Lăng kính bạn đọc:

Ủng hộ việc các trường được quyền chọn sách giáo khoa

M.Giao
M.Giao
27/10/2023 07:30 GMT+7

Nhiều bạn đọc ủng hộ việc quyền lựa chọn sách giáo khoa được trả về cho các trường và cho rằng điều này phù hợp với thực tế hơn. Tuy nhiên, một số bạn đọc khác thì còn băn khoăn.

Như Thanh Niên đã thông tin, theo dự thảo của Bộ GD-ĐT về lựa chọn sách giáo khoa (SGK), quyền lựa chọn SGK được trả về cho các trường thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đại Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồ Văn Thanh (hiện đã nghỉ hưu), Q.12, TP.HCM, cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều bộ SGK. Khi được trả lại quyền lựa chọn SGK về các nhà trường thì cái hay ở đây chính là hội đồng lựa chọn SGK gồm nhà trường, giáo viên (GV), đại diện cha mẹ học sinh (HS)... là người hiểu, nắm được hết những đặc thù của HS, phụ huynh (PH) địa phương mình, từ đó sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp cho HS, với con em PH tại nơi đó.

Ủng hộ việc các trường được quyền chọn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Sách giáo khoa lớp 4 được bán tại Nhà sách và thiết bị trường học Nguyễn Tri Phương, P.9, Q.5, TP.HCM

THÚY HẰNG

Theo dự thảo trên, mỗi trường thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng. Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện GV, đại diện ban cha mẹ HS.

Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá SGK của GV; danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.

Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng. Bên cạnh đó, chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn SGK của cơ sở.

Mọi người sẽ có trách nhiệm hơn

"Tôi ủng hộ việc giao cho các trường chọn SGK. Điều này sẽ giúp các trường, GV và cả PH, HS có trách nhiệm hơn, quan tâm hơn đến việc dạy của thầy cô cũng như việc học của HS. Nếu thầy cô và HS không yêu thích bộ SGK nào mà phải dạy và học theo bộ SGK đó, thì kết quả không cao. Trong hội đồng lựa chọn SGK có cả đại diện ban cha mẹ HS là rất hợp lý. Khi có sự đồng thuận cao trong việc chọn SGK, thì tôi nghĩ việc dạy và học sẽ vui vẻ hơn và hiệu quả hơn", bạn đọc (BĐ) Nguyen Minh bày tỏ.

Cùng quan điểm, BĐ Hoan Phạm kể về trường mình: "Không biết ở các đơn vị khác như thế nào chứ ở trường tôi, các tổ chuyên môn họp rồi thống nhất bộ SGK. Năm đầu tiên do chưa thống nhất cả trường nên chọn 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều, PH và HS đều gặp khó khăn khi mua sách. Từ lớp 7 trở lên, toàn trường thống nhất chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Việc chọn SGK, hiệu trưởng giao cho các tổ chuyên môn chứ không ai ép buộc nhà trường và GV phải dạy bộ sách này hoặc bộ kia".

Trong khi đó, BĐ Hoan Phạm cho rằng: "Không chỉ là trả quyền chọn SGK cho các trường mà phải trả về đúng vị trí của người học. Người học phải được quyền chọn bộ SGK mình học giống như người lớn đi chợ chọn lựa thực phẩm. Thích, tốt cho sức khỏe thì mua, không thích thì không mua".

Đáng khuyến khích, hợp xu hướng

Góp ý về việc chọn lựa SGK, BĐ Lê Hải Phạm đề nghị: "Giao quyền lựa chọn cho GV và nhà trường nhưng phải có sự thống nhất của PHHS. Đừng để mỗi năm học mới lại "liên kết" thay đổi SGK, gây lãng phí và tốn kém cho các gia đình, nếu có 2 HS học cách nhau 1 - 2 năm".

"Mong đừng chọn mỗi bộ SGK chỉ lấy vài quyển! Cách đây 2 năm học, khi nhà trường chọn SGK thì liền chọn sách của mỗi nhà xuất bản vài quyển, thế là tôi phải đến các nhà sách hằng ngày để mua SGK, vì nhà sách cũng không biết các trường chọn bộ SGK ra sao nên cũng nhập về mỗi bộ SGK chỉ lấy vài cuốn. Thế là mất 15 ngày tôi mới mua được bộ SGK theo mẫu của trường con tôi", BĐ Cong Nguyen góp ý.

Trong khi đó, là một GV, công tác đã gần 34 năm, BĐ Lê Văn Vinh góp ý: "Chúng ta cần có một và chỉ một bộ SGK dùng chung cho cả nước, không thể để tình trạng này kéo dài, năm nào cũng chọn SGK, quá tốn kém khi phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ trả cho người chọn sách. PH thì muốn chuẩn bị SGK cho con trước năm học mới nhưng không biết mua SGK nào mà phải chờ mua từ nhà trường sau khai giảng".

Đáp lại ý kiến này, BĐ Linh Thảo cho rằng: "Câu chuyện lựa chọn SGK sẽ không có hồi kết nếu các cấp, cơ sở giáo dục và người dân chưa thống nhất quan điểm: chương trình là pháp lệnh, bắt buộc; SGK là tài liệu học tập được cụ thể hóa chương trình. SGK đã được coi là học liệu, tài liệu tham khảo để dạy và học thì việc có nhiều bộ SGK như hiện nay, đáp ứng mục đích, tiêu chuẩn/tiêu chí... do chương trình quy định và được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt là đáng khuyến khích, hợp xu hướng trong và ngoài nước. Vì như vậy sẽ tranh thủ được mọi nguồn lực, trí tuệ của xã hội trong việc biên soạn SGK". 

Mỗi lần thay đổi là mỗi lần PH phải tốn tiền. Năm nay học cái này, năm sau học cái nọ, sách cũ lại bỏ à? 

Perfecwin phong

Mỗi trường chọn SGK khác nhau, vậy lúc thi cấp bộ, cấp sở ra đề như thế nào, có phù hợp cho từng trường, từng HS không?

an2284xxx@gmail.com

Theo tôi, làm thế nào để con em học đỡ khổ, chứ một trường ở miền Bắc mà chọn bộ sách của nhà xuất bản ở miền Nam, từ ngữ khác nhau, các con em học từ ngữ vùng miền... sẽ khó khăn.

vuducanh2015hd

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.