Ứng viên chức danh cấp thượng tầng VFF cần có cương lĩnh hành động trước bầu cử

10/08/2022 14:06 GMT+7

Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận mà Đại hội khóa 9 sắp tới cũng không phải ngoại lệ. Nếu không có gì thay đổi, sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 6.11.

4 năm trước, Đại hội VFF khóa 8 trước khi được tổ chức vào tháng 12.2018, VFF đã có nhiều sóng gió về việc lựa chọn nhân sự vào các chức danh chủ chốt. Nhiều ý kiến phản đối việc cựu giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa được giới thiệu vào chức danh Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính tài trợ. Nhưng ông Nghĩa đã trúng cử.

Ông Cấn Văn Nghĩa (bìa phải)

HOÀNG QUÂN

Sau đại hội, sóng gió vẫn không ngừng tiếp diễn khi vào cuối tháng 6.2019, ông Cấn Văn Nghĩa đã viết đơn xin từ chức vì lý do sức khỏe. Nhưng dư luận đều hiểu, có thể ông Nghĩa xin rút lui vì bị nhiều áp lực, do có liên quan đến những bê bối tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình khi ông còn đương chức.

Hơn 1 năm sau đó, chức danh Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính tài trợ coi như để trống (dù lúc này, Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn cũng phải đảm nhiệm phần việc mà ông Nghĩa để lại). Đến tháng 11.2020, ông Lê Văn Thành trúng cử chức danh Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính tài trợ, sau khi đánh bại 2 ứng viên gồm Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam Trần Văn Liêng.

Quang cảnh Đại hội VFF khóa 8 năm 2018

HOÀNG QUÂN

Cấp thượng tầng VFF lại có sự biến động về vị trí lãnh đạo cao nhất khi Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải (vì bận công việc Nhà nước) nên chia tay VFF vào đầu năm 2022. Ông Trần Quốc Tuấn đảm trách vai trò quyền Chủ tịch VFF đến nay.

Được biết, Đại hội VFF khóa 9 (2022 - 2026) nếu được Bộ Nội vụ cấp giấy phép, sẽ tổ chức vào ngày 6.11.2022 tại Hà Nội. Theo thông báo mới nhất từ VFF, các tổ chức thành viên (74 tổ chức - TN) hoàn thiện danh sách đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành VFF khóa 9, liên hệ và nhận được sự đồng ý tham gia ứng cử của người được đề cử, gửi về VFF hạn ngày 6.9.2022.

Tổ chức thành viên có quyền đề cử từ 1 đến tối đa 17 ứng cử viên tham gia Ban Chấp hành VFF khóa IX (trong đó có 1 chủ tịch; 3 phó chủ tịch phụ trách các lĩnh vực: Chuyên môn, truyền thông và đối ngoại, tài chính và vận động tài trợ; 13 Ủy viên).

Chia sẻ với Báo Thanh Niên, một vài tổ chức thành viên (cũng là các CLB tại V-League) cho biết, các tổ chức này vào ngày 5.8 đã nhận được từ Ban tổ chức Đại hội văn bản đề nghị đề cử nhân sự cho Ban chấp hành và Ban Kiểm tra VFF khóa 9. Các thành viên đang cân nhắc để lựa chọn các cá nhân đề cử.

Một CLB phía bắc cho hay: “Các tiêu chí về nhân sự Ban chấp hành cũng như các chức danh chủ chốt khá rõ ràng. Đây đều là những tiêu chí khắt khe. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn sau khi Ban tổ chức Đại hội tổng hợp các danh sách đề cử, đặc biệt là đề cử các chức danh chủ chốt thì các cá nhân này nên xây dựng cương lĩnh hành động, hay nói cách khác là chương trình hành động cụ thể nếu được trúng cử tại đại hội. Chương trình này nên chia thành nhiều lĩnh vực, trong đó ứng viên phải làm rõ được trách nhiệm và vai trò của mình ở từng lĩnh vực đó (bóng đá phong trào, các giải đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam, đào tạo trẻ, bóng đá đỉnh cao…), với mục tiêu cao nhất là đáp ứng được một số yêu cầu nhất định được đặt ra tại Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Chính phủ ban hành. Đội tuyển Việt Nam cần làm gì để giành vé dự World Cup 2026 cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các ứng viên nên đưa vào kế hoạch hoạt động của mình. Có thế mới thuyết phục được các lá phiếu bầu cử tại Đại hội VFF”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.