Tuyển sinh đại học: Cách viết một bài luận hay

Hà Ánh
Hà Ánh
08/01/2022 07:07 GMT+7

Năm 2022, nhiều trường đại học sử dụng bài luận làm tiêu chí ưu tiên xét tuyển thí sinh vào trường. Nội dung diễn đạt và cách thức bài luận ra sao để thuyết phục hội đồng tuyển sinh là điều nhiều học sinh quan tâm.

Là tiêu chí lựa chọn khi đồng điểm

Năm 2022, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục sử dụng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất trường THPT. Mỗi trường THPT có 1 học sinh giỏi nhất được hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu giới thiệu để đăng ký tối đa 3 ngành vào 1 trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Bên cạnh nhiều điều kiện khác, trong hồ sơ đăng ký, thí sinh (TS) cần có bài luận viết tay thể hiện nguyện vọng xét tuyển vào ngành học mong muốn.

Cũng tại ĐH Quốc gia TP.HCM, bài luận viết tay là một trong các căn cứ để hội đồng tuyển sinh xét tuyển trong phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này. Mỗi TS khi đạt đủ các điều kiện được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 1 trường thành viên trong năm 2022. Trong trường hợp đồng điểm, bài luận viết tay được tính là tiêu chí phụ để chọn lựa người học.

Thí sinh diện tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ nhập học tại một trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Trong tình huống đó, một thành viên sẽ đọc bài luận của các TS để toàn hội đồng tuyển sinh cùng nghe, đánh giá và quyết định trao cơ hội cho TS có bài luận tốt nhất”.

Riêng tại Trường ĐH Kinh tế - luật, phương thức xét tuyển kết quả chứng chỉ quốc tế kết hợp điểm học bạ THPT cũng có thêm tiêu chí bài luận. Theo thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh của trường này, TS được yêu cầu nộp một bài luận viết tay trên giấy A4 trình bày động cơ học tập và sự phù hợp của năng lực bản thân với ngành, trường học. “Trong đó, bài luận phải đạt yêu cầu về hình thức và thể hiện được động cơ học tập, sự phù hợp ngành nghề”, thạc sĩ An cho hay.

Bên cạnh các phương thức ưu tiên xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2022 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM bắt đầu áp dụng hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng với TS có thành tích cao trong hoạt động xã hội. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, khi nộp hồ sơ, TS gửi kèm các minh chứng liên quan đến thành tích hoạt động xã hội như: giấy khen, giấy xác nhận, bài viết trên báo nói về TS… Đồng thời TS viết một bài luận giới thiệu bản thân, lý do chọn ngành học, đặc biệt trình bày các trải nghiệm của mình về các hoạt động từng tham gia để hội đồng tuyển sinh xét duyệt.

Nội dung, cách thức thể hiện ra sao ?

Từng tham gia hội đồng tuyển sinh nhiều năm, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng: “Không có một khuôn mẫu cụ thể cho bài luận hay. Tuy nhiên, bài luận đọc “ưng bụng” ngay thường có lối trình bày lưu loát, nói lên được suy nghĩ của chính TS”.

Tiến sĩ Hạ lưu ý: “Năm 2022, TS xét tuyển vào trường sẽ có 2 dạng bài luận khác nhau cho từng nhóm ưu tiên xét tuyển. Nếu xét theo tiêu chí học sinh giỏi nhất, bài luận tập trung giới thiệu bản thân, lý do và sự phù hợp của bản thân khi chọn ngành học. Nếu xét theo tiêu chí thành tích hoạt động xã hội, nội dung rất quan trọng sẽ là trải nghiệm của TS với các hoạt động này, từ đó nói lên lý do chọn ngành”.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An lưu ý bài luận được sử dụng cho những phương thức xét tuyển khác nhau và mỗi phương thức có yêu cầu TS khác nhau. Dù một TS tham gia nhiều phương thức cũng đừng vì thế mà sử dụng chung một bài luận giống nhau.

Về kỹ thuật, theo thạc sĩ An, bài luận cần trình bày sạch sẽ, gọn gàng, có thứ tự, không lỗi chính tả, gạch xóa, sai ngữ pháp. Nội dung cần đầy đủ thông tin cá nhân, khuyến khích sự sáng tạo trong cách thức thể hiện bài luận. Bên cạnh đó, cần có những ví dụ minh họa cụ thể thay vì trình bày chung chung, có những từ ngữ đánh giá chi tiết thay vì nói qua loa. “TS cũng cần lưu ý một vài trường yêu cầu viết tay bài luận và trình bày trên một mặt giấy trắng A4”, thạc sĩ An nói thêm.

Thạc sĩ An nhấn mạnh: “TS cần đặt cảm xúc của mình vào từng câu chữ, đó chính là câu chuyện về bản thân mình. Đó có thể là một câu chuyện về TS, những ước mơ nghề nghiệp tương lai và cách thức thực hiện kế hoạch đó như thế nào. Ngoài ra, ở phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ quốc tế, những TS có lợi thế về tiếng Anh có thể chia sẻ trong bài luận cách nỗ lực chinh phục tiếng Anh như thế nào, lợi ích của ngôn ngữ này trong học tập và nghề nghiệp tương lai…”.

“Người đọc bài không nhìn thấy TS trực tiếp mà hình dung qua câu chữ. Viết hay chưa chắc lấy được cảm xúc người đọc và chưa hẳn thể hiện được nỗ lực thật sự của bản thân. Do vậy, đơn giản nhất là có gì, nghĩ gì thì viết nấy, nhưng cần đọc kỹ lại để tránh trùng ý, ý chưa rõ”, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.