Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ngày càng gia tăng

Lê Cầm
Lê Cầm
27/11/2022 09:06 GMT+7

Số ca tử vong do các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng, vượt trên các nguyên nhân khác, trong đó suy tim vẫn là thách thức lớn của y học, chưa có "vũ khí" để cải thiện tiên lượng của bệnh.

"Số ca tử vong do tim mạch hiện vẫn nằm trong top đầu, vượt trên các nguyên nhân khác, kể cả ung thư. Với một số bệnh lý tim mạch, y khoa đã có những tiến bộ rất lớn trong điều trị như can thiệp với bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, giúp giảm rõ rệt tử vong. Lĩnh vực điều trị đột quỵ cũng rất nhiều tiến bộ", Giáo sư Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị “Các kỹ thuật ưu việt trong điều trị bệnh lý tim mạch" do Bệnh viện (BV) FV phối hợp BV Bạch Mai tổ chức ngày 26.11.

Hội nghị thu hút hơn 200 khách mời là các bác sĩ tim mạch, nội khoa và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo bác sĩ Phước, trong các bệnh lý tim mạch, suy tim đến nay vẫn là một thách thức với y khoa khi vẫn còn chưa có nhiều tác động quan trọng để làm tiên lượng bệnh suy tim được cải thiện rõ rệt.

Giáo sư Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, chia sẻ tại hội nghị cùng các chuyên gia

Ly ly

Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu, nguyên nhân có thể do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim làm cho tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đủ cho các nhu cầu của cơ thể. Khi bị suy tim, người bệnh sẽ bị mệt mỏi và khó thở, giảm khả năng lao động nhất là các hoạt động cần gắng sức như đi bộ, leo cầu thang…

Khi tình trạng suy tim xảy ra, việc ngăn chặn tiến triển, biến chứng của bệnh gặp nhiều khó khăn. Do đó theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng là cần phòng ngừa sớm ngay từ khi chưa phát bệnh. Trong đó y tế dự phòng là xu hướng của y học trên thế giới, bao gồm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để giải quyết, kiểm soát tốt các yếu tố đó, ngăn không chuyển qua giai đoạn bệnh.

Trong đó, một số yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến bệnh suy tim là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động, lạm dụng rượu bia... Những yếu tố này có thể thay đổi được. Ngoài ra, một số yếu tố không thể thay đổi là di truyền, giới tính.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch, BV FV, cho biết tim mạch là căn bệnh ngày càng phổ biến, chiếm tới 30% số bệnh nhân tử vong; chính vì vậy, ngành tim mạch là một trong những ngành được giới y khoa tập trung nghiên cứu và liên tục có những tiến bộ mới, từ phương tiện chẩn đoán bệnh, thuốc điều trị cho đến các phương pháp can thiệp… Trong đó, việc rút ngắn thời gian, tranh thủ thời gian vàng khi cấp cứu góp phần quan trọng vào cứu sống bệnh nhân đồng thời hạn chế tối đa biến chứng.

"Nếu theo quy định quốc tế, từ khi bệnh nhân mạch vành và nhồi máu cơ tim được đưa vào viện cấp cứu đến khi kết thúc ca phẫu thuật phải dưới 90 phút, thì BV FV đặt tiêu chí cao hơn là 70 phút, trong nhiều trường hợp đã thực hiện cứu sống bệnh nhân trong vòng chưa đầy 25 phút. Để đạt được điều này, bệnh viện đã xây dựng và triển khai nhuần nhuyễn quy trình cấp cứu tim mạch, thời gian bệnh nhân từ lúc có mặt tại phòng cấp cứu đến khi được đưa vào phòng Cathlab chỉ hơn 10 phút, và thời gian đặt stent diễn ra chưa đầy 25 phút”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 200 y bác sĩ, chuyên gia tim mạch trong và ngoài nước

ly ly

Ngoài ra, tại hội nghị các diễn giả cập nhật nhiều kiến thức mới trong chẩn đoán điều trị nội khoa các bệnh lý mạch vành và suy tim như "Các tiến bộ trong điều trị suy tim", "Can thiệp thân chung động mạch vành trái", "Tối ưu hiệu quả điều trị bằng chẩn đoán hình ảnh trong can thiệp mạch vành" và "Xử lý hiệu quả các trường hợp cấp cứu mạch vành"..

Ở mảng điều trị Tim mạch tổng quát và các bệnh lý cấu trúc tim, báo cáo khoa học của các chuyên gia công bố những kỹ thuật mới, như: Kỹ thuật can thiệp điều trị bệnh lý tim bẩm sinh ở người trưởng thành, Siêu âm bệnh lý tim bẩm sinh ở người trưởng thành, Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da và Bệnh tim mạch và bệnh ung thư: Cập nhật theo khuyến cáo ESC 2022...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.