Ứng xử văn minh trong học đường: Nếu giáo viên biết xử lý tình huống sư phạm...

16/12/2023 09:30 GMT+7

Nếu giáo viên biết xử lý tình huống sư phạm một cách hợp tình, hợp lý thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự bất hòa xảy ra giữa thầy và trò.

Vừa qua, sự việc học sinh Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) có hành vi ép giáo viên vào tường, văng tục khiến dư luận xã hội hết sức bất bình, phẫn nộ.

Hầu hết những xung đột, mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh trong suốt nhiều năm qua khiến dư luận bức xúc có nguyên nhân xuất phát từ khả năng giao tiếp và ứng xử chưa tốt của giáo viên.

Một giảng viên đại học từng chia sẻ: "Khi ngồi hội đồng thông qua chương trình đào tạo ngành sư phạm tiểu học, tôi thấy môn giáo dục học, có đến 18 chương nhưng rà mãi vẫn không thấy có nội dung nào dạy về tình huống sư phạm. Toàn giáo điều, từ lịch sử giáo dục, giáo viên, đến các nguyên lý, nguyên tắc giáo dục, các loại phương pháp giáo dục, quản lý giáo dục...".

Ứng xử văn minh trong học đường: Giáo viên cần bồi dưỡng tình huống sư phạm - Ảnh 1.

Cần tăng cường trang bị kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cho sinh viên sư phạm

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Món quà đặc biệt của Teddy

Đây được cho là lý do khiến giáo viên thiếu kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Tôi xin kể câu chuyện cảm động, trích trong sách Quà tặng cuộc sống như sau:

Nhân dịp lễ Giáng sinh, học sinh trong lớp đem tặng cô giáo chủ nhiệm Thompson những món quà thật đẹp, ngoại trừ Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu sạm màu mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa.

Cô Thompson mở gói quà ấy ra trước lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sứt mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã nhanh chóng dập tắt những tiếng cười nhạo kia. Cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa còn lại ít ỏi trong lọ lên cổ tay.

Hôm đó, Teddy đã ở lại lớp cuối cùng, chỉ để rón rén đến bên cô và bẽn lẽn: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sở dĩ cô giáo Thompson ứng xử tình huống sư phạm rất nhân văn là bởi cô được biết, cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến tâm lý Teddy. Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson ngồi khóc cả giờ đồng hồ.

Đưa học sinh cá biệt làm... lớp trưởng 

Khoảng 10 năm trước, tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 12 một trường THPT ở TP.HCM. Lớp tôi được hiệu trưởng xem là "cá biệt" vì có nhiều học sinh bị xếp loại hạnh kiểm trung bình ở năm học trước. Nhiều em thường xuyên vi phạm nội quy kỷ luật của trường, lớp khiến công việc chủ nhiệm của tôi rất vất vả.

Trong số này có nữ sinh L. thường xuyên lôi kéo bạn bè phá lớp. Một số giáo viên bộ môn dù có kinh nghiệm quản lý lớp học cũng "chào thua" vì em này luôn trong tư thế bỏ học, bất cần. Chỉ cần giáo viên nào nói nặng lời là L. nói trống không, cãi ngang thầy cô ngay giữa lớp học.

Xem sơ yếu lý lịch của L., tôi thấy hồ sơ chỉ ghi tên mẹ làm công nhân (vệ sinh môi trường) một quận ở TP.HCM, không có thông tin nào về cha. Tôi liền mời mẹ của L. đến trường để kết hợp giáo dục học sinh.

Gặp tôi, chưa kịp trao đổi gì, người mẹ đã tuôn nước mắt như mưa. Lấy lại bình tĩnh, chị nói rằng, con chị làm phiền thầy cô giáo chủ nhiệm đã từ nhiều năm nay nhưng chị không dạy được.

Phụ huynh kể, chị và người chồng đã ly hôn từ lúc L. còn học lớp 1, gia đình chỉ có một đứa con gái này. Sau đó, chị đem con gái vô TP.HCM thuê phòng trọ, làm công nhân môi trường để mưu sinh và nuôi con. Trong suốt 12 năm một mình nuôi con, chồng chị chưa một lần tìm thăm con gái. Thấu hiểu hoàn cảnh, tôi hứa sẽ giúp phụ huynh hết sức trong khả năng sư phạm của mình.

