Ứng xử kiểu... hoa hậu

05/07/2014 09:06 GMT+7

(TNTS) Chị Cú Mèo ơi, tại sao các thí sinh thi hoa hậu đều có phần thi ứng xử chán thế, trong khi tiếp xúc bên ngoài em thấy họ không đến nỗi nào. Chả lẽ lúc thi ai cũng trở thành ngốc hả chị? Có cách chi để khắc phục chuyện này không? (Quỳnh Trang)

 Ứng xử kiểu... hoa hậu
Minh họa: DAD

Em Quỳnh Trang thân mến.

Đúng là các phần thi ứng xử trong các cuộc thi hoa hậu rất chán, thậm chí có nhiều lúc nguy hiểm và thảm họa nếu như thí sinh trả lời về một vấn đề nhạy cảm nhưng lại ngô nghê.

Có nhiều lý do để một cô gái trở nên lúng túng và ấp úng trước đám đông, và có người đã thống kê như sau:

1 - Cô gái còn quá trẻ, chưa có tiếp xúc nhiều.

2 - Đám đông quá cuồng nhiệt, quá ầm ĩ và... quá đông khiến ai cũng mất tinh thần.

3 - Những câu hỏi quá dở không thể trả lời hay được.

4 - Các cô gái từ nhỏ tới lớn không được giáo dục tính tự lập, bất cứ vấn đề gì cũng quen làm theo những điều quy định sẵn.

Trong các yếu tố kể trên, riêng chị thấy yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất.

Bởi theo chị, muốn trả lời hay thì câu hỏi phải hay. Giống như một ca sĩ muốn hát hay thì bài hát cũng phải hay vậy.

Ví dụ như em chắc chắn thấy trong cuộc sống, có những người mình gặp mình rất muốn trò chuyện không dứt do họ rất thú vị, nhưng cũng có những người mình gặp, ngồi với nhau cả tiếng đồng hồ cũng chả biết nên nói gì do họ quá tẻ nhạt.

Một câu hỏi cho phần thi ứng xử thật ra không hề đơn giản. Nó không phải là một câu đánh đố, khiến thí sinh nghĩ nát óc không ra vì họ chỉ đứng trên sân khấu có vài phút. Nó cũng không phải là một câu muốn trả lời sao cũng được, chả có chút kịch tính gì.

Sau nhiều năm theo dõi thi hoa hậu, ai cũng dễ dàng nhận ra phần lớn các câu hỏi đều rất sáo rỗng, chả hề để thí sinh bộc lộ cá tính hoặc cảm xúc thật, và để làm đẹp lòng đám đông chỉ còn cách nói một chiều, ví dụ như: “Giữa một chàng trai nhà giàu nhưng học dốt và một trai nhà nghèo nhưng thông minh, em chọn anh nào?” hoặc “Em cần tiền hay cần tình yêu?”.

Cho nên, trong đa số cuộc thi, lúc câu hỏi được đặt ra là lúc khán giả cười bò hoặc chán nản, vì chúng vừa “sến” lại vừa giả tạo.

Còn thêm một chi tiết nữa là các thí sinh đều là những cô gái trẻ, kiến thức về chính trị, xã hội không thể nhiều, cho nên cũng không nên đặt ra các câu hỏi có tầm quốc gia, có tầm quốc tế, làm thế nào họ trả lời được?

Nói tóm lại, phần thi ứng xử đã, đang và sẽ còn là phần có nhiều vấn đề của các cuộc thi hoa hậu, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể bỏ nó đi và đấy vẫn là một tiêu chuẩn đánh giá con người.

Cuối cùng, chị thấy trách thí sinh thì cũng phải trách ban tổ chức, vì họ chính là người ra câu hỏi, họ phải cảm nhận được nó trước chứ không thể phó thác hết cho các cô gái đẹp.

Chị Cú Mèo

>> Hoa hậu Việt Nam' xiết chặt thể lệ
>> Lần đầu tiên một hoa hậu xin trả lại vương miện
>> Hoa hậu 'bàn tọa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.