Tuyển sinh 2022: Cánh cửa đại học rộng mở cho thí sinh...

04/01/2022 14:49 GMT+7

Tuyển sinh 2022, các trường ĐH có nhiều phương thức tuyển sinh, mở rộng cơ hội cho thí sinh.

Đó là chia sẻ của đại diện các trường ĐH trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến năm 2022 do Báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề “Tuyển sinh năm 2022 có gì mới?”.

Các chuyên gia tư vấn trực tuyến cho thí sinh

Nhiều hình thức tuyển sinh

Trong chương trình tư vấn trực tuyến, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho biết: "Các trường sẽ đa dạng hóa tiêu chí, phương thức giúp các em có bức tranh chung. Năm nay Bộ GD-ĐT cũng như các trường có chính sách đa dạng hóa tuyển sinh. Chúng ta trải qua năm 2021 rất lịch sử, là thử thách để các trường tính tự chủ đại học và tư vấn tuyển sinh".

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang

Đào Ngọc Thạch

Cụ thể, trong năm 2002, Trường ĐH Văn Lang sẽ tổ chức các chuyên đề đến các trường THPT, tiên phong chương trình trải nghiệm ĐH, tổ chức cho các em có lớp học tích lũy đối với học sinh đã đăng ký vào trường. Trường ĐH Văn Lang vẫn có 5 phương thức xét tuyển: xét học bạ THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét kết quả đánh giá năng lực 2021, thi tuyển kết hợp xét tuyển đối với môn năng khiếu và các môn khác, theo tiến sĩ Tuấn.

"Chúng tôi đa dạng hóa tiêu chí trong mỗi phương thức để kết quả tuyển sinh tốt đẹp nhất, đúng chủ trương, đủ chỉ tiêu cho trường", ông Tuấn cho biết thêm.

Thí sinh cần lưu ý những yêu cầu của từng phương thức xét tuyển

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: "Việc có nhiều phương thức xét tuyển là đánh giá được người học hiện nay. Tuy nhiên, có những phương thức mà nhiều thí sinh chưa hiểu hết, nắm vững thông tin".

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Nhân lưu ý mỗi phương thức có mốc thời gian khác nhau, thông thường kết thúc trước khi xét tuyển thi tốt nghiệp THPT. Mỗi phương thức cũng có yêu cầu về cách thức nộp hồ sơ, ngưỡng điểm nộp hồ sơ....

"Do đó, các em cần tìm hiểu kỹ để chọn lựa phương thức mình có thế mạnh nhất của mình để xét tuyển để trúng tuyển ngành, trường mình mong muốn. Các trường cũng có cơ hội chọn thí sinh phù hợp. Thí sinh cũng chọn được ngành, trường phù hợp nhất của mình", ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, trong năm 2022, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn xét tuyển phương thức chính là điểm thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ nâng lên ngưỡng nộp hồ sơ 21 điểm và riêng ngành dược là 24 điểm. Ngoài ra, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM còn có phương thức xét tuyển thẳng và cuối cùng là xét kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM.

Tham khảo thông tin từ website của các trường ĐH

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM nói: "Tính tới nay các trường đại học sử dụng nhiều phương pháp để tuyển sinh, trong đó có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, sử dụng học bạ xét tuyển (trong đó có nhiều phương thức khác nhau từ 1 học kỳ, 2 học kỳ, 6 học kỳ…), xét tuyển thẳng. Bên cạnh đó các trường có thể sử dụng phương pháp tổng hợp. Thí sinh nên tính toán xem sử dụng phương pháp nào để có thể đạt kết quả cao nhất.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM

"Tại ĐH Kinh tế -Tài chính TP.HCM, chúng tôi sử dụng cả 4 phương thức trên, riêng phương thức xét tuyển học bạ năm nay chỉ đánh giá 3 học kỳ thay vì 5 học kỳ như năm trước. Thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến", thạc sĩ Nguyên lưu ý.

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM đồng thời lưu ý: "Năm nay phương thức xét tuyển rất đa dạng, với tình hình dịch bệnh hiện nay việc tuyển sinh, cũng như đưa ra phương thức xét tuyển đều được đưa lên website. Thí sinh có thể vào website của các trường để xem phương thức xét tuyển cũng như ngành nghề đào tạo của trường".

Theo tiến sĩ Phúc, năm nay Trường ĐH Duy Tân sử dụng cả 4 phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT hoặc quy chế của trường. "Còn về xét học bạ thì dựa trên kết quả học tập lớp 12, được thực hiện sau khi hoàn thành chương trình học hoặc dựa trên kết quả trung bình 1 học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, phương thức này chúng tôi thực hiện xét tuyển rất sớm. Thí sinh nên lưu ý các mốc thời gian theo từng phương thức", ông Phúc lưu ý.

Ông Phúc khuyên thí sinh khi thi tuyển vào trường nào thì cần phải theo dõi thông tin các trường để tìm hình thức tuyển sinh phù hợp nhất.

