Ươm mầm, gầy dựng ‘thế hệ tử tế’

30/05/2018 15:00 GMT+7

Ngày 26.5 tại TP.HCM, phong trào trẻ em thế giới Design For Change (DFC) đã ra mắt chủ đề “Thế hệ tử tế - A Giving generation” với những trăn trở gầy dựng một “thế hệ tử tế” và xây dựng “quốc gia tử tế”.

Việt Nam từng có “thế hệ tử tế”
Đại diện của DFC tại Việt Nam - bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập TOMATO Education chia sẻ: “Theo bảng xếp hạng “chỉ số tử tế” quốc gia (Good Index Country) đánh giá về mức độ đóng góp của mỗi đất nước cho hành tinh thì Việt Nam đứng áp chót, xếp thứ 124/125. Điều này thật sự đáng suy ngẫm bởi lẽ con người Việt Nam vẫn được đánh giá giàu tiềm năng, vậy vì sao giá trị chúng ta tạo ra lại nghèo nàn đến thế? Liệu Việt Nam có thay đổi được diện mạo ấy để trở thành một “quốc gia tử tế” hơn trong tương lai hay không?”.
“Việt Nam đã từng có thế hệ tử tế”, đó là khẳng định của chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan - diễn giả đại diện cho thế hệ đi trước tại buổi thảo luận. Cũng theo diễn giả Phạm Chi Lan, bà rất buồn nhưng không bất ngờ với kết quả cuộc khảo sát này bởi phần nào phản ánh khá chính xác thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay.
Các diễn giả phát biểu về “thế hệ tử tế”
Các diễn giả phát biểu về “thế hệ tử tế”
Diễn giả Phạm Chi Lan đã kể lại thời trước đây khi bà còn trẻ và khi đất nước còn nhiều thiếu thốn thì con người sống với nhau rất tử tế. Và khi kinh tế đất nước ngày càng được cải thiện, phát triển thì sự tử tế lại càng thiếu vắng: “Chúng ta đã đánh mất sự tử tế và cần phục hồi lại và tôi nghĩ điều này không quá khó. Bởi tôi dựa trên kinh nghiệm đã đi nhiều nơi trên đất nước mình, quan sát nhiều, gặp gỡ nhiều người tôi nhận thấy còn rất nhiều người tử tế, nhiều điều tử tế”, diễn giả Phạm Chi Lan lạc quan.
Dạy và học làm người tử tế
Tại buổi lễ ra mắt DFC Việt Nam, nhóm trẻ em Câu lạc bộ “I CAN!”/ “CON CÓ THỂ!” đã trình diễn tiểu phẩm thông điệp về bảo vệ môi trường và nhận được sự tán thưởng của đông đảo quan khách, phụ huynh. Tiểu phẩm 100% do các em tự biên tự diễn và không có nhiều sự can thiệp của thầy cô, phụ huynh hay nói cách khác đây là tiểu phẩm của sự trung thực và tự lực, đó là bài học nhỏ để giúp các em dần trở thành người tử tế, thế hệ tử tế.
Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng liệu chúng ta có thể gầy dựng được một “thế hệ tử tế” điều đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc nền giáo dục, phương pháp giáo dục của gia đình và xã hội. Đại sứ trẻ của DFC, đại diện cho thế hệ đi sau Tống Khánh Linh (Sáng lập The Yên Concept) cho biết: “Có nhiều giá trị mà xã hội đem ra làm thước đo “nên người”, “thành người” như tiền bạc, nghề nghiệp… Rất nhiều bạn trẻ đang chịu đựng và làm theo những giá trị, chuẩn mực xã hội, cha mẹ áp đặt”.
Cũng là đại sứ trẻ của DFC, đại diện cho thế hệ đi sau, Mai Ngọc Nhân (Thủ lĩnh thanh niên 9X, Huy chương vàng giải Vật lý Đông Nam Á) chia sẻ: “Đầu tiên tôi được cha mẹ dạy 3 chữ: dạ, cám ơn và xin lỗi. Đó là bài học đầu tiên về tử tế. Và tôi nghĩ cấp độ cao nhất của sự tử tế là “share” (chia sẻ). Sống phải biết chia sẻ với cộng đồng”.
Đồng quan điểm, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện phát triển Giáo dục IRED trăn trở: “Thế nào là người tử tế? Thầy cô luôn nói rằng luôn mong các em sau này thành người nhưng thành người là gì, như thế nào gọi là thành người thì ngay cả các thầy cô, các bậc phụ huynh cũng còn lúng túng”.
Phụ huynh phát biểu ý kiến về DFC
Phụ huynh phát biểu ý kiến về DFC
Phong trào DFC lan tỏa đến Việt Nam
DFC được sáng lập bởi nhà giáo dục Kiran Bir Sethi là phong trào lớn của thế giới mà ở đó trẻ em tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng quanh mình. Hiện DFC có mặt tại 65 quốc gia, tác động đến hơn 2,2 triệu trẻ em và 65.000 giáo viên trên toàn cầu. Tại Việt Nam, DFC được đại diện chính thức bởi TOMATO Education - một tổ chức chuyên về các giải pháp giáo dục tiến bộ cho trẻ em. Hoạt động của DFC tại Việt Nam trong năm 2018 được tài trợ bởi hai nhãn hàng OMO Việt Nam và Biti’s.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.