Ứng phó mưa lũ, sạt lở đất sau bão số 3

03/08/2019 06:09 GMT+7

Sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, vấn đề đặt ra là phòng chống úng ngập ở các đô thị tại Bắc bộ và lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi phía bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

* Giông lốc làm 129 nhà dân bị hư hỏng, một người chết vì sạt lở đất
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 22 giờ ngày 2.8, tâm bão số 3 ngay trên khu vực tỉnh Quảng Ninh; cách Hải Phòng khoảng 190 km, cách Nam Định khoảng 230 km. Bão di chuyển theo hướng tây tây nam, tốc độ khoảng 5 - 10 km/giờ, men theo vùng bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, trên đất liền các tỉnh Hải Phòng - Nam Định. Áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa cho cả Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ đến hết đêm 4.8.

Di dời hàng chục ngàn dân

Chiều 2.8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh. Tại hiện trường, Phó thủ tướng nhấn mạnh, bão số 3 có diễn biến phức tạp, vì vậy cần chuẩn bị mọi phương án đối phó. Phó thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Quảng Ninh và ngành than phòng chống sạt lở các bãi thải mỏ khi có mưa lớn sau bão. Đến 17 giờ ngày 2.8, Quảng Ninh đã di chuyển 16.132 người trên các lồng bè, chòi canh thủy sản về vị trí an toàn. Tỉnh này cũng đã huy động 2.005 cán bộ, chiến sĩ; 2.294 dân quân tự vệ; 5.498 lượt người dân; 545 lượt phương tiện xe máy; 129 lượt tàu, xuồng sẵn sàng ứng cứu các sự cố. Các phương tiện cũng bị cấm lưu thông qua cầu Bạch Đằng từ tối qua.
Nhà của một hộ gia đình tại H.Quan Sơn (Thanh Hóa) bị giông lốc gây đổ sập vào chiều 1.8

Nhà của một hộ gia đình tại H.Quan Sơn (Thanh Hóa) bị giông lốc gây đổ sập vào chiều 1.8

Người dân H.Cát Hải (Hải Phòng) dùng bao cát làm đê chống bão

Người dân H.Cát Hải (Hải Phòng) dùng bao cát làm đê chống bão

Chằng chống cửa kính một cửa hàng

Chằng chống cửa kính một cửa hàng

Tiểu thương chợ Đổ, Q.Hồng Bàng (TP.Hải Phòng) đóng cửa sớm do lo bão đổ bộ ẢNH: PHÚC NGƯ - Lê Tân

Tiểu thương chợ Đổ, Q.Hồng Bàng (TP.Hải Phòng) đóng cửa sớm do lo bão đổ bộ

ẢNH: PHÚC NGƯ - LÊ TÂN

Từ sáng 2.8, UBND TP.Hải Phòng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công trình đê điều và công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hải Phòng, đã có 3.344 phương tiện/14.172 lao động, 465 lồng bè/1.290 lao động, 350 chòi canh/288 lao động được đưa về nơi tránh trú bão an toàn. Bộ Chỉ huy quân sự TP.Hải Phòng đã bố trí sẵn sàng 9.707 người và 152 phương tiện để tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 cũng điều động tàu SAR 411 và SAR 273 ứng trực tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà và các ca nô 02, 03, 06 ứng trực tại khu vực bắc sông Cấm. Các quận Hồng Bàng, Lê Chân và Ngô Quyền đều đã có phương án di dân tại các khu tập thể cũ, nhà xung yếu.
Tại các địa phương ven biển như Q.Đồ Sơn, H.Cát Hải, người dân dùng gỗ, bao cát để làm "áo giáp" và đê chống gió, sóng biển khi bão đổ bộ. Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, địa phương đầu tiên của Hải Phòng chịu ảnh hưởng của bão, sáng 2.8 đã có gió cấp 8. Trong khi đó, tại Thái Bình, địa phương này đã di dời 14.208 hộ dân với 51.098 nhân khẩu đang sinh sống ngoài đê đến nơi an toàn.

