Ứng phó nguy cơ dịch bệnh mới xâm nhập

08/01/2023 06:32 GMT+7

VN đang chủ động theo dõi và có những biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều nước thay đổi chính sách phòng dịch, trong đó có việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới từ hôm nay 8.1.

Sau một thời gian dài áp dụng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt, từ hôm nay Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19, mở cửa lại biên giới. Dự kiến, các hoạt động xuất nhập cảnh, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được khôi phục. Trong những tháng tới, đặc biệt trong dịp đầu năm mới 2023, Tết Quý Mão và mùa lễ hội năm 2023, sự giao lưu, đi lại qua biên giới có xu hướng gia tăng, nên nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập Việt Nam là rất lớn.

Phương tiện qua lại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái được phun khử khuẩn nghiêm ngặt, bảo đảm phòng chống dịch trong tình hình mới

Lã Nghĩa Hiếu

Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư phối hợp chặt chẽ các địa phương để chủ động giám sát các biến thể/biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại Việt Nam; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các tỉnh, thành để xét nghiệm giải trình tự gien xác định biến thể mới, báo cáo ngay về Cục Y tế dự phòng và thông báo cho sở y tế các tỉnh, thành các trường hợp mắc biến thể/biến chủng mới (nếu có) để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí phòng chống dịch

Cần tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu. Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp, cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp. Trong nước, cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gien.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Trần Như Dương

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cập nhật mới nhất về Covid-19. Theo đó, Việt Nam đã ghi nhận biến thể phụ mới nhất của Omicron là XBB, biến thể phụ này sẽ còn lây lan rộng hơn. Các vắc xin phòng Covid-19 được WHO phê duyệt vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do Covid-19. WHO tiếp tục khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm: đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên; tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.

Lực lượng Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh giám sát thân nhiệt của người nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam

Lã Nghĩa Hiếu

Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu

Trước sự thay đổi về chính sách phòng chống dịch Covid-19 của một số nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương mới đây đã chủ trì cuộc họp với Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) về giám sát và đáp ứng tình hình dịch bệnh. Cuộc họp này được kết nối trực tuyến từ Văn phòng PHEOC với các đơn vị chuyên môn và một số sở y tế tại các tỉnh, thành có cửa khẩu. Theo bà Liên Hương, với sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng chống dịch Covid-19 và chính sách đối với người nhập cảnh, trong nước cũng cần có sự chuẩn bị nhằm kiểm soát dịch bệnh để không bị động trong tình hình mới.

Lạng Sơn gỡ bỏ toàn bộ vùng đệm chống dịch

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Lạng Sơn), cho biết qua hội đàm và thống nhất với chính quyền Bằng Tường và H.Ninh Minh, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thì từ ngày 8.1 trở đi, phía Trung Quốc chỉ thí điểm xuất nhập cảnh ở cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Ngoài ra, 3 cửa khẩu khác chỉ duy trì xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc gồm Chi Ma, Cốc Nam và Tân Thanh. Các cửa khẩu này sẽ gỡ bỏ toàn bộ vùng đệm phòng dịch Covid-19, và lái xe lên cửa khẩu không cần phải làm xét nghiệm Covid-19 như trước đây.

Tuy nhiên, tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị Quan - cửa khẩu Hữu Nghị, phía Trung Quốc vẫn yêu cầu lái xe điều khiển phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu và người đi cùng trước khi nhập cảnh vào Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR trong 48 giờ và phiếu khai báo sức khỏe.

Đối với hoạt động xuất nhập cảnh, công dân Trung Quốc khi xuất cảnh Việt Nam, nhập cảnh Trung Quốc không cần đăng ký lịch hẹn trước khi nhập cảnh, chỉ cần giấy xét nghiệm Covid-19 có giá trị trong 48 giờ tại 1 trong 8 cơ sở xét nghiệm do Đại sứ quán Trung Quốc chỉ định. Công dân Việt Nam và nước thứ 3 tạm thời vẫn chưa thể nhập cảnh Trung Quốc.

