Tuyển người tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac

22/01/2021 04:52 GMT+7

Ngày 21.1, Trường đại học Y Hà Nội chính thức tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 'made in Vietnam' Covivac.

Nghiên cứu này do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ĐH Y Hà Nội thực hiện, sau khi được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt. Vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC, Bộ Y tế) tại Nha Trang nghiên cứu, sản xuất.
Theo kế hoạch, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Covivac sẽ tuyển chọn 120 người tình nguyện (18 - 49 tuổi) là người khỏe mạnh, chia 5 nhóm, được tiêm các liều khác nhau.
Sau khám sàng lọc, đủ điều kiện sức khỏe, người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên được tiêm vắc xin thử nghiệm vào ngày 20.2 tới. Sau khi thu thập kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.
Người tình nguyện đăng ký tham gia tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Trường ĐH Y Hà Nội (số 1, phố Tôn Thất Tùng, P.Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội)
Theo Bộ Y tế, vắc xin Covivac được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5.2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người.
Covivac là vắc xin phòng bệnh Covid-19 do IVAC hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất. Đây là vắc xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc xin vector Newcastle (NDV). Vi rút Newcastle gây bệnh trên động vật, không gây bệnh trên người sẽ được gắn đoạn gien S biểu hiện protein S đặc trưng của vi rút SARS-CoV-2, dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Đây là nguyên liệu sản xuất vắc xin sau khi đã được tinh khiết.
Theo TS-BS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, công nghệ này đã được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Viện cũng đã có trang trại nuôi gà, thường xuyên có 20.000 con phục vụ cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vắc xin. Giai đoạn đầu sản xuất vắc xin Covivac (dự kiến đầu năm 2022), IVAC đạt công suất 6 triệu liều và có thể tăng lên 30 triệu liều vào các năm sau đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.