Còn tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết: " Khối ngành kinh tế của Trường ĐH Văn Lang và các trường đều có ngành đào tạo liên quan. Với khối ngành này nhiều thí sinh đang lo lắng do tình hình dịch bệnh hiện nay liên quan đến vấn đề việc làm sau khi ra trường. Chia sẻ chung của tôi là dù dịch bệnh ảnh hưởng kinh tế nhưng nhà nước vẫn đang quan tâm và có chính sách để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh".

Riêng Trường ĐH Văn Lang có ngành Kinh doanh quốc tế - là ngành mới của trường, đáp ứng được xu thế hiện này: marketing, thương mại điện tử… đây là những ngành này tuyển sinh rất tốt. Các ngành kinh tế cũng được tuyển sinh bằng 4 phương thức trên, thí sinh có thể chọn phương thức phù hợp.

Việc nộp hồ sơ, thí sinh có thể nộp qua đường bưu điện, hoặc trực tiếp. Năm trước các trường tuyển sinh trực tuyến nhưng vẫn rất hiệu quả, thí sinh đỡ mất thời gian, việc xét tuyển cũng đạt kết quả tương đương.

Còn về kiến thức, trong thời gian qua, hầu hết thí sinh đều học trực tuyến nên các trường sẽ có phương thức tuyển sinh phù hợp để các em được đánh giá thực chất, nhiều kỹ năng khác.

Về học bổng, trường có nhiều mức học bổng. Đặc biệt là học bổng 100% cho thủ khoa đầu vào, mức 50% cho những em kế tiếp thành tích… ngoài ra còn học bổng cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cơ hội việc làm với ngành kinh doanh quốc tế và kinh tế đầu tư

Lê Mạch Phương Anh, lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Du (Châu Đức, Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Có 2 ngành con hướng tới là kinh doanh quốc tế và kinh tế đầu tư, thi khối D7 (Toán - Hóa - Anh), muốn xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ngoài trường này, các trường khác có tuyển sinh không. Hai ngành này có tiềm năng khi xin việc làm sau khi ra trường không?

Một học sinh khác tên Thái Sơn hỏi: Em tính vào học các ngành kinh tế. Tình hình dịch bệnh căng thẳng thì hồ sơ có thay đổi không ạ? Chúng em học trực tuyến vì dịch Covid-19 nên có thay đổi về điểm số không? Nhà em cũng khó khăn, ba mẹ cũng muốn em đi học để có ngành nghề đi làm. Trong các ngành kinh tế có học bổng nào giúp tụi em đến trường không ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trả lời: "Hai câu hỏi của 2 em rất thú vị, sát với chương trình hôm nay. Câu hỏi về việc có trường nào đào tạo khối ngành kinh tế không thì hầu hết các trường ĐH đều đào tạo. Mỗi trường có một đặc điểm khác về phương thức xét tuyển, điểm trúng tuyển... Vì vậy, thí sinh nên tham khảo thêm các trường khác. Năm 2020, có thí sinh 28 điểm không trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Hiện có rất nhiều trường ĐH đào tạo khối ngành kinh tế sau này rất tốt, năng lực đào tạo không cách biệt quá nhiều".

Ông Nhân cũng nói thêm dù học sinh phải học trực tuyến vừa qua, nhưng các trường ĐH vẫn xét tuyển từ cao xuống thấp. Nếu tất cả các em đều đạt điểm cao thì điểm trúng tuyển sẽ cao. Mặt bằng chung điểm thấp thì điểm chuẩn sẽ thấp. Các em là nhân tố tốt là ứng cử viên nặng ký cho các trường. Học sinh TP.HCM học trực tuyến nhiều hơn nhưng quyết tâm cao hơn thì có mặt bằng chung là điều hoàn toàn được. Học bổng của các trường hiện nay đều tốt và có nhiều loại học bổng. Các em nghèo nhưng có nỗ lực học tập đều có thể xin học bổng, có thể trả học phí, thậm chí còn có tiền để sinh hoạt đi học. Chỉ cần các em có nỗ lực học tập.

Còn thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, thông tin: Chọn ngành nghề thế nào là vấn đề được thí sinh đang rất quan tâm ở thời điểm này, nhiều em băn khoăn không biết lựa chọn thế nào. Ngoài ra, với tình hình dịch bệnh không biết mức điểm các em chọn phương thức nào là phù hợp. Khối ngành kinh tế các em có thể chọn rất nhiều ngành học như: ngân hàng, kinh doanh quốc tế, Marketing…

Cũng theo ông Nguyên nhu cầu nhân lực, nhóm ngành kinh tế tài chính thu hút tới 33% nhân lực và thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Do vậy nếu muốn học những ngành này thì có lợi thế về phương thức nào thì các em nên lựa chọn phương thức đó xét tuyển. Thí sinh cần cân nhắc kỹ tổ hợp môn phù hợp với từng ngành. Vấn đề quan trọng nhất là bạn phải xác định được khả năng, năng lực của bản thân xem có phù hợp với ngành nghề để quyết định phù hợp.

Tại ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, tất cả các ngành đều sử dụng cả 4 phương thức xét tuyển hiện nay. Chúng tôi nhận hồ sơ từ ngày 15.2 đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ. Nguyên tắc xét tuyển bằng mỗi phương thức có những quy định riêng, nên nếu trúng tuyển rồi thì nên xác nhận nhập học để không bỏ lỡ cơ hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.