Phan Hậu

Bà Liên Hương đánh giá dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn cơ bản đang được kiểm soát, tỷ lệ mắc mới, bệnh nhân nặng và ca tử vong thời gian qua đều giảm, các biện pháp phòng chống dịch đáp ứng yêu cầu và thích hợp trong tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, các địa phương, đặc biệt các địa phương có cửa khẩu, cần phải đẩy nhanh tiêm chủng, tăng cường lấy mẫu giám sát tại cộng đồng, rà soát lại hệ thống điều trị; tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về các viện, bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gien để đánh giá nguy cơ.

Chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh việc các quốc gia cần tiếp tục giám sát dựa trên nhiều nguồn, đặc biệt theo dõi ca nhập viện, ca bệnh nặng điều trị để đánh giá khả năng có thể xuất hiện làn sóng mới của dịch bệnh cũng như tác động đến hệ thống y tế. Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự gia tăng của ca bệnh.

Bộ đội biên phòng Lào Cai tăng cường quân số hướng dẫn, phân luồng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu, sẵn sàng nối lại thông thương

PHAN HẬU

Đáp ứng khi có ca nghi mắc tại cửa khẩu

Bên cạnh đó, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm có công văn khẩn đề nghị các sở y tế cần tiếp tục thực hiện nghiêm các hoạt động kiểm dịch y tế. Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, hóa chất để đảm bảo tốt cho hoạt động kiểm dịch y tế và cập nhật kế hoạch dự phòng liên ngành đáp ứng kịp thời khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm tại khu vực cửa khẩu; chuẩn bị sẵn sàng các phương án để xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.

Chính phủ đề xuất chuyển nguồn hơn 5.000 tỉ đồng kinh phí chống dịch Covid-19

Quảng Ninh sẵn sàng các phương án

Ngày 7.1, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết địa phương này đã sẵn sàng phương án tổ chức lại hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn, áp dụng từ ngày 8.1 sau khi phía Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19. Theo ông Diện, tại các cửa khẩu trên địa bàn sẽ điều chỉnh chính sách “dừng xuất nhập cảnh hành khách, chỉ xuất nhập khẩu hàng hóa”, dần khôi phục trạng thái xuất nhập cảnh hành khách qua biên giới (bao gồm cả cư dân biên giới qua lại); tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thuyền viên Trung Quốc và nước ngoài chuyển tàu tại Trung Quốc.

Cụ thể, đối với người từ Trung Quốc nhập cảnh, bỏ quy định xét nghiệm PCR. Người có khai báo sức khỏe hợp lệ theo quy định kiểm dịch của Cơ quan hải quan cửa khẩu sẽ được phép nhập cảnh không cần cách ly. Tuy nhiên, trường hợp người có khai báo sức khỏe không hợp lệ, có dấu hiệu, triệu chứng sốt, sẽ được cơ quan hải quan xét nghiệm kháng nguyên. Các trường hợp xét nghiệm dương tính, có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể cách ly điều trị tại nhà, tại khu cách ly hoặc tự điều trị, các trường hợp khác phải đến cơ sở y tế điều trị.

Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, trong các ngày từ 2 - 6.1, tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã sẵn sàng phương án tổ chức hoạt động xuất nhập cảnh sau khi cửa khẩu được mở lại công năng. Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP.Móng Cái, cho biết sau khi phía Trung Quốc có thông tin về việc dỡ bỏ chính sách Zero Covid, TP.Móng Cái đã chủ động lên phương án cho hoạt động xuất nhập cảnh của công dân hai nước; đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Cũng theo ông Huy, địa phương này đưa ra các tình huống xử lý đối với trường hợp lưu lượng cư dân qua lại biên giới dưới 5.000 lượt/ngày, từ 5.000 - 10.000 lượt/ngày, từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày và trên 15.000 lượt/ngày.

