UAV mới của Trung Quốc hiệu quả khí động học hơn F-22 của Mỹ?

Khánh An
Khánh An
18/03/2024 19:10 GMT+7

Máy bay không người lái (UAV) mới của Trung Quốc được cho là linh hoạt ngay cả ở độ cao lớn, gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa.

UAV mới của Trung Quốc hiệu quả khí động học hơn F-22 của Mỹ?- Ảnh 1.

Hình vẽ mô phỏng UAV MD-22 của Trung Quốc, được cho là tương tự mẫu vừa thử nghiệm

IOM/CAS

Tờ South China Morning Post ngày 12.3 dẫn phân tích của một nhóm chuyên gia Trung Quốc cho rằng máy bay không người lái (UAV) bội siêu thanh mới của nước này hiệu quả khí động học vượt trội so với F-22 của Mỹ.

UAV siêu thanh mới có tỷ lệ lực nâng so với lực cản (L/D) là 8,4 trong chuyến bay cận âm. Dù tỷ lệ này không quá cao nhưng đã ngang bằng với F-22 Raptor.

L/D là một thông số quan trọng để đo lường hiệu quả khí động học. Giá trị cao hơn thể hiện khả năng chống lại lực hấp dẫn của máy bay lớn hơn và cho phép nó bay được quãng đường xa hơn.

Thử nghiệm trong hầm gió

F-22 là máy bay chiến đấu tàng hình của quân đội Mỹ có khả năng bay liên tục ở tốc độ siêu thanh. Gần 20 năm sau khi ra mắt, máy bay này vẫn còn nhiều điều bí ẩn.

Ông William Oehlschlager, kỹ sư hàng không vũ trụ cao cấp của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho biết F-22 có thể đạt được L/D tối đa là 8,4, theo bài thuyết trình của ông tại Virginia Tech, một trường đại học kỹ thuật quân sự hàng đầu ở bang Virginia của Mỹ.

Hiệu suất này thấp hơn so với F-35 vì nó cần duy trì tốc độ cao hơn. Máy bay càng nhanh thì lực cản mà nó gặp phải càng lớn. Ở tốc độ Mach 1,5 (1.852 km/giờ), L/D của F-22 giảm xuống còn khoảng 4.

Giới khoa học Trung Quốc cho biết UAV bội siêu thanh của Trung Quốc có khả năng duy trì L/D cao hơn 4 ngay cả khi bay với tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh.

Hiệu suất này cho phép UAV linh hoạt ngay cả trong bầu khí quyển loãng ở độ cao lớn, đặt ra thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa dựa vào việc dự đoán quỹ đạo bay.

UAV mới của Trung Quốc hiệu quả khí động học hơn F-22 của Mỹ?- Ảnh 2.

Tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ

Không quân Mỹ

Trước đây, các thông số khí động học của phương tiện bội siêu thanh của Trung Quốc đều dựa trên mô hình lý thuyết.

Nhưng lần này, dữ liệu đến từ các thử nghiệm thực tế trong hầm gió, theo nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu Trương Trần An tại Viện Cơ học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc dẫn đầu.

Phát hiện của họ đã được công bố trên chuyên san học thuật Trung Quốc Acta Mechanica Sinica vào ngày 23.2.

Mẫu UAV bí ẩn

Ông Trương và các đồng nghiệp chưa tiết lộ tên mẫu UAV, nhưng nó có nét rất giống với phương tiện bay bội siêu thanh MD-22 được công bố vào năm 2019.

MD-22 do Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Quảng Đông liên kết với Viện Cơ học phát triển. Đây là một mô hình thử nghiệm công nghệ bội siêu thanh có thể tái sử dụng cho các ứng dụng cận không gian, mang lại tầm hoạt động cực xa và khả năng cơ động cao.

UAV này có thể mang tải trọng 600 kg với tốc độ lên tới Mach 7 (8.643,6 km/giờ), tầm hoạt động 8.000 km, tương đương với khoảng cách giữa Trung Quốc và lục địa Mỹ.

Chỉ nặng 4 tấn, MD-22 có thể cất cánh trên đường băng hoặc phóng thẳng đứng từ bãi phóng tên lửa. Nó có thể chịu được tình trạng quá tải trọng lực lên đến 6 lần khi rẽ ở tốc độ cao.

Mẫu mới được nhóm của ông Trương mô tả có chiều dài hơn 12 m và sải cánh gần 6 m, lớn hơn đáng kể so với MD-22. Tuy nhiên, cách bố trí khí động học của nó, bao gồm ba vỏ động cơ nhô ra từ đuôi, hầu như không thay đổi.

Trọng tâm sắp tới của nhóm nghiên cứu sẽ là giảm chi phí, cải thiện độ tin cậy và hiệu suất tàng hình của radar "để đạt được sự chuyển đổi theo từng giai đoạn từ chức năng sang khả năng sử dụng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.