Ước mơ ca hát của chàng trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh

27/03/2017 08:30 GMT+7

Mỗi lần Hoàng Văn Chấn (31 tuổi, người dân tộc Nùng, ngụ tại TT.Yên Thế, H.Lục Yên, Yên Bái) xuống Viện Huyết học truyền máu T.Ư điều trị bệnh tan máu bẩm sinh , cả dãy phòng bệnh lại rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát.

Lọt lòng mẹ, Chấn bị chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Bệnh tình của Chấn ngày càng nặng, da xanh xao, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, đặc biệt lá lách ngày càng to ra. 10 tuổi, nhưng Chấn bé tẹo, nặng chưa đầy 20 kg, đau ốm thường xuyên. Năm 12 tuổi, cậu bé phải cắt lách và hàng tháng phải xuống Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học truyền máu T.Ư) điều trị.
Suốt những năm qua, các bác sĩ và bệnh nhân tại Trung tâm Thalassemia đã quen với hình ảnh của một bệnh nhân đến từ vùng núi cao Tây bắc luôn tự tin vào cuộc sống, có ý chí vượt qua bệnh tật. Cứ xuống đến bệnh viện là Chấn lại sà vào làm quen với người bệnh mới, trò chuyện vui vẻ với bệnh nhân quen biết trong các lần điều trị trước. “Không phải vì bệnh tật mà đau khổ, buồn rầu. Có đau khổ bệnh cũng chẳng khoẻ nhanh được nên cứ vui vẻ sống sẽ là liều thuốc hữu hiệu hơn cả”, Chấn nói với mọi người và cũng luôn tự nhủ với mình như thế.
Chấn thường ôm đàn, cất cao tiếng hát để động viên mọi người và xua đi nỗi bất hạnh của bản thân, ngay cả những lúc vừa truyền máu xong. “Vào đây, ai cũng mắc bệnh, nhiều người bị bệnh hiểm nghèo, nên tiếng đàn, tiếng hát sẽ khiến mọi người quên đi đau đớn”, Chấn nói.
Nhìn Chấn ôm đàn hát trên giường bệnh, ít ai biết, để cậu con trai có được tinh thần lạc quan như hôm nay, ông Hoàng Nừng (bố của Chấn), một người lính năm xưa của đoàn văn công Quân khu Tây bắc, đã kiên trì truyền cho cậu con trai niềm đam mê âm nhạc từ ngày này qua tháng khác. Ông Nừng ngày ngày đàn hát cho Chấn nghe những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Rồi Chấn cũng ôm đàn, học hát cùng bố.
Ý chí chiến thắng bệnh tật
Năm 18 tuổi, Chấn xin phép cha mẹ cho theo học Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây bắc. Sau khi tốt nghiệp, Chấn xin được việc làm đúng chuyên môn nhưng gần một năm trước, sức khỏe suy giảm, những cơn mệt mỏi nhiều hơn, mỗi lần thở đều phải gắng sức… nên phải nghỉ làm, về nhà dưỡng bệnh. Tháng nào, Chấn cũng vượt hàng trăm km xuống Hà Nội đúng lịch hẹn của bác sĩ để truyền máu và thải sắt. Có đợt, bệnh trở nặng, Chấn nằm điều trị cả tháng trời. Cũng trong khoảng thời gian này, Chấn may mắn gặp được một nửa của đời mình. Một cô gái người dân tộc Giáy cảm phục ý chí của Chấn, mê tiếng đàn và giọng hát của Chấn đã đem lòng yêu thương rồi cùng chàng trai này xây dựng hạnh phúc lứa đôi.

tin liên quan

Bệnh tan máu bẩm sinh
Tan máu bẩm sinh (thalassemia) là bệnh di truyền, làm giảm chất lượng sống, giảm tuổi thọ. Tuy nhiên, bệnh có thể được dự phòng, phát hiện sớm và có các can thiệp phù hợp.
Từ ngày xây dựng tổ ấm, gánh nặng cơm áo gạo tiền, bao nhiêu lo toan của cuộc sống thường nhật đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng trẻ. Dù bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi nhưng Chấn không chịu ngồi yên một chỗ. Anh và các bạn của mình lập ban nhạc chuyên phục vụ lễ hội, đám cưới để kiếm thêm thu nhập, có tiền chữa bệnh. Chấn được tiếp thêm sức mạnh khi đón nhận niềm vui sắp được làm cha. Hạnh phúc hơn khi các bác sĩ thông báo, cháu bé sẽ không mắc bệnh di truyền từ bố.
Dù đau ốm nhưng Chấn chưa bao giờ tỏ ra chán nản hay có ý định từ bỏ nghiệp mà cha anh theo đuổi cả cuộc đời, cái nghiệp cũng đã ăn vào máu của anh. “Khi còn sức khoẻ, còn có thể gảy đàn và hát được, em muốn được cống hiến. Em mơ ước có đủ sức khoẻ để mở lớp dạy nhạc, dạy đàn tính cho các cháu thiếu nhi trong vùng”, Chấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.