UBND các tỉnh phải công khai quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại

13/09/2006 23:41 GMT+7

* Lệ phí cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở tối đa 500.000 đồng/giấy Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Nghị định số 90/2006/CP do Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Nhà ở.

Theo nghị định này, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại bắt buộc phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án (có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha), không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án nếu có quy mô sử dụng đất trên 20 ha.

Nghị định cũng nêu rõ: UBND các tỉnh phải có nghĩa vụ công  bố công khai các yêu cầu cơ bản để lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại đặc biệt là công khai các khu đất dành để phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn và phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án.

Nhằm giải quyết tình trạng đóng băng tại các dự án nhà ở hiện nay, Nghị định 90/NĐ-CP quy định cho chủ đầu tư dự án được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nhưng phải bảo đảm đúng nội dung và tiến độ dự án đã được phê duyệt); được thỏa thuận với người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở để huy động vốn ứng trước...

Cũng theo nghị định trên, Chính phủ quy định phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này được hình thành từ tiền thu được từ việc bán, cho thuê mua quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; trích từ 30-50% tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại và các dự án đô thị mới trên địa bàn. Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, kinh tế... là đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để được thuê, mua, các đối tượng này phải bảo đảm một số điều kiện như: chưa có sở hữu nhà ở và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu gia đình mình nhưng diện tích bình quân dưới 5m2 sàn/người; có nhà ở sở hữu của mình nhưng là nhà tạm, dột nát, hư hỏng; có mức thu nhập bình quân hằng tháng của hộ gia đình không vượt quá 5 lần tổng số tiền thuê nhà ở xã hội phải trả hằng tháng đối với căn hộ có diện tích tối đa 60m2 sàn và không thấp hơn 4 lần số tiền thuê phải trả đối với căn hộ có diện tích tối thiểu 30m2 sàn.

Về thủ tục, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nghị định này quy định lệå phí cấp giấy, xác nhận thay đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không quá 100.000 đồng/giấy đối với cá nhân, không quá 500.000 đồng/giấy đối với tổ chức đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở lần đầu. Đối với nhà ở đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu, nay đổi, cấp lại hay xác nhận thay đổi trên giấy này thì lệ phí chỉ 50.000 đồng.

Ngoài ra, theo Nghị định 90/NĐ-CP, điều kiện để sở hữu nhà ở của tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng khá thông thoáng. Các đối tượng này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê. Thời hạn sở hữu trùng với thời hạn quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu được tặng cho, được thừa kế nhà ở thì không được sở hữu mà chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó. Cũng theo nghị định này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập ban này ở địa phương để giúp chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Nhà ở và các chính sách liên quan đến quản lý và phát triển nhà ở.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.