Tuyển tập những bài báo hay của Báo Thanh Niên

01/01/2006 22:03 GMT+7

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm phát hành số đầu tiên (3/1/1986 - 3/1/2006), Báo Thanh Niên kết hợp với NXB Trẻ, NXB Văn Nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam thực hiện các ấn phẩm: Báo Thanh Niên tuổi 20, Tuyển tập bài báo hay 1986 - 2006 (nhiều tác giả), Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ (Nguyễn Công Khế), Hai mươi năm truyện ngắn Báo Thanh Niên (nhiều tác giả), Phá đường dây tội ác lớn nhất Việt Nam (vụ án Năm Cam), Thái Ngọc San - khát vọng và tình ca để lại, Thế Vũ - những trang viết để lại.

Trong số này, cuốn Tuyển tập những bài báo hay dày 870 trang, tập hợp một số bài báo đăng trên Thanh Niên của các tác giả có tên tuổi và uy tín trong làng báo Việt Nam như: Thép Mới, Trần Bạch Đằng, Bến Nghé, Xích Điểu, Lý Chánh Trung, Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Duy... Các bài của Tổng biên tập Nguyễn Công Khế viết từ những năm đầu lúc tờ báo mới xuất hiện, chứa đựng những thông tin xã hội và quan niệm của người cầm bút cùng tôn chỉ của tờ báo mà đến nay - nếu đọc lại và đối chiếu, bạn đọc sẽ thấy sự nhất quán xuyên suốt chặng đường 20 năm hoạt động của Thanh Niên. Chẳng hạn, bài Bút ký cuối năm đăng trên Thanh Niên xuân 1987 cho biết ngay năm tờ báo ra đời (1986), tòa soạn nhận hàng nghìn bức thư của bạn đọc thanh niên trong nước, trong đó có rất nhiều thư của Việt kiều ở Tây u và Nhật Bản gửi về, bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến công cuộc đổi mới của đất nước đồng thời kỳ vọng tờ báo là diễn đàn phản ánh tiếng nói trung thực đầy nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam, tham gia chống tiêu cực. Nhân đó, tác giả bài báo Nguyễn Công Khế đã trao đổi với bạn đọc, nêu quan điểm của mình đúng với chủ trương do Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra, theo hướng phản ảnh đầy đủ thực trạng của đất nước, vạch lằn ranh xác định cho sự không thể chung trời giữa cái bảo thủ trì trệ và cái mới - là sự năng động tháo gỡ những ràng buộc phi lý lúc ấy để đưa đất nước đi lên, vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Từ quan điểm đó, Thanh Niên đã phát hiện, lên tiếng, góp phần đấu tranh với những tiêu cực và nghịch lý như vụ Nguyễn Mạnh Huy, Dương Thị Hà My (và gần đây là vụ án Năm Cam, vụ tiêu cực của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, vụ bán độ của cầu thủ U.23) cùng nhiều vụ việc bất công, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu được nêu thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Mười năm sau số báo đầu tiên, đồng chí Vũ Oanh - Ủy viên Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng - phát biểu: "Báo Thanh Niên đã "đi vào những vấn đề cốt lõi mà xã hội và quần chúng thanh niên đang quan tâm; không né tránh trước những vấn đề nóng bỏng về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục thanh niên. Trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, các tệ nạn xã hội, báo đã phê phán không khoan nhượng những hiện tượng đó với một cái tâm trong sáng là để xây dựng một xã hội tốt đẹp, lành mạnh và phát triển hơn..." (Thanh Niên 3/1/1996).

