Úc sẽ tuần tra áp sát đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông?

27/01/2016 09:02 GMT+7

Chính phủ Úc đang xem xét khả năng điều máy bay hoặc tàu hải quân tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông.

Chính phủ Úc đang xem xét khả năng điều máy bay hoặc tàu hải quân tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông.

Máy bay săn ngầm P3-Orion của Úc có thể tuần tra Biển Đông - Ảnh: BunburymailMáy bay săn ngầm P3-Orion của Úc có thể tuần tra Biển Đông - Ảnh: Bunburymail
Ngày 26.1, tờ The Australian dẫn các nguồn tin cấp cao cho biết Ủy ban An ninh quốc gia thuộc nội các Úc đang tích cực thảo luận với quân đội và các ban ngành liên quan về khả năng triển khai phi cơ hoặc tàu hải quân tiến hành tuần tra để góp phần duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Nếu được chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull bật đèn xanh, hải quân Úc có thể sẽ huy động máy bay giám sát - săn ngầm P3 Orion tuần tra trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông.
Nhiều lần bày tỏ quan ngại
Gần đây, Thủ tướng Turnbull nhiều lần bày tỏ quan ngại về những hành động phi pháp của Trung Quốc, gây ảnh hưởng an toàn hàng hải - hàng không trong khu vực. Úc cũng đã có một số động thái thể hiện lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 11.2015, một chiếc P3 Orion của Úc đã bay trên Biển Đông, dù không tiến gần khu vực các đảo nhân tạo nhưng vẫn bị hải quân Trung Quốc cảnh báo đe dọa, theo The Australian. Ngoài ra, chính quyền Canberra thường xuyên cho tàu hộ vệ và đôi khi cả tàu tiếp tế đi qua Biển Đông trong những chuyến thăm các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Các nguồn tin cho The Australian hay Úc chủ ý đổi hướng các tàu hải quân nói trên đi qua Biển Đông khi có thể, thay vì sử dụng tuyến hàng hải khác, để củng cố quyết tâm của Canberra trong việc góp phần duy trì tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Theo tờ này, Mỹ và một số nước Đông Nam Á hết sức ủng hộ Úc thực hiện tuần tra riêng áp sát đảo nhân tạo phi pháp.
Cũng trong ngày 26.1, báo mạng Trung Quốc Guancha loan tin Hạm đội Nam Hải nước này vừa đưa vào biên chế khinh hạm Type 056A chuyên chống tàu ngầm. Hồi tháng trước, Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, cũng tiếp nhận khu trục hạm Type 052D thứ ba cùng 1 tàu khảo sát, 1 tàu do thám và 1 tàu tiếp tế.
Đại sứ VN tại Indonesia phản bác luận điệu của Trung Quốc
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn vừa có bài viết bằng tiếng Anh đăng trên tờ The Jakarta Post ngày 25.1, phản bác những tuyên bố sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ.
Hôm 14.1, ông Từ gửi bài cho The Jakarta Post và viết rằng hoạt động cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc “không tác động cũng không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào, cũng không ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không”. Đáp lại, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn khẳng định những hành động chưa từng có của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến “sự bất ổn ở một khu vực có tầm quan trọng địa chiến lược hàng đầu trên thế giới”, theo bản tiếng Việt chính thức của bài báo.
Ông chỉ rõ việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tiến hành bay thử ra đá Chữ Thập, cùng với việc thực hiện các chuyến bay vào Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà không thông báo cho Việt Nam là bằng chứng Trung Quốc vi phạm chủ quyền VN và “dường như đang quay lưng lại với các thỏa thuận quốc tế”.
“Rõ ràng, hành động của Trung Quốc là trái với tuyên bố của nước này rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông không ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và hòa bình, ổn định ở Biển Đông vẫn được đảm bảo”, đại sứ nhấn mạnh. Với cách hành xử này, “có lý do để tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và cuối cùng khi Trung Quốc ký COC (Bộ quy tắc ứng xử) với ASEAN thì họ đã ở một vị thế được củng cố hơn”. Theo bài viết của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, “khó có thể phủ nhận thực tế Trung Quốc đang tìm cách bành trướng ở Biển Đông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.