế, bà về nhà luôn. “Biết ra chợ có đồng vô đồng ra, ngày cũng kiếm được đủ ăn cho hai ông bà già, nhưng nghe chợ có nhiều ca nhiễm. Hai ông bà bán xôi ở đầu chợ cũng nghỉ bán luôn vì nghe đâu có người F0 ghé hàng mua. Nghỉ bán không có tiền mà sống nhưng tui còn được con gái tài trợ thực phẩm. Hai vợ chồng bán xôi kia còn khó khăn hơn”, bà nói.

Chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của TP.HCM đã có hết rồi, các sở ngành tham mưu kế hoạch để thực hiện. Riêng với ngành công thương, đối tượng được hỗ trợ đợt này là tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn vì họ là nhóm bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch

 Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM

Ngày 15.6, ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách lần thứ 2 trong đợt dịch Covid-19 này, chị Lan bán bắp, đậu phộng luộc, khoai và khoai mì trên xe đẩy ngay góc đường Lý Thường Kiệt và Lê Minh Xuân (Q.Tân Bình), cho hay hàng chị trước nay toàn mang về, dịch hay không dịch khách cũng mua. Tuy nhiên, hơn nửa tháng qua, ngồi cả buổi sáng, bán đúng 30.000 đồng cho một khách.
Chị nói không ra đây ngồi thì không biết làm chi mà sống. Nhưng luộc khoai, bắp ra ngồi đến tối lại đẩy về cho cả nhà và mấy bạn cùng xóm trọ ăn.
Trưa 16.6, một chung cư tại Q.Tân Bình được lực lượng chức năng xuống giăng dây chuẩn bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19 là nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sống ở đây. Chị Hà, cư dân trong chung cư - có quầy bán trái cây ngay trong khuôn viên tòa nhà, bó gối thẫn thờ nhìn vô định vào những sợi dây giăng đỏ trắng được cột vội vã quanh các lối vào chung cư. “Mấy cần xé trái cây mới chở dưới miền Tây lên và ngoài chợ Thủ Đức về hết tiền triệu, định bán tuần này. Nay người ngoài không vào mua được, biết bán cho ai”, chị nói, đồng thời cho biết: “Hàng này để 2 hôm đã bán lỗ rồi. Giờ ai có tâm trạng mà mua với bán”. Bên trong chung cư, cửa hàng tiện lợi C. mới khai trương hơn 10 ngày cũng dán bảng tạm đóng cửa vì dịch.
Ngày 18.6, chị Diệu Hồng, chủ sạp quần áo sỉ tại khu vực chợ Tân Bình, cho biết từ đầu tuần đến giờ, chị không ra chợ bán. Trước giãn cách, dù khó khăn nhưng mỗi ngày, có cả chục khách đến đóng hàng về các tỉnh. Cả tháng nay, tiền thuê mặt bằng vẫn đóng đủ 15 triệu đồng cho diện tích 2,2 m2, tiền lương nhân viên 7 triệu đồng, thuế 3,8 triệu đồng… nhưng ngồi cả ngày không có một khách đến hỏi thăm. Chị nói: “Tuần này không ra chợ nữa, không dám ra vì ngại dịch bùng nhanh quá, nhưng thật lòng là có ra chợ cũng không có người mua. Đầu tuần đến nay có đúng 2 mối gọi đóng hàng vì hàng hết sạch, mỗi đơn hàng chưa tới 2 triệu đồng. Chưa bao giờ buôn bán khó khăn, khổ sở như lúc này!”.