Bên cạnh những nội dung khái quát về tiến trình 20 năm phát triển Báo Thanh Niên, Tuyển tập những bài báo hay có các nội dung về giải pháp tích cực phòng và chống tham nhũng (của Trọng Dân), về nếp sống theo pháp luật và vai trò Quốc hội (TS Nguyễn Xuân Oánh), về lối sống của thanh niên (GS Võ Tòng Xuân), về sức mạnh của tri thức - tìm hiểu hành tinh ngoài hệ mặt trời (GS Nguyễn Chung Tú), về quê hương, con người và mùa xuân (TS Phan Lạc Tuyên). Và về nhiều lĩnh vực khác như: tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài (Hoàng Hải Vân), huyền thoại Tạ Đình Đề (Xuân Ba), thông tin đầy đủ về những tình tiết liên quan đến các vụ án xã hội quan tâm, như vụ án Trịnh Vĩnh Bình (Nguyễn Công Thắng - Ngọc Thành - Võ Khối), nêu lên những kiến nghị với Chính phủ qua vụ lừa đảo của Trần Xuân Hoa (Phan Hiền), phản ánh về bản án đầu tiên cho nghệ thuật thời mở cửa (Nguyễn Quang Thông), câu chuyện về 4 "phù thủy" Phi châu và cú lừa "đô la đen" tại Hà Nội (Nguyễn Việt Chiến), sự thật về "bi kịch" Đặng Ci Mi (Vĩnh Thắng), những tiêu cực ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Trần Hùng - Đàm Huy - Mai Vọng). Tuyển tập dành nhiều trang giới thiệu các phóng sự về cuộc sống các "đại gia" trong nhà đá và cái bang thời đại của Tham Lang, về bác Ba Phi - vua nói dóc Nam Bộ, về cuộc hầu chuyện những nhân chứng thế kỷ của Hồng Hạnh, chợ quê và các vùng biển hào phóng của Nguyễn Hoàng Thu, cảnh "bếp không đỏ lửa" của Nguyễn Thế Thịnh, bí mật con bổ củi của Quang Minh Nhật, quái kiệt đảo Phú Quốc của Trần Huỳnh Thi - Tấn Đức. Cạnh những nội dung nóng bỏng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục được viết bởi các tác giả khác như Danh Đức, Trương Điện Thắng, Huỳnh Thanh Diệu, Minh Giao, Trọng Phước, Trần Thanh Bình, Nguyễn Khoa Chiến, Nguyễn Thanh Huế, tuyển tập còn giới thiệu các bài về hiệu quả hoạt động gây Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình, Giải bóng đá trẻ U.21, chương trình Tiếp sức mùa thi - tư vấn mùa thi và công tác xã hội từ thiện. Để các bạn trẻ giao lưu, tìm hiểu nhau, Báo Thanh Niên sớm mở Câu lạc bộ làm quen - tuyển tập dành một số bài ghi lại hoạt động của diễn đàn CLB này cũng như những bài viết hay về Duyên con gái thu hút khá đông bạn đọc trẻ một thời.

Mặt khác, các phóng viên Báo Thanh Niên công tác ở nước ngoài có những tường thuật trực tiếp từ nước Mỹ của Huỳnh Ngọc Chênh chung quanh vụ khủng bố 11/9, từ Pakistan với 3 giờ căng thẳng trong Sứ quán Taliban của Ngọc Thịnh, từ Sri Lanka với những giọt nước mắt kêu cứu trên bờ Ấn Độ Dương của Đỗ Hùng, bài thăm xứ sở Phù Tang ngẫm chuyện nước mình của Phó tổng biên tập Quốc Phong. Một số bài khác của Lê Thành Giai với các chi tiết mới nhất về Đặng Thùy Trâm từ nước Mỹ. Và gần đây là những bài về chương trình biểu diễn Duyên Dáng Việt Nam tại Úc như Sydney thưởng thức Duyên Dáng Việt Nam của Hoàng Đông Tà hoặc Mẹ u Cơ có buồn chăng? của Vi Khang viết từ Canberra với đoạn khá xúc động: "11 giờ 30 phút đêm. Tôi vừa về đến nhà sau khi xem đêm diễn DDVN (...) Những hân hoan, sung sướng, rộn ràng và thán phục còn đang truyền đi khắp huyết mạch của tôi. Tôi thấy mình vẫn còn như mê lạc trong tiếng đàn tranh của chị Hải Phượng, da diết với Dạ cổ hoài lang của Phương Thanh, ngạc nhiên thích thú với Vào đời của Hồ Quỳnh Hương, ngẩn ngơ với những tà áo dài quê hương mà lâu lắm tôi không gặp... Tôi thơ trẻ cùng Trống cơm, tôi xót xa thương cảm theo chú Elvis Phương trong Áo em sứt chỉ đường tà... Tôi sung sướng, tôi hồn nhiên. Tôi như đứa trẻ mồ côi khát sữa lâu ngày tìm được bầu vú mẹ (...) Dân tộc Việt được mẹ u Cơ sinh ra trong cùng một bọc. Dù lên rừng hay xuống biển, họ vẫn luôn là anh em. Tôi cầu mong. Tôi hy vọng. Và tôi tin... Mẹ u Cơ sẽ không còn buồn. Canberra gần 3 giờ. Trời cũng vừa sáng".

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.