Ủng hộ cấm cửa hãng tàu không tái xuất phế liệu

24/09/2020 05:10 GMT+7

Việc cơ quan hải quan ra "tối hậu thư" cấm cửa hãng tàu nếu không tái xuất phế liệu được nhiều người đồng tình ủng hộ.

Như Thanh Niên thông tin, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, thay mặt cho Hội đồng xử lý hàng tồn đọng là phế liệu tại cảng biển thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đã gửi 30 thông báo về việc vận chuyển hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển cho các hãng tàu/đại lý hãng tàu tại Việt Nam với số lượng 1.099 container. Trong thông báo, cơ quan hải quan ra “tối hậu thư” trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra thông báo, nếu không tái xuất, tổ công tác liên ngành sẽ buộc tiêu hủy hoặc kiến nghị Bộ GTVT ngừng cấp phép ra vào cảng đối với các phương tiện tàu biển của hãng tàu theo Kết luận 21 của Hải quan TP.HCM.
Đến nay, có 15 hãng tàu/đại lý hãng tàu tại Việt Nam có gửi cho chi cục công văn về phương án xử lý hàng tồn đọng là phế liệu; 15 hãng tàu chưa có phương án tái xuất, tương đương 615/1.099 container.

Đừng để Việt Nam thành "bãi rác" thế giới

Đa số ý kiến bạn đọc (BĐ) đều đồng tình ủng hộ sự quyết liệt của Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 trong vấn đề này. "Nhiều doanh nghiệp vì lợi ích riêng, nhận tiền từ các nước phát triển sau đó nhập rác về Việt Nam dưới hình thức nguyên liệu tái chế hoặc hàng qua sử dụng. Việc làm này rất nguy hiểm. Rất hoan nghênh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng", BĐ Trọng Tiến ý kiến.

VN phải xử nghiêm những cá nhân, công ty, hãng tàu nhập, vận chuyển rác công nghiệp, núp bóng là "phế liệu" vào nước ta. 

Nguyễn Thiệu

Cùng quan điểm, BĐ Trần Đình Hoành cho rằng: "Nếu không có biện pháp mạnh, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới. Khi đó phải tốn rất nhiều tiền từ ngân sách để xử lý chúng. Nguy hại hơn cho sức khỏe người dân là rác thải có chất phóng xạ ẩn chứa trong các máy đo lường, chụp chiếu trong y tế và ngành công nghiệp".
Tương tự, BĐ Thành Long ý kiến: "Cần làm mạnh và triệt để. 15 hãng tàu còn lại cần có phương án tái xuất, nếu không phải xử lý nghiêm. Làm gì cũng phải tính đến chuyện phát triển bền vững, không ảnh hưởng môi trường tự nhiên".
“Tôi ủng hộ “tối hậu thư” này của cơ quan hải quan. Mình phải làm mạnh, làm khẩn trương, thứ nhất là để bảo vệ môi trường, thứ hai là để phục vụ cho việc phát triển bền vững”, BĐ Mai Ngọc ý kiến.

Phải mạnh tay hơn nữa

Nhiều BĐ cho rằng việc xử lý hàng tồn đọng phế liệu này chỉ là cách giải quyết tình trạng trước mắt. Trong khi đó, để phát triển lâu bền, cần phải có những ràng buộc pháp lý, cũng như chế tài mạnh những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. "Trong bối cảnh các nước đang cấm nhập phế liệu từ những nước phát triển thì Việt Nam nên có quy định rõ ràng và tính ràng buộc pháp lý cũng như chế tài mạnh mẽ. Nếu không nước ta sẽ sớm trở thành bãi rác, đến lúc đó mới tìm cách giải quyết thì quá muộn rồi", BĐ Thành Trọng cảnh báo.

Đây là lúc cơ quan chức năng cần có những giải pháp dứt khoát như "tối hậu thư" nêu trên nếu không muốn phải tốn kinh phí cho việc xử lý. Đó là chưa kể ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. 

Mạnh Cường

Tương tự, BĐ Thái cho rằng: "Phải dứt khoát và làm mạnh hơn nữa để các chủ tàu biển có trách nhiệm khi vận chuyển hàng phế liệu. Các nước khác đã làm từ lâu, đừng để quá muộn".
“Ủng hộ cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa. Chỉ có những biện pháp mạnh như vậy mới có thể giải quyết những vấn đề như thế này”, BĐ Trúc Nhân ý kiến. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.