Ukraine 'giữa muôn trùng vây'

19/12/2023 06:00 GMT+7

Phản công không hiệu quả như mong muốn và nguồn viện trợ từ phương Tây đang đứng trước khó khăn lớn khiến cho Ukraine hiện đối mặt muôn vàn khó khăn.

Cuộc tấn công mất đà

Đó là nhận xét của một chuyên gia tình báo quân sự khi trả lời Thanh Niên ngày 18.12 về cuộc phản công của Ukraine tính đến gần đây. Cụ thể, vị chuyên gia quân sự, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, đánh giá: "Bế tắc tiếp diễn trên hầu hết mặt trận chính. Nga đã gửi thêm một nhóm quân mới và cuộc tấn công của Ukraine đã mất đà".

Ukraine 'giữa muôn trùng vây' - Ảnh 1.

Thực tế đến nay cuộc phản công của Ukraine đã không thành công như mong muốn. Liên quan điều này, tờ The Washington Post vừa qua đã dẫn nhiều nguồn tin thậm chí còn cho rằng cuộc phản công của Ukraine đã "thất bại". Theo đó, nguyên nhân được cho là vì Ukraine đã không làm theo kế hoạch do Mỹ và đồng minh vạch ra. Thậm chí, CNN còn có bài bình luận Ukraine đang rơi vào tình thế "bi đát" trên chiến trường. Bài viết chỉ ra dọc theo chiến tuyến Zaporizhzhia, nơi Ukraine tập trung phản công nhưng cuối cùng diễn ra chậm chạp và không mang lại kết quả, thì lực lượng Nga đã quay trở lại với sức sống mới và việc phòng thủ khiến Ukraine phải trả giá đắt. Kyiv chỉ đạt một số bước tiến nhỏ trong nỗ lực thọc sâu vào phòng tuyến của Nga, đổi lại phía Ukraine hứng chịu thương vong rất lớn, đồng thời hành lang tiếp tế "có vấn đề". "Triển vọng của Ukraine thật mờ mịt", bài viết đánh giá.

Trả lời Thanh Niên, vị chuyên gia tình báo quân sự trên dự báo: "Hai bên đều quay lại tìm cách phát huy thế mạnh của mình. Ukraine sẽ tấn công các kho vũ khí của Moscow và tiến hành các cuộc tấn công định kỳ trên lãnh thổ Nga. Lực lượng đặc nhiệm Ukraine sẽ nhắm mục tiêu vào các điểm giao thông vận tải (cầu, đường sắt) và ám sát các sĩ quan Nga. Trong khi đó, Nga sẽ tiếp tục nhắm tới các tiện ích công cộng và thành phố. Cả hai bên sẽ sử dụng pháo binh để tấn công tiền tuyến và nơi tập trung quân của nhau".

Nói cách khác, cuộc chiến không chỉ quay lại tình thế cách đây nhiều tháng mà thậm chí là lợi thế còn nghiêng về Moscow. "Cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, trong đó Nga có lợi thế vì có dân số, kho dự trữ đạn dược và thiết bị lớn hơn. Moscow sẽ thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ có giới hạn để chiếm một số lãnh thổ quan trọng và khiến người Ukraine mất cảnh giác. Tuy nhiên, không bên nào sẽ thực hiện một hoạt động quy mô lớn trước mùa xuân năm 2024", vị chuyên gia đánh giá.

Họa vô đơn chí

Trong khi tình thế chiến trường không mấy tươi sáng, Kyiv lại đang đối mặt với rủi ro lớn khi các khoản viện trợ từ Mỹ và phương Tây đang bị đình trệ. Đến hôm qua, gói viện trợ trị giá hơn 60 tỉ USD mà Washington dự kiến dành cho Kyiv tiếp tục bế tắc khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thông qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không tìm được tiếng nói chung trong tổng thể gói tài chính khoảng 106 tỉ USD bao gồm viện trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan và an ninh khu vực biên giới với Mexico. Tình hình cũng không có gì khả quan ngay cả khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước đã đến Mỹ để thuyết phục lưỡng viện sở tại.

Đến nay, nguồn hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine đang cạn dần và Washington phải "tiếp máu" cho Kyiv bằng những gói viện trợ quân sự giới hạn chỉ vài trăm triệu USD. Trong khi đó, nhiều cảnh báo đã được đưa ra bởi nhiều quan chức Mỹ lẫn phương Tây rằng Ukraine có thể đối mặt thất bại trên chiến trường nếu không được viện trợ.

Thế nhưng, không riêng gì Mỹ mà châu Âu cũng đang gặp khó trong viện trợ cho Ukraine. Ngày 15.12, Hungary đã phủ quyết kế hoạch viện trợ 50 tỉ euro (khoảng 52 tỉ USD) mà Liên minh châu Âu (EU) dự định cung cấp cho Ukraine.

Tất cả tạo ra muôn trùng khó khăn cho Kyiv trong bối cảnh Moscow đang củng cố lực lượng.

Điểm xung đột: Ukraine trách Mỹ "kỳ vọng phi thực tế"; bất ngờ đường hầm lớn của Hamas

Đức sắp đóng quân thường trực gần Nga ?

Ngày 18.12, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Arvydas Anusauskas của Lithuania đã ký kết một lộ trình, trong đó cho phép Đức triển khai thường trực lữ đoàn Bundeswehr ở Lithuania, đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thỏa thuận giữa 2 nước diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 22 tháng và Lithuania là thành viên NATO nằm gần Nga.

Đây là lần đầu tiên quân đội Đức đóng quân thường trực bên ngoài biên giới nước này, hãng Reuters đưa tin. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thỏa thuận được ký kết, ông Pistorius gọi đây là một "thời khắc lịch sử" và nói Berlin sẽ và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ NATO. Theo kế hoạch, lữ đoàn Bundeswehr sẽ sẵn sàng triển khai vào năm 2027.

Khánh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.