Nhiều lần tôi nói chuyện với L. như hai người bạn để thầy trò bớt khoảng cách. Trong một lần dẫn lớp đi ngoại khóa, tôi nói với nữ sinh này rằng, thầy đã gặp và trò chuyện với mẹ em - một phụ nữ xinh đẹp nhưng sao ánh mắt quá buồn. Có lẽ vì nhân duyên không trọn vẹn và đứa con gái lớn đã học lớp 12 nhưng quá thờ ơ với mẹ.

Nữ sinh L. không nói gì, chỉ cúi mặt. Tôi tiếp lời, nếu em nghỉ học sớm, có khi chỉ 1-2 năm là lấy chồng vì em là hoa khôi của trường, được nhiều bạn nam thương mến. Rồi cuộc sống của em có hơn gì gia đình mình hiện tại không?

Ứng xử văn minh trong học đường: Giáo viên cần bồi dưỡng tình huống sư phạm - Ảnh 2.

Người thầy cần thấu hiểu những hoàn cảnh đặc biệt của học sinh

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nghe tôi nói đến chuyện chồng con, L. cười vang và đáp lại "ít nhất cũng đến 30 tuổi thầy à". Đây là lần đầu tiên em nói với tôi một câu tử tế như thế. Tôi nói vui, lấy chồng đôi khi chỉ là… hên xui, và đó là chuyện của tương lai. Trước mắt, em hãy giúp thầy làm lớp trưởng để lớp ổn định kỷ luật, vì tiếng nói của em rất có trọng lượng.

L. suy nghĩ một lúc và đồng ý nhận làm chức lớp trưởng tôi giao. Kể từ hôm đó, nữ sinh luôn đi học sớm, lấy chìa khóa mở phòng học, nhắc các bạn làm vệ sinh lớp sạch sẽ. Em cũng tự giác chấp hành nội quy và nâng cao ý thức học tập, cuối năm được xếp loại hạnh kiểm loại tốt.

Là nhà giáo có kinh nghiệm dạy học, tôi thấy nhiều đồng nghiệp của mình giỏi chuyên môn nhưng thiếu nghiệp vụ - ứng xử tình huống sư phạm, nên việc dạy học đôi lúc chưa mang lại hiệu quả.

Để giải quyết triệt để vấn đề này trong tương lai, không cách gì tốt hơn là phải nhanh chóng nâng cao năng lực ứng xử sư phạm cho giáo viên bằng những giải pháp căn cơ. Đó là cơ quan quản lý giáo dục cần tổ chức các cuộc thi về ứng xử sư phạm cho giáo viên để giúp thầy cô có cơ hội trau dồi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tôi khẳng định, nếu giáo viên được trang bị nhiều kỹ năng ứng xử sư phạm sẽ giúp giải quyết được những mâu thuẫn giữa thầy và trò, giữa các học sinh từ sớm. Khi giáo viên có kỹ năng ứng xử sư phạm tốt sẽ giúp mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng gắn kết.

Báo Thanh Niên khép lại diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường"

Trước hành vi ứng xử gây xôn xao dư luận của học sinh và cô giáo tại lớp 7C Trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Thanh Niên Online mở diễn đàn: "Ứng xử văn minh trong học đường" với mong muốn nhận được những chia sẻ, trải nghiệm, khuyến nghị, ý kiến từ độc giả để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện; giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh có cách ứng xử văn minh, phù hợp trong môi trường học đường hiện nay.

Trong tuần qua, Báo Thanh Niên đã nhận được nhiều bài viết của quý độc giả. Với nhiều góc nhìn khác nhau, các bài viết đã đưa đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm xây dựng môi trường ứng xử văn minh trong học đường, giúp mối quan hệ giáo viên-học sinh-phụ huynh trở nên tốt đẹp hơn. 

Diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường" xin khép lại ở đây. Báo Thanh Niên xin cảm ơn bạn đọc, thầy cô và chuyên gia đã tham gia diễn đàn ý nghĩa này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.