Thà không có đồng nào hơn ra chợ mà không an toàn

Biết bán thì đỡ hơn nhưng theo chị Diệu Hồng, ra chợ bán nếu chẳng may bị nhiễm dịch Covid-19 thì tiền làm ra vô nghĩa. “Bằng không lây bệnh cho chồng con, người thân lại càng mang tội hơn. Tính già hóa non. Thôi, ở nhà cho nó lành”, chị chép miệng.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương: Lực lượng tiểu thương từ nhỏ đến lớn đều là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, từ hàng tiêu dùng, may mặc đến thực phẩm... Thế nên, đề xuất hỗ trợ của Sở Công thương hướng đến nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, hình thức hỗ trợ tiểu thương khác các đối tượng như người lao động, chỉ bằng cách giảm tiền thu phí chợ, chứ không thể cầm tiền đi phát cho từng người được.
Tương tự, chị Nguyễn Thái Trang, tiểu thương chợ An Đông (Q.5), cho biết từ ngày 27.4, khi dịch bùng phát trở lại, chợ An Đông không có ai mua sắm gì nữa. Trước đó vài ngày nhiều quầy sạp đã tự động đóng cửa, dán bảng thông báo khách chờ sau dịch.
Khác với tâm lý lo âu không có thu nhập khi dịch bùng phát vào tháng 3, tháng 4 năm ngoái, trao đổi với chúng tôi, đa số tiểu thương đều có tâm lý muốn nghỉ để “cùng thành phố chung tay chống dịch”. Không chỉ những tiểu thương “nhà giàu”, đang kinh doanh tại các chợ đầu mối An Đông, Tân Bình… ngay cả những người bán hàng xén, ngày kiếm vài ba trăm ngàn đồng cũng cho biết họ ưu tiên đồng hành cùng chính quyền thành phố chống dịch.
Đặc biệt khó khăn là thế, nhưng khi nghe một số chung cư quanh khu vực có lệnh phong tỏa, chính những người bán hàng như bà Hoa (chợ Tân Phước) lại tìm đến nhóm dân cư chung cư hỏi cần hỗ trợ mua sắm gì ngoài, họ sẽ mua giúp mang đến bỏ ở cổng. Thậm chí, có tiểu thương chuyên bán rau củ quả ngay trước cửa chợ Ông Địa (Q.Tân Bình) còn ngỏ ý biếu dân cư tại một chung cư đang cách ly trên địa bàn quận mỗi ngày 10 trái bí xanh và 10 bó rau dền để nấu canh.

TP.HCM ưu tiên hỗ trợ tiểu thương trong đợt này

Ảnh: Ng.Ng

Đối tượng dễ tổn thương trong dịch

Xác định tiểu thương là lực lượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp kỳ này, mới đây, Sở Công thương TP.HCM đã có đề xuất hỗ trợ tiểu thương tại chợ truyền thống bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng gói hỗ trợ lên đến hơn 76 tỉ đồng trong 6 tháng tới.
Cụ thể, Sở đề xuất UBND TP.HCM trích ngân sách hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống bị ảnh hưởng dịch bệnh với mức hỗ trợ tương đương năm ngoái là giảm 50% phí thu chợ từ tháng 7 - 12 năm nay. Trong đó, 14 chợ hạng 1 có mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2/tháng; 52 chợ hạng 2 có mức hỗ trợ 70.000 đồng/m2/tháng; 168 chợ hạng 3 có mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2/tháng. Với tổng cộng gần 60.000 điểm kinh doanh trên toàn địa bàn (tính đến tháng 8.2019 trước khi có dịch Covid-19), dự toán tổng kinh phí hỗ trợ hơn 76 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của TP.HCM đã có hết rồi, các sở ngành tham mưu kế hoạch để thực hiện. Riêng với ngành công thương, đối tượng được hỗ trợ đợt này là tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn vì họ là nhóm bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch.
Với mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong cuộc họp với doanh nghiệp tuần qua đã khẳng định bằng mọi cách phải có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để góp sức cùng doanh nghiệp, những người kinh doanh vượt khó khăn trước mắt, cùng chung tay phát triển kinh tế khi dịch kết thúc. Trước đó, Bộ Công thương cũng có kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm ngừa cho đối tượng là nhân viên trong ngành phân phối, bán lẻ, tiểu thương... để chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa không bị gián đoạn, đứt gãy trong mùa dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.