Không để thủy điện xả “lũ chồng lũ”

Dự báo bão số 3 gây mưa to đến rất to đến hết ngày 4.8 ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ, lượng mưa phổ biến 100 - 300 mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa 200 - 400 mm/đợt, là nội dung được thảo luận nhiều nhất tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 2.8 tại Hà Nội.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đang có 89 công trình, hệ thống đê điều đang thi công với 230 vị trí xung yếu. Ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ đang có 141 hồ chứa hư hỏng, 62 hồ chứa đang thi công có thể mất an toàn khi có mưa lũ. Bên cạnh đó, có 12 hồ, đập thủy điện đang phải xả tràn để tạo đón lũ trong đợt mưa tới.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết ngay trong mùa mưa bão năm nay đã xuất hiện một số vụ việc hồ thủy điện nhỏ xả lũ mất an toàn như gây chết người, cuốn trôi cầu treo ở vùng hạ du. Ông Hoài đề nghị kiểm soát chặt chẽ các công trình hồ đập thủy điện nhỏ, đảm bảo vận hành đúng quy trình.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, ngoài 12 hồ đang xả tràn thì khu vực Bắc bộ, bắc Trung bộ có hàng trăm hồ, đập thủy điện lớn nhỏ. Những công trình này không có dung tích phòng lũ nên trước khi có mưa phải chủ động xả nước để có dung tích phòng lũ chủ động. Nhưng do chủ các công trình tiếc nước nên không xả, khi lũ về quá lớn mới xả khiến lũ chồng lũ, gây thảm họa. “Các hồ thủy điện nhỏ phải chủ động xả theo đúng quy trình, đúng quy định, dứt khoát trong đợt mưa bão, công trình nào gây ra lũ chồng lũ, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xử lý trách nhiệm”, ông Hiệp nói.

Giông lốc làm 129 nhà dân bị hư hỏng, một người chết vì sạt lở đất

Chiều 2.8, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong đêm 1.8 đã có mưa giông diện rộng ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Hà Tĩnh và các huyện Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa). Thống kê ở các địa phương đến chiều 2.8 đã ghi nhận có 129 ngôi nhà, 1 trường học bị hư hỏng, tốc mái và trên 14 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Thanh Hóa thiệt hại nặng nhất khi có 107 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 31.7 - 2.8, một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn. Tại xã Mường Lý, H.Mường Lát, đất đá sạt lở đã làm anh Vàng A Lâu (33 tuổi, Trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý) tử vong ngày 31.7. Từ chiều tối 1.8, mưa kèm giông lốc xảy ra tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn làm tốc mái, gây hư hỏng 34 nhà dân. Ngày 2.8, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã được huy động để sẵn sàng giúp đỡ người dân chống bão.
Minh Hải - P.Hậu
 

Nhiều tàu cá và ngư dân gặp nạn trên biển

Chiều 2.8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết tỉnh này có 2 tàu đang bị chìm và 3 tàu cá khác đang thả trôi trên biển.
Tàu cá BĐ 97574 TS của ông Hồ Thu (ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định), trên tàu có 4 người, bị chìm khoảng 16 giờ ngày 2.8. Sau đó, một tàu cá gần đó đã cứu được 4 ngư dân trên tàu cá BĐ 97574 TS. Tàu cá vỏ thép BĐ 99999 TS của ông Lê Văn Thiểu (ở xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn) bị chìm từ ngày 30.7, có 6 ngư dân trên tàu này đã được tàu khác cứu được. Hiện khu vực 2 tàu cá bị chìm có sóng to, gió lớn nên rất khó trục vớt, lai dắt.
Sáng 1.8, tàu cá BĐ 95238 TS của ông Nguyễn Thuận (ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn), trên tàu có 5 người, bị hỏng trục láp, đang thả trôi tại vị trí cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 24 hải lý theo hướng đông nam. Tàu cá BĐ 97999 TS của ông Bùi Thanh Ninh (ở xã Tam Quan Bắc), trên tàu có 13 người, thì bị hỏng máy, thả trôi tại vùng biển cách đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) 47 hải lý về hướng đông bắc từ sáng 1.8. Tàu cá BĐ 96022 TS của ông Trần Chiền (xã Tam Quan Bắc), trên tàu có 4 người, bị gãy bánh lái và đang thả trôi từ sáng 2.8.
Ngày 2.8, UBND xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) cho biết, hai ngày qua triều cường xâm thực mạnh, đe dọa hàng chục hộ dân sống ở thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê. Đã có 2 ngôi nhà của ông Trần Văn Thương và ông Lê Hê ở thôn này bị sóng đánh sập; 2 ngôi nhà khác đang có nguy cơ bị cuốn ra biển.
Hoàng Trọng - Phạm Anh 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.