Đến thời điểm này, tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã hoàn thành công tác chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh và sửa chữa các thiết bị phục vụ hoạt động xuất nhập cảnh.

Đại diện Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết đơn vị đã bố trí 30 cán bộ chiến sĩ làm thủ tục xuất nhập cảnh; xây dựng phương án phân luồng, trong đó cư dân biên giới sẽ bố trí luồng riêng, du khách luồng riêng để tránh tình trạng ùn tắc, đảm bảo hoạt động xuất nhập cảnh được thông suốt, an toàn.

Nghĩa Hiếu

Cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất để đảm bảo tốt cho hoạt động kiểm dịch y tế và cập nhật kế hoạch dự phòng liên ngành đáp ứng kịp thời khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm tại khu vực cửa khẩu; phối hợp các đơn vị y tế khác xử lý ổ dịch không để bùng phát tại cộng đồng.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Trần Như Dương lưu ý thêm cần tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu. Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp, cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp. Trong nước, cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gien.

Biến thể Covid-19 XBB lây lan cực nhanh được phát hiện ở Tây Ninh và TP.HCM

Đà Nẵng thực hiện đều đặn công tác giám sát

Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Trúc Lâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), cho biết hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể sau khi Trung Quốc thay đổi chính sách phòng dịch. Trước mắt, CDC Đà Nẵng vẫn đang tăng cường công tác theo dõi, giám sát ở khu vực cửa khẩu.

“Trên thực tế, việc triển khai công tác giám sát dịch tại cửa khẩu thì khoa kiểm dịch y tế của CDC vẫn sẽ thực hiện đều đặn như trước đó. Vẫn giám sát người nhập cảnh từ nước ngoài vào, giám sát thân nhiệt, nếu có các dấu hiệu bất thường thì sẽ dừng lại để khám kỹ hơn. Nếu phát hiện triệu chứng nghi ngờ thì sẽ chuyển về nơi lưu trú của họ để thông báo cho y tế địa phương giám sát, khuyến cáo họ đến các cơ sở y tế để chẩn đoán”, ông Lâm nói.

Hoàng Sơn

Tăng cường 2K tại sân bay

Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết đơn vị quản lý cảng đã quán triệt thực hiện chính sách 2K (khẩu trang + khử khuẩn) triệt để với hành khách tại sân bay, tăng cường phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt sau thời điểm 8.1.2023. Trước đó, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT liên quan đến hoạt động khai thác vận chuyển hàng không sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế với các chuyến bay thường lệ đi, đến nước này. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã làm việc với đại diện các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines về kế hoạch khai thác đến Trung Quốc.

Theo các hãng, nguồn khách giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu là khách du lịch, do đó chính sách visa của hai nước đối với xuất nhập cảnh với mục đích du lịch là rất quan trọng. Để tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển thị trường hàng không - du lịch giữa hai nước, các hãng hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với các bộ, ngành liên quan đề nghị có chính sách visa phù hợp đối với khách du lịch Trung Quốc.

Mai Hà

Lào Cai chủ động phòng ngừa

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, nhận định khi Trung Quốc mở cửa biên giới thì nhu cầu xuất nhập cảnh thăm thân, về quê rất lớn, số lượng người qua lại biên giới rất đông. Công tác phòng chống dịch Covid-19 phải kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là luồng nhập cảnh.

Theo ông Hương, trước ngày 8.1, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp cửa khẩu quốc tế Lào Cai và cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành đã lắp đặt xong 3 máy đo thân thiệt. Mỗi khu vực đặt máy đo có từ 5 - 7 cán bộ y tế/ca làm việc để kiểm soát toàn bộ người nhập cảnh. Khi phát hiện trường hợp sốt cao, sẽ được đưa ra khu vực cách ly để làm xét nghiệm. Trường hợp người có kết quả xét nghiệm dương tính, nếu là công dân Việt Nam thì sẽ được cho về nhà cách ly, là người Trung Quốc thì buộc hồi hương.

Bên cạnh đó, ông Hà Đức Thuận, Phó ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, cho biết ngày 5.1, đoàn công tác tỉnh Lào Cai đã làm việc với chính quyền H.Hà Khẩu (Trung Quốc). Chính quyền H.Hà Khẩu khẳng định từ ngày 8.1 mở cửa toàn diện các hoạt động tại biên giới cửa khẩu với Lào Cai. Ngày đầu tiên mở lại cửa khẩu sau gần 3 năm phong tỏa chống dịch Covid-19, H.Hà Khẩu tổ chức cho 200 cư dân biên giới, khách du lịch xuất cảnh sang Lào Cai; đồng thời mong muốn đón số lượng khách tương tự từ Lào Cai sang Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền H.Hà Khẩu khẳng định, từ ngày 8.1 trở đi, lái xe Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc không cần phải xét nghiệm Covid-19 mà chỉ cần khai báo y tế theo biểu mẫu giống Việt Nam.

Phan Hậu

TP.HCM tăng cường giám sát

Đầu năm 2023, trước tình hình hành khách nhập cảnh tăng cao và sự xuất hiện các biến chủng mới của Covid-19 trên thế giới, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP.HCM đã triển khai tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu của TP.

Từ trước đến nay, HCDC luôn duy trì bộ phận thường trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24 tại các cửa khẩu của TP.HCM là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP.HCM. “Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Sở Y tế, ngay từ đầu năm, HCDC đã tăng cường giám sát, phòng chống dịch ngay tại cửa khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý các chuyến bay và hành khách đến từ các vùng đang bùng phát dịch”, bác sĩ Tâm nói.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 hệ thống đo thân nhiệt ở khu vực nhập cảnh, và mọi hành khách đều phải đi qua dù đến từ nước nào. Khi bộ phận kiểm dịch phát hiện người có triệu chứng sốt (qua máy đo thân nhiệt), mệt mỏi, nổi ban… (qua quan sát) thì sẽ mời vào khu vực riêng để khám sơ bộ, khai thác yếu tố dịch tễ. Nếu phát hiện bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A hoặc bệnh mới nổi, thì sẽ cho cách ly tạm ở khu vực riêng, hoàn tất thủ tục nhập cảnh và sau đó chuyển đi bệnh viện cách ly (với Covid-19 thì hiện nay cho phép cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện).

Duy Tính

Khánh Hòa đảm bảo 100% hành khách được kiểm tra thân nhiệt

Ngày 7.1, bà Lê Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh, cho biết trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, dự kiến sẽ có 4 chuyến bay đến và 4 chuyến bay đi giữa Việt Nam - Trung Quốc qua cảng hàng không này; trung bình mỗi chuyến bay có từ 150 - 180 hành khách. Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Khánh Hòa (Trung tâm), cho biết ngay từ đầu năm 2023 Trung tâm đã có văn bản gửi Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và các đơn vị liên quan về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, Trung tâm đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tại cảng hàng không tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện việc phân luồng, đảm bảo 100% hành khách được giám sát thân nhiệt; đảm bảo các điều kiện thuận lợi, thông thoáng không gây ứ đọng hành khách tại khu vực kiểm dịch đang thực hiện công tác giám sát y tế. Đối với trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, kiểm dịch viên sẽ đưa vào cách ly tạm thời làm mẫu xét nghiệm. Trong trường hợp khách dương tính với Covid-19, Trung tâm sẽ phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và các đơn vị liên quan kịp thời đưa hành khách đến cơ sở cách ly theo quy định. “Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như trên được áp dụng cho tất cả các khách quốc tế đến Khánh Hòa, không phân biệt đối với quốc gia nào”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Sở Du lịch Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch về việc Trung Quốc thông báo điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh để các đơn vị chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Thế Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.