Tuyển Việt Nam: Cái rìu, cung tên và sự sống trên sợi dây tử thần

26/05/2015 05:36 GMT+7

(TNO) 90 phút trận Việt Nam - Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018 tại Bangkok là 90 phút mà các fan hâm mộ của đội tuyển luôn phải đánh đu với cảm giác sống trên dây tử thần.

(TNO) 90 phút trận Việt Nam - Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018 tại Bangkok là 90 phút mà các fan hâm mộ của đội tuyển luôn phải đánh đu với cảm giác sống trên dây tử thần.

Quế Ngọc Hải với cú xoạc mạnh mẽ về phía cầu thủ Thái Lan - Ảnh: Bạch Dương 

Và khi tử thần gọi tên chúng ta ở phút 75, sau chiếc thẻ đỏ của Minh Châu và sau cú sút xa tuyệt đẹp của Pokklaw thì ai cũng hiểu khả năng lách qua khe cửa tử thần, cố đi tìm một giọt sống nhỏ nhoi là điều không tưởng. Tại sao?

Tại vì Thái Lan khủng khiếp quá? Không sai, khi 90 phút, dàn cầu thủ Thái Lan với sơ đồ "tủ" 4-1-4-1 đã thực hiện một thứ bóng đá áp đảo toàn diện.

Thái đập nhả nhịp nhàng ở trung tuyến rồi bất ngờ "xé" bóng xuống hai biên, và nếu những cầu thủ đá biên của Thái táo bạo dứt điểm hơn, thay vì cứ chuyền theo bài vào trung lộ thì có lẽ chúng ta đã vỡ ngay từ hiệp 1.

Nói khách quan, 90 phút công thành với vô số cơ hội được tạo ra mà chỉ bắn trúng đích 1 lần là quá đen cho Thái.

Trước một Thái Lan như vậy, việc HLV trưởng Toshiya Miura chọn lối chơi phòng ngự là chính xác. Vấn đề nằm ở chỗ: phòng ngự như thế nào? Phòng ngự phản công hay... phòng ngự phá bóng?

Tại Rajamangala, HLV Miura đã giăng ra một trận địa toàn "rìu" và tay búa - Ảnh: Bạch Dương

Chung kết lượt đi AFF Cup 2008 ở đất Thái, đội tuyển của Henrique Calisto đã chọn kiểu phòng ngự phản công. Kiểu phòng ngự mà bên cạnh những cầu thủ giỏi cày cuốc như Minh Châu, Tấn Tài, thầy Tô còn sử dụng những cầu thủ kĩ thuật, có khả năng cầm bóng, tạo đột biến như Vũ Phong.

Và chính kiểu bày trận với sự kết hợp chặt chẽ giữa những "cái rìu" và những những chiếc "cung tên" mềm mại đã giúp  tuyển Việt Nam thắng oanh liệt 2-1.

Nhưng đội  tuyển của Toshiya Miura trong cái đêm 24.5 thì khác. Vẫn là phòng ngự, nhưng tuyển Việt Nam của Miura lại chọn cách phòng ngự áp sát, quây chặt đối thủ từ giữa sân, và đặc sản của kiểu phòng ngự này là những pha lao thẳng gầm giày vào chân đối thủ.

45 phút đầu tiên, những "cái rìu" như Trọng Hoàng, Minh Châu, Khánh Lâm... rất nhiều lần làm như vậy, và sau mỗi lần như vậy, bị trọng tài nhắc nhở thì tất cả đều phản ứng một cách rất lạ lùng.

Rõ ràng, chất lửa trong một trận đấu dưới cơ là cần thiết, nhưng lửa tới mức thái quá, dẫn đến những tình huống xấu xí và nguy cơ ăn thẻ (thực tế thì hiệp 2 Minh Châu đã "ăn", và theo cá nhân tôi đấy là chiếc thẻ chính xác) lại là điều cần xem lại.

Gương mặt thẫn thờ của Minh Châu và Huy Toàn khi trọng tài người Úc vung ra thẻ đỏ - Ảnh: Bạch Dương

Tuy nhiên, có vẻ vấn đề không hoàn toàn nằm ở bản thân những "cái rìu", mà nằm ở tư tưởng của người thích chơi “rìu”.

Muốn hay không muốn, HLV Miura vẫn phải trả lời cả một lô câu hỏi: Có cần sử dụng một hàng tiền vệ cuồn cuộn cơ bắp, mà thiếu hẳn một cầu thủ có khả năng cầm nhịp, điều tiết nhịp độ hay không? Có cần phải chọn cách cày cuốc thái quá và phá bóng triệt để, thay vì phòng ngự - phản công một cách chủ động hay không?

Xem trận đấu này người ta thấy rất rõ một cảm giác: với tư tưởng vung ra cả một trận địa "rìu" và muốn những cái “rìu” phải hoạt động hết công suất, đội bóng của Miura rất dễ mất người vì thẻ phạt và mất cả thế trận vì thiếu không ngoan.

Giá mà bên cạnh những cái “rìu” còn có một vài cái “cung tên” như Nguyễn Văn Quyết, Vũ Minh Tuấn biết co lại một cách tỉnh táo, điều khiển tốc độ phòng ngự một cách tỉnh táo, trước khi bắn những mũi "độc" về phía đối phương thì có thể mọi thứ đã khác rồi.

Miura phản ứng quyết định của trọng tài - Ảnh: Khả Hòa

Cái khác ở đây không chắc là một trận cầu có điểm, nhưng chắc chắn là ngay cả khi mất điểm thì chúng ta cũng không để mất hình ảnh và danh dự chơi bóng của mình.

Vẫn biết ông Miura đã mất ít nhất là 2/3 quyền thay người vì lý do bất khả kháng, nhưng vấn đề là ngay từ đầu, trong đội hình xuất phát, một khu trung tuyến đầy “rìu” và một trận địa “rìu” đã hé lộ quá nhiều bất ổn.

Hy vọng khi gặp phải lại Thái Lan, và khi nhiều khả năng vẫn phải chơi phòng ngự (bất chấp việc được chơi trên sân nhà), chúng ta sẽ không phải chịu cái cảm giác thấp thỏm sống trên dây tử thần vì một binh đoàn, một trận địa quá nhiều rìu, và quá thiếu